Thầy giáo Nguyễn Duy Trình ở Nghệ An đi làm phụ hồ dịp hè để kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống |
Khánh hoan |
Bài viết Vì sao giáo viên nghỉ việc: Thâm niên 26 năm, lương không đủ sống đăng trên Báo Thanh Niên ngày 18.8 nhận được đông đảo bình luận, phản hồi từ bạn đọc. Trong đó, rất nhiều ý kiến xoay quanh lương, phụ cấp của giáo viên thấp hơn nhiều ngành nghề khác.
"Cuộc sống vả cho không trượt phát nào"
Bạn đọc Nguyễn Linh nói: “Chị ấy có 26 năm kinh nghiệm, lương 11 triệu. Còn với các giáo viên mới vào nghề, bậc thấp nhất lương chỉ có 3,4 triệu đồng/tháng. Nói hơi buồn lương này đúng bằng phụ hồ làm 10 công. Trong khi lương công nhân thì có tối thiểu vùng ít cũng là gần 5 triệu rồi”. Bổ sung ý kiến này, bạn Kenman nói “phụ hồ lúc này 400 đến 450.000 đồng/ngày rồi nhé”.
Bạn Trần Hùng nói: “Ai cũng bảo giáo dục lương cao nhưng có ai thấu hiểu nổi vất vả. Tôi cảm ơn bài viết đã nói hộ cho tất cả giáo viên cả nước. Giáo viên dạy thêm thì bị cấm. Tại sao cấm khi giáo viên hành nghề chân chính?”. Hay HUNGBUI cảm thán “nhà giáo nhìn chung rất cần hỗ trợ lương, thưởng”.
Tài khoản 10057 chia sẻ câu chuyện của cá nhân: “Mình cũng là giáo viên, dạy được 10 năm, lương hiện tại là khoảng tầm 5 triệu 500 ở Bình Dương. Nói thật là tiền thuê nhà và tiền ăn còn không đủ, chứ đừng nói đến mấy thứ tiền khác. Lúc mới ra trường thì nghĩ đơn thuần lắm chỉ cần sống với đam mê nhiệt huyết của bản thân là được, lương không quan trọng. Sau giờ học cũng ráng ngồi lại kèm cho học sinh yếu lớp mình chủ nhiệm miễn phí để các bé có thể có cơ hội học tốt hơn. Cho đến khi mình có người thân bị bệnh, thật buồn cười là tiền khám bệnh mình còn không lo được chứ đừng nói đến tiền chữa bệnh. Giờ thì bớt đam mê lại lo mà đi kiếm tiền rồi, nhưng mà không tập trung chuyên môn dạy học được thiệt. Đúng là cuộc sống vả cho không trượt phát nào”.
Bạn dienthituyetnhung thẳng thắn: “Hồi thằng em út chồng tôi nó kêu nó theo nghề giáo, thì ba chồng tui chỉ thẳng mặt nó và nói: ba từ con nếu con theo nghề giáo, nghề giáo nó bạc lắm biết không (ba mẹ chồng tôi là giáo viên cấp 2, ông nội cũng là giáo viên). Lương ba mẹ chồng tôi đến lúc gần hưu là hơn 10 triệu, người trẻ mới ra trường lương chưa tới 4 triệu là thật nha, ba mẹ kể lúc trẻ ăn uống thì kham khổ, vay từng đồng, cắt bên này xén bên kia để nuôi con ăn học”.
Cô giáo ở TP.HCM thâm niên 26 năm vẫn nghỉ việc vì lương không đủ sống |
thúy hằng |
Lỡ cưới vợ chứ không sống độc thân
Bạn Tú cho biết: “Mình học đại học, về dạy cấp 2 với hệ số lương là 2.1. Lương chính xác là 3.129.000 đồng”.
