Vì sao giới trẻ thích podcast ?

24/07/2022 07:30 GMT+7

Vài năm trở lại đây, thuật ngữ ' podcast ' dần trở nên quen thuộc và giới trẻ có thêm kênh tiếp cận thông tin cũng như chia sẻ những điều muốn nói đến với nhiều người hơn.

Hiện nhiều người trẻ muốn trải lòng, chia sẻ thông tin bằng hình thức podcast (một bản trình bày một nội dung nào đó bằng giọng nói kết hợp với các âm thanh được lưu trữ với định dạng mp3 do một người bất kỳ tạo ra và chia sẻ lên internet để mọi người có thể nghe trực tiếp trên internet hoặc tải về để nghe. Có thể hiểu nó tương tự như một chương trình radio mà bạn hay nghe).

Trần Nguyên Khoa (24 tuổi, kỹ thuật viên quay phim ở Nha Trang) cho rằng giới trẻ luôn là người tiên phong trong tiếp cận xu hướng mới. Và podcast không nằm ngoài xu thế đó. Khi du học ở Úc, Khoa thấy được xu hướng mới và cậu đầu tư, phát triển kênh podcast của mình từ năm 2019 với mục đích kiếm tiền và phát triển thương hiệu bản thân.

Nhiều bạn trẻ tham gia giao lưu về cách làm podcast

Nguyên Khoa

Khoa lập kênh về du học, kết nối với nhiều du học sinh khác trên thế giới, mục đích là chia sẻ kinh nghiệm, trải nghiệm và những tâm sự trong thời gian học xa nhà. Về nước đầu năm 2020, Khoa tiếp tục đẩy mạnh hơn xu hướng podcast bằng cách xây dựng fanpage cộng đồng “chơi” podcast ở Việt Nam.

Nguyễn Linh Phượng (33 tuổi) hiện đang sống tại thành phố Paphos (Cộng hòa Síp), cũng đang là hướng dẫn viên về podcast. Nghe podcast là thói quen của cô mỗi ngày từ năm 2015. Nhờ podcast, Phượng được mở mang thêm nhiều kiến thức, kỹ năng, góc nhìn, và cô bắt đầu xây dựng podcast từ năm 2016.

Phượng kể: “Tôi từng nhắc tới việc nghe podcast với những người bạn của tôi, thật bất ngờ là rất nhiều trong số họ sở hữu điện thoại iPhone có ứng dụng podcast mà chưa từng mở ra và không biết đó là gì”.

Trần Nguyên Khoa chia sẻ xây dựng kênh podcast cá nhân thật sự không khó. Nó tương tự các nền tảng YouTube hay TikTok. “Chỉ cần có thiết bị thu âm tốt, kết nối máy tính hoặc một chiếc điện thoại là có thể làm được. Với tôi chỉ cần chiếc điện thoại là có thể xử lý hết các kỹ thuật rồi”, Khoa nói.

Tuy vậy, theo Khoa, quá trình hậu kỳ cũng có nhiều gian nan, từ làm nội dung, thu âm, chỉnh sửa âm thanh, tìm kết nối với người nghe. Như vậy, nếu một podcaster làm việc độc lập, người đó cần phát triển kỹ năng thu âm và sản xuất cơ bản, kỹ năng viết và sáng tạo nội dung một cách hệ thống, sau đó là khả năng diễn đạt, điều khiển giọng nói. Hiện nay bạn trẻ có nhiều nền tảng hình hoặc phát thanh để lựa chọn khi truyền tải thông tin của mình.

Nguyễn Mạnh Hùng (25 tuổi, từng là du học sinh và đang làm việc ở Úc) sở hữu hơn 30 sản phẩm podcast trong 1 năm qua. Tổng thể đã có 400.000 lượt nghe, mỗi tập podcast của Hùng có trung bình từ 7.000 - 8.000 lượt nghe. Tuy nhiên, anh vẫn chưa có ý định kiếm tiền từ đó.

Hùng chia sẻ kiếm tiền từ podcast không khác so với các nền tảng khác, như từ quảng cáo, lượt xem trên YouTube. Còn điều khác biệt nữa là nhận tiền đóng góp trực tiếp từ người nghe. Thời điểm hiện tại podcaster Việt rất khó “ăn” quảng cáo từ làm podcast. Đa số những kênh đã nổi tiếng kiếm được tiền nhờ chuyển từ YouTube, Facebook sang podcast.

Linh Phượng chia sẻ thêm làm công việc sáng tạo thì không bó hẹp phạm vi kiếm tiền. Quan trọng là định hướng làm podcast để làm gì và có mục tiêu cụ thể. Cách kiếm tiền sẽ khác nhau giữa các nhà sáng tạo nội dung podcast. Podcast có thể là sản phẩm trực tiếp tạo ra nguồn thu, nhưng cũng có thể là cầu nối để mang về nguồn thu. Cụ thể hơn, Phượng cho biết sử dụng kênh và website để đi chào khách, mang về những công việc thời vụ như: chỉnh sửa âm thanh cho podcast, làm trợ lý từ xa cho người làm podcast, ngoài ra còn nhận được những lời mời giảng dạy và viết sách.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.