Đầu tháng 3, giá dừa tươi tại nhiều điểm bán ở TP.HCM phổ biến 15.000 đồng/2 quả. Trong những ngày gần đây, xu hướng giá tiếp tục lan rộng và một số điểm bán xuất hiện giá mới chỉ 5.000 đồng/quả.
Điều này trái ngược với quy luật vì thông thường vào mùa hè, giá dừa tươi sẽ tăng do đây là mặt hàng giải khát được nhiều người yêu thích. Nhưng hiện tại đang vào cao điểm nắng nóng, giá dừa chẳng những không tăng mà lại giảm. Nguyên nhân theo Hiệp hội Dừa Việt Nam, do những năm trước xuất khẩu thuận lợi giá dừa tăng cao, nông dân mở rộng diện tích hiện lên đến 188.000 ha. Bên cạnh đó, hiện có nhiều giống dừa cho năng suất cao nên sản lượng tăng khá mạnh trong khi tiêu thụ nội địa hạn chế và xuất khẩu không thuận lợi khiến nguồn cung dồi dào, giá giảm.
Số liệu thống kê của ngành hải quan cho biết, trong năm 2022, xuất khẩu sản phẩm dừa tươi khoảng 103 triệu USD và dừa chế biến 122 triệu USD. So với năm 2021, giá trị xuất khẩu sản phẩm dừa tăng khoảng 9%. Hiện tại xuất khẩu sản phẩm dừa tươi "cạo trọc" (dừa gọt vỏ) sang Mỹ, EU và Trung Đông vẫn ổn định nhưng số lượng hạn chế. Trong khi đó, xuất khẩu dừa khô và các sản phẩm chế biến từ dừa sang Trung Quốc đang gặp khó khăn. Đó là lý do vì sao giá dừa gần đây liên tục giảm, đặc biệt từ đầu năm đến nay.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, trước đây dừa được xuất tiểu ngạch qua thị trường Trung Quốc chủ yếu. Hiện tại, xuất tiểu ngạch không được, trái dừa đang đưa vào danh sách đàm phán với phía Trung Quốc để được cấp nghị định thư xuất khẩu chính ngạch. Nếu được phê duyệt, giá dừa sẽ được cải thiện.
Sản phẩm dừa Việt Nam hiện đang cạnh tranh quyết liệt với Thái Lan, Indonesia và Philippines. Hạn chế lớn nhất của dừa Việt Nam là chất lượng không đồng nhất, năng suất thấp. Có nhiều giống dừa nổi tiếng nhưng trái nhỏ, không đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu trái tươi và cũng không hiệu quả để chế biến. Đây là vấn đề cần phải điều chỉnh cho phù hợp nếu muốn xuất khẩu mạnh hơn.
Bình luận (0)