Bạn truongtamanh2018 nói vừa hài hước, vừa chua xót: “Nên tại sao dân số ngày càng già, tại vì làm không đủ để nuôi con. Không phải giáo viên mà các ngành khác cũng vậy, nếu ở tỉnh nuôi đứa con ăn học cấp 2 thôi thì cũng 4-5 triệu/tháng mà cha mẹ lương 5-6 triệu/tháng sao sống. Tôi lỡ cưới vợ chứ không tôi chọn sống độc thân”.
hoanggiang nguyen lập luận: “Người Việt Nam thích cuộc sống yên bình, nhưng điều đầu tiên là phải bảo đảm cuộc sống của họ đã, tức là phải đủ ăn cái đã. Bỏ công ăn học, làm việc đàng hoàng bằng trí thức mấy chục năm chẳng bằng ông phụ hồ. Vậy giá trị sức lao động, tình yêu nghề, niềm tự hào nghề nghiệp sẽ bị so sánh và cái quan trọng nhất khi cái bụng ngày càng tóp thì dù có giỏi chịu đựng mấy họ cũng phải tìm một cách giải khác cho cuộc sống của họ..."
Bạn đọc khác cũng đồng cảm: "Nhiều người nói giáo viên lương cao, xin thưa nếu giáo viên lương đạt 11, 12 triệu thì gần về hưu mới đạt được như vậy và đồng thời sẽ kèm với bệnh tật ốm đau thì số tiền đó không đủ trang trải cuộc sống đâu còn giáo viên mới ra trường chỉ 2,5 triệu hoặc 3 triệu thôi”.
Chỉ đi dạy thêm mới có thêm
Một bình luận nhận được nhiều phản hồi nhất là “Vậy thử khảo sát xem lương nghề nào thấp, chứ tôi thấy các giáo viên gần nhà, hay thầy cô tôi hay các thầy cô nơi tôi làm việc không ai là có thu nhập thấp cả”.
Nhiều bạn đọc khác “phản pháo”. “Tôi có đứa cháu đang là giáo viên, cháu mới dạy học được 2 năm, lương cháu 3 triệu đây, cháu mới ra trường cháu chọn ngành này vì đam mê từ nhỏ, còn sau này có gia đình nhỏ tính sau” (Nguyễn Thị Nở).
“Đấy là các thầy cô gần chỗ bạn đi dạy thêm ở ngoài đó, những hoạt động chuyên môn diễn ra bên ngoài nhà trường, bên ngoài nơi làm việc chính thức của họ. Đấy chỉ là 1 số nhỏ các thầy cô giỏi và dạy các môn hot như toán, văn, Anh... Còn lại 95% các thầy cô khác không dạy thêm, chỉ dạy chính thì nghèo lắm bác ạ” (Đắc Hiếu).
Được dạy dỗ học trò là niềm hạnh phúc của những người chọn nghề giáo, nhưng khi lương, phụ cấp không đủ trang trải, họ nghỉ việc |
Ảnh minh họa Giang phương |
Bạn huongnguyen0376 viết: “Nhà giáo nhìn mặt bằng chung lương quá thấp, chỉ có một số thầy cô dạy thêm là thu nhập cao thôi, cứ dựa vào đồng lương là không đủ sống. Tôi dạy đến nay 23 năm mà lương được hơn 8 triệu”.
Ai cũng nghỉ thì ai dạy con em chúng ta?
Bạn Lai Tran trao đổi: “Chẳng hiểu lương bao nhiêu là đủ sống muốn kêu ca thì nhìn mặt bằng chung, khi xác định làm công ăn lương thì số tiền có hạn mức muốn đảm bảo cuộc sống hãy bỏ nghề ra ngoài làm nghề khác kiếm nhiều tiền khỏi kêu”. Phản hồi bình luận này, bạn Vu Nguyen Anh đáp: “Đồng ý. Nhưng nếu các thầy, cô đều làm vậy thì ai sẽ dạy cho con em chúng ta?”.
bình dân nguyễn cám cảnh: “Lương giáo viên thấp, ai cũng thấy, nói cũng nhiều, bàn cũng nhiều, hứa cũng quá nhiều nhưng có thay đổi gì được đâu. Càng bàn, càng nói về lương của giáo viên càng chạnh lòng và xót xa nhưng kết quả thì sao, có thay đổi được gì không, lương giáo viên có tăng không và hậu quả bây giờ là hàng loạt giáo viên bỏ nghề, muốn tuyển giáo viên thì không có”.
