Mỗi khi bắt đầu vào năm học lại có hàng núi công việc, vô số phong trào cuộc thi… mà thầy cô dù muốn hay không cũng phải gồng mình ra gánh. Nói về phong trào, cuộc thi có lẽ ngành giáo dục chiếm giải quán quân.
Giáo viên xoay vần với hồ sơ sổ sách, soạn, giảng, chấm trả, dự giờ, thao giảng, bồi dưỡng… và vô số phong trào quanh năm |
đ.n.t |
Quá nhiều phong trào
Thử kể sơ qua thì cũng có ít nhất hơn chục phong trào, cuộc thi lớn nhỏ đều đặn diễn ra hàng năm trong trường học. Đơn cử như cuộc thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi, thi học sinh giỏi, phong trào văn nghệ, thể dục thể thao, vẽ tranh mỹ thuật, hội thi sáng tạo kỹ thuật, làm đồ dùng dạy học... Bên cạnh đó là những nhiệm vụ không thể thiếu: hồ sơ sổ sách, soạn, giảng, chấm trả, dự giờ, thao giảng, bồi dưỡng… quanh năm.
Phong trào, cuộc thi nào cũng tốn nhiều thời gian của giáo viên, học sinh, nhưng nếu trường, giáo viên không tham gia thì bị phê bình, trừ điểm thi đua, xếp loại thi đua trường, cá nhân. Tuy nhiên, hiệu quả của phong trào, cuộc thi như thế nào thì chưa có sự tổng kết đánh giá. Tôi nghĩ rằng đã đến lúc nên xem xét và tổ chức lại các phong trào, cuộc thi sao cho thiết thực hiệu quả, nhất là thi giáo viên dạy giỏi và hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật dành cho học sinh.
Về hội giảng thi giáo viên giỏi, nhiều đồng nghiệp thở than thi ở trường có khi còn gay go hơn thi huyện, tỉnh vì cá nhân tự lo cho tiết dạy của mình mà không có sự trợ giúp nào. Vượt qua cấp trường, Ban giám hiệu chọn “gà” đi thi đấu huyện. Giáo viên chúng tôi nói đùa là “chọn mặt gửi vàng” để “đem chuông đi đánh xứ người”. Tôi mất ăn, mất ngủ cả tháng để chuẩn bị cho tiết dạy của mình: nào là giáo án, tranh ảnh, đồ dùng dạy học..., rồi dạy thử để đồng nghiệp trong nhóm, tổ, ban giám hiệu dự giờ góp ý và chỉnh đi sửa lại không biết bao nhiêu lần. Thú thật, giáo viên đi thi như là diễn viên, còn kịch bản, đạo diễn là tổ, ban giám hiệu xây dựng. Tiếp đến, nếu được chọn đi thi giáo viên giỏi cấp tỉnh thì trình tự lại được chuyển giao: tổ nghiệp vụ phòng GD-ĐT dự giờ dạy thử, góp ý cũng năm lần bảy lượt rồi chờ ngày lên đường thi đấu. Giáo viên đi thi khổ đã đành, còn giáo viên không được chọn đi thi cũng khổ không kém, khi phải dạy thay, giữ lớp.
Đây là một áp lực rất lớn đã làm lung lay nhiệt huyết lòng yêu nghề khiến thầy cô khó đứng vững trên bục giảng. Nó như một giọt nước làm tràn ly cùng với đồng lương thiếu trước hụt sau nên nhiều thầy cô đã dứt áo ra đi khỏi ngành để mong tìm kiếm công việc bảo đảm đủ sống hơn đồng lương nhà giáo.
Báo Thanh Niên từng có loạt bài đề nghị xem lại cuộc thi giáo viên dạy giỏi. Đây cũng là một trong những hoạt động gây áp lực với giáo viên |
Đồng lương không đủ sống
Bản thân tôi may mắn nhờ qua nhiều lần cải cách tiền lương với hệ số 4,98 cộng với thâm niên giảng dạy và phụ cấp nghề mỗi tháng nhận được hơn 12 triệu. Trong khi nhiều đồng nghiệp trẻ mới vào ngành chỉ nhận hơn 3 triệu đồng thì không thể nói là sống được bằng lương. Chính vì vậy nhiều thầy cô phải chân trong chân ngoài bươn chải để có thêm thu nhập như bán hàng online, chạy xe ôm, chăn nuôi… đắp đổi sống qua ngày nhưng cũng có không ít thầy cô “dũng cảm” xin nghỉ dạy để tìm việc khác có thu nhập đỡ hơn để lo cho gia đình.
Phải khẳng định những thầy cô còn công tác hiện nay là họ rất yêu nghề dạy học nên đã bám trụ lại nếu không thì đã rời xa bục giảng lâu rồi. Nói vậy không có nghĩa giáo viên nghỉ việc là không yêu nghề mà chính vì đồng lương không đủ sống mà nhiều áp lực khác khiến họ rời xa bục giảng. Tình trạng này dẫn đến hệ lụy ngành giáo dục hàng năm mất đi những thầy cô đã được đào tạo bài bản, dẫn đến khủng hoảng nhân sự trong ngành mà chưa thể sớm khắc phục được.
Giáo viên chúng tôi rất mong Bộ GD-ĐT điều chỉnh các phong trào, cuộc thi để việc dạy - học đi vào chất lượng, thực chất, bãi bỏ những phong trào cuộc thi có tính hình thức, những chỉ tiêu áp đặt làm khổ giáo viên và tất cả thầy cô chờ sự thay đổi về chính sách tiền lương mới để an tâm công tác lâu dài.
Vì sao giáo viên nghỉ việc?
Bình luận (0)