Vì sao giải thể Ban Chỉ đạo đổi mới giáo dục ĐH?

12/01/2025 10:44 GMT+7

Ban chỉ đạo đổi mới giáo dục ĐH được thành lập ngày 6.2.2006, đến nay đã chính thức giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao.

Ngày 10.1, Phó thủ tướng Lê Thành Long ký Quyết định 71 giải thể Ban Chỉ đạo đổi mới giáo dục ĐH được thành lập theo Quyết định số 170 6.2.2006 của Thủ tướng Chính phủ.

Thực hiện đổi mới giáo dục ĐH đến năm 2020

Được biết, năm 2006, Ban Chỉ đạo đổi mới giáo dục ĐH được Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải ra quyết định thành lập nhằm thực hiện Nghị quyết số 14 năm 2005 của Chính phủ về đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục ĐH Việt Nam giai đoạn 2006 – 2020.

Nghị quyết này đặt ra mục tiêu chung là đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục ĐH, tạo được chuyển biến cơ bản về chất lượng, hiệu quả và quy mô, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập kinh tế quốc tế và nhu cầu học tập của nhân dân.

Vì sao giải thể Ban Chỉ đạo đổi mới giáo dục ĐH?- Ảnh 1.

Giáo dục ĐH Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu sau khi có đề án đổi mới giai đoạn 2006-2020

ẢNH: MỸ QUYÊN

Đến năm 2020, giáo dục ĐH Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực và tiếp cận trình độ tiên tiến trên thế giới; có năng lực cạnh tranh cao, thích ứng với cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Các mục tiêu cụ thể gồm hoàn chỉnh mạng lưới các cơ sở giáo dục ĐH trên phạm vi toàn quốc; phát triển các chương trình giáo dục ĐH theo định hướng nghiên cứu và định hướng nghề nghiệp - ứng dụng; mở rộng quy mô đào tạo, đạt tỷ lệ 450 sinh viên/vạn dân vào năm 2020; xây dựng đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý đủ về số lượng, có trình độ chuyên môn cao; nâng cao rõ rệt quy mô và hiệu quả hoạt động khoa học và công nghệ trong các cơ sở giáo dục ĐH; hoàn thiện chính sách phát triển giáo dục ĐH theo hướng bảo đảm quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của cơ sở giáo dục ĐH.

Đã hoàn thành một giai đoạn đổi mới

Theo đó, Ban Chỉ đạo đổi mới giáo dục ĐH có 11 thành viên. Trong đó, ông Phạm Gia Khiêm, Phó thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban; ông Nguyễn Minh Hiển, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, Phó trưởng ban; ông Trần Quốc Toản, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Phó trưởng ban.

Các ủy viên gồm ông Bành Tiến Long, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT; ông Phan Quang Trung, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; bà Huỳnh Thị Nhân, Thứ trưởng Bộ Tài chính; ông Đặng Quốc Tiến, Thứ trưởng Bộ Nội vụ; ông Trần Quốc Thắng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; ông Đặng Hùng Võ, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; ông Trần Xuân Giá, Trưởng ban Nghiên cứu của Thủ tướng và ông Phạm Phụ, giáo sư trường ĐH (ĐH Quốc gia TP.HCM).

Bộ GD-ĐT là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo. Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ giúp Thủ tướng Chính phủ thực hiện các nhiệm vụ chỉ đạo xây dựng các đề án chi tiết để triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đổi mới giáo dục ĐH; chỉ đạo triển khai, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện các đề án chi tiết đổi mới giáo dục ĐH.

Bên cạnh đó, nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ các chủ trương, chính sách và giải pháp quan trọng để đẩy mạnh việc đổi mới giáo dục ĐH trong từng giai đoạn.

Sau khi được thành lập, Ban Chỉ đạo đã xây dựng Đề án Đổi mới giáo dục ĐH Việt Nam giai đoạn 2006-2020 với các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể.

Đến nay, giáo dục ĐH Việt Nam đạt được nhiều thành tựu như mục tiêu đã đề ra như toàn bộ các trường đã chuyển đổi sang đào tạo theo hệ thống tín chỉ; đội ngũ giảng viên có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ tăng; hoàn thiện hệ thống kiểm định chất lượng và có cơ chế đảm bảo chất lượng; nhiều trường ĐH tự chủ; nhiều chương trình đào tạo được kiểm định quốc tế và được nước ngoài công nhận; hội nhập quốc tế mạnh mẽ; đổi mới phương pháp dạy và học theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin; thu hút giảng viên, chuyên gia giỏi trong và ngoài nước vào làm việc tại các trường ĐH...

Có thể thấy Đề án Đổi mới giáo dục ĐH Việt Nam giai đoạn 2006-2020 đã kết thúc được 5 năm, như vậy là giáo dục ĐH Việt Nam đã hoàn thành một giai đoạn đổi mới và cần những định hướng, chỉ đạo mới để tiếp tục phát triển.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.