Giảng viên đại học cũng thở dài
Không chỉ góp ý về lương của giáo viên, nhiều bạn đọc cũng góp ý lương, phụ cấp của giảng viên thấp.
Bạn Hoàng Phong trao đổi: “Theo tôi biết được thì hiện giờ công việc hành chính (bên cạnh giảng dạy 1-3 môn và nghiên cứu khoa học) của giảng viên bậc đại học cũng nhiều tương tự như của cô Châu nêu trong bài viết. Ví dụ như giảng viên đại học hiện nay vẫn được phân chủ nhiệm/cố vấn học tập với sĩ số có khi lên đến hơn 100 sinh viên (nhiều hơn sĩ số của 1 lớp chủ nhiệm ở bậc phổ thông), vẫn phải họp hành, kiểm định, hợp tác doanh nghiệp, tham dự sự kiện, làm các báo cáo hành chính... Trong khi trường đại học phải là nơi giảng dạy và kiến tạo tri thức bậc cao thì những việc rườm rà và cồng kênh đang khiến giảng viên bị phân tán sức lực, không thể chuyên tâm cho giảng dạy và nghiên cứu”.
Bạn Phạm Hát cũng giãi bày: “Tôi làm giảng viên đại học công lập 18 năm, lương và phụ cấp sau khi trừ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, công đoàn… thì chỉ còn hơn 6 triệu/tháng, tháng nghỉ hè chỉ còn 75% lương, tháng 13 đã chia đều vào 12 tháng trong năm. Thu nhập tăng thêm có được là nhờ vượt giờ lao động, cũng giống như tăng ca, tổng thu nhập cũng không quá 8 triệu/ tháng là đã bao gồm các khoảng thưởng trong năm. So với các trường công lập khác thì gần như giống nhau nhưng thấp hơn trường người ta 15-20% tổng thu nhập. So với trường dân lập thì chỉ bằng 30-40% thôi”.
Lương "đội nóc" chỉ trên 6 triệu
Bạn đọc Hậu Lê viết: “Tôi rất chia sẻ với khó khăn và cuộc sống hiện tại của viên chức trong bài viết này. Nhưng thu nhập như thế là còn đỡ hơn tôi nhiều, trước đây tôi đi dạy trung học 12 năm và sau đó do địa phương thiếu cán bộ (thời kiểm tra bằng giả) nên tôi được điều chuyển về công tác lĩnh vực Nhà nước. Đến nay đã tham gia công tác 27 năm, lương đội nóc rồi mà ngày 2 buổi đi làm nhưng lương chỉ trên 6 triệu mà thôi. Vì không đi dạy nên không có phụ cấp thâm niên, cũng như 25% ưu đãi của ngành! Vậy tôi sống ra sao đây? Trong khi bạn bè cùng trang lứa hiện đang dạy học lãnh lương hơn chục triệu”.
Những ý kiến bàn luận về lương giáo viên cũng như lý do vì sao nhiều giáo viên nghỉ việc vẫn đang được gửi nhiều về Báo Thanh Niên. Ở một góc nhìn, bạn Đào Lê Nho nói: “Người ta có câu nói, "bất kỳ sự so sánh nào cũng trở nên khập khiễng". Lương giáo viên đúng là thấp thật nhưng làm giờ hành chính, ngày có 1 buổi. Anh phụ hồ thu nhập 300.000 đồng/ngày nhưng ngày nào biết ngày đó, nặng nhọc, nguy hiểm…”.
Vì sao giáo viên nghỉ việc?
Bình luận (0)