Báo Thanh Niên xin trích đăng một số ý kiến bạn đọc gửi về với mong muốn qua diễn đàn này Bộ GD-ĐT sẽ có những điều chỉnh trong các chính sách để giáo viên (GV) yên tâm sống với nghề mình đã chọn.
Với nghề giáo, sự thành đạt của học trò là niềm hạnh phúc vô bờ bến của thầy cô (ảnh minh họa) |
ĐÀO NGỌC THẠCH |
Vô số áp lực từ nghề nghiệp
Áp lực từ các cuộc thi học sinh (HS) giỏi. Nhà trường giao trọng trách phải bồi dưỡng các đội tuyển HS giỏi với chỉ tiêu quá cao. Chính điều này gây ra áp lực quá lớn cho GV. Để đạt được thành tích đó cả GV, HS phải rất dày công nghiên cứu giảng dạy và học tập.
Áp lực từ các cuộc thi GV dạy giỏi. Để có phong trào các nhà trường đều cử, vận động, chỉ định, yêu cầu GV phải đi thi. Các vòng thi phải chuẩn bị công phu hàng tháng, phải tập đi tập lại quá căng thẳng.
Áp lực đầu ra của HS khi chuyển cấp. Nhà trường phải đạt tỷ lệ HS đỗ cao trước các cuộc thi. Nếu không đạt được như mong muốn, GV bị phê bình, nhắc đi, nhắc lại nhiều lần trong các cuộc họp. Đây cũng là gánh nặng quá lớn cho GV.
Áp lực đến từ các tiết dự giờ thao giảng theo nhóm chuyên môn, tổ chuyên môn, cụm chuyên môn. Áp lực đến từ các tiết dự giờ kiểm tra của ban giám hiệu, của phòng giáo dục… để đánh giá GV.
“Lương ba cọc ba đồng” làm sao níu giữ giáo viên !
Năm 2012 sau khi ra trường hai năm, nộp hồ sơ rất nhiều nơi, cuối cùng tôi được nhận vào dạy hợp đồng (thỉnh giảng) ở một trường THCS của huyện. Quá trình xin việc vô cùng gian nan, chờ đợi mỏi mòn và mất cả hy vọng. Ngày ấy, được đứng trên bục giảng là một niềm hạnh phúc quá lớn vì thế cô giáo trẻ tràn đầy nhiệt huyết, tình yêu nghề dạy bằng tất cả đam mê và sự cống hiến.
Tôi vẫn còn nhớ như in ngày nhận tháng lương đầu tiên là 1 triệu đồng. Cầm tiền trên tay mà bao cảm xúc đan xen, nước mắt hòa lẫn với niềm hạnh phúc. Hạnh phúc vì mình đã tự kiếm ra tiền bằng sức lao động và có thể san sẻ bớt phần nào gánh nặng của má, trộn lẫn vào đó có cả nước mắt của sự tiếc nuối. Hồi đó mình đã lập gia đình và có con nhỏ, còn phải phụ má nuôi em trai học năm nhất ở TP.HCM. Một triệu làm gì đây? Mua sữa, tã cho con đã hết lấy đâu mà phụ má nữa chứ. Năm 2018, tôi mới được vào biên chế, niềm vui không sao tả thành lời. 6 năm hợp đồng, 6 năm buồn vui lẫn lộn, 6 năm khó khăn chồng chất khó khăn, 6 năm thanh xuân đánh đổi đi rất nhiều thứ. Và cái còn lại duy nhất và hạnh phúc nhất được học trò kính trọng, yêu thương. Có lẽ đây là sợi dây vô hình, là sức mạnh cũng như động lực giúp tôi bước qua tất cả và tiếp tục đứng trên bục giảng.
Ai cũng bảo nghề giáo là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý, nghề “chở đò thầm lặng đưa khách sang sông”, là kỹ sư tâm hồn… Bao từ hoa mỹ để tôn vinh. Thế nhưng đừng để nỗi lo “cơm, áo, gạo, tiền” bủa vây GV. Một khi lương GV đủ sống thì không còn cảnh GV “chạy sô” làm nhiều nghề, hay bỏ việc giữa chừng để tìm một công việc khác. Gắn bó với nghề 5 năm hay 10 năm, GV phải yêu công việc của họ chứ nhưng giữa đường xin nghỉ ngang chắc phải có nhiều nguyên nhân. Trong đó nguyên nhân chính có lẽ là do lương GV còn quá thấp so với mặt bằng chung của xã hội.
Mức lương hơn 4 triệu đồng, đành buông tay kiếm việc khác
Hơn 20 năm cống hiến cho ngành, hiện mức lương của tôi là hơn 9 triệu đồng. Nhìn bề ngoài ai cũng bảo nghề giáo sướng. Thầy cô chỉ phải dạy theo tiết rồi hè được nghỉ mấy tháng trời. Tuy nhiên, nghề giáo không nhàn và sướng như bao người lầm tưởng nên thực tế, nhiều thầy cô vẫn ngậm ngùi viết đơn xin nghỉ việc.
Một đồng nghiệp, thầy T.Đ.K, nhà ở Châu Thành (Tây Ninh) trải lòng: “Từ nhỏ, em rất yêu nghề giáo. Em thật sự vui và hạnh phúc với nghề mình đã chọn. Công việc của em cũng bình thường. Hằng ngày em lên lớp rồi về nhà phụ ba mẹ công việc lặt vặt. Chưa bao giờ em nghĩ mình bỏ nghề nếu gia đình không xảy ra biến cố. Ba em bị bệnh nên rất cần tiền chữa trị và tẩm bổ ăn uống. Là con, em thương ba nhưng chẳng biết làm gì với mức lương hơn 4 triệu đồng. Cuối cùng sau rất nhiều đắn đo, cân nhắc, em đành buông tay để kiếm việc khác”.
Hơn 2 năm nay, tôi chứng kiến rất nhiều GV trẻ bỏ nghề vì lương thấp và áp lực. Cô K.H, một GV dạy văn nhà ở P.3, TP.Tây Ninh vừa nghỉ việc vì quá mệt mỏi. Bao nhiêu năm qua, cô luôn hết mình với nghề, dạy giỏi và học trò đặc biệt yêu mến. Cô từng bảo tôi nếu được chọn lại, vẫn muốn được làm cô giáo mà thôi. Vậy mà không ngờ, năm nay chị quyết định xin nghỉ việc vì quá mệt mỏi.
Trần Thị Loát (GV ở tỉnh Tây Ninh)
Vì sao giáo viên nghỉ việc?
Bình luận (0)