Từ nhiều thế kỷ, núi Thiên Bút vốn được xem là một ngọn núi thiêng, một ngọn núi tiêu biểu, nên ngay trong mục “Núi sông” phần viết về tỉnh Quảng Ngãi, sách Đại Nam nhất thống chí (quyển 8), được viết dưới thời Tự Đức, các tác giả của Quốc sử quán Triều Nguyễn có ghi ngay đầu mục này: “Núi Thiên Bút ở cách huyện Chương Nghĩa chừng 4 dặm về phía bắc. Hình núi 4 mặt thấp, mà ở giữa cao vọt lên, trông như cây bút dựng, nên tên gọi thế. Xưa Tân Minh hầu Nguyễn Cư Trinh làm Tuần vũ Quảng Ngãi đề vịnh Mười cảnh ở Quảng Ngãi có một đề là “Thiên Bút phê vân” [núi Bút phê mây]”.
Sau cuốn Đại Nam nhất thống chí, bộ sách Đồng Khánh địa dư chí trong phần tỉnh Quảng Ngãi có ghi 6 ngọn núi tiêu biểu trong tỉnh, trong đó có núi Thiên Bút. Núi này được ghi đầu tiên: “Núi Thiên Bút ở phía nam tỉnh vài dặm, thuộc địa phận xã Chánh Mông. Hình núi giống ngọn bút nên gọi vậy. Vùng này phong tục văn nhã nhất huyện. Dưới núi về phía tây nam có đàn Sơn Xuyên. 'Ngọn bút trời phê điểm đến tầng mây', là môt trong 10 cảnh đẹp của tỉnh Quảng Ngãi”.
Sau này, các cuốn sách như Quảng Ngãi nhất thống chí của Lê Ngải (bản viết tay, không rõ năm viết, có lẽ là dịch phần tỉnh Quảng Ngãi trong Đại Nam nhất thống chí, có bổ sung), Quảng Ngãi tỉnh chí của Nguyễn Bá Trác (và các tác giả, 1933), Địa dư Quảng Ngãi của Nguyễn Đóa - Nguyễn Đạt Nhơn (1939), Non nước xứ Quảng của Phạm Trung Việt (in năm 1962, tái bản nhiều lần), Địa chí Quảng Ngãi (nhiều tác giả, 2008)… đều có ghi chép tương tự về núi Thiên Bút.
Nhìn lại những tài liệu ở trên, hầu như các tác giả chỉ nhìn Thiên Bút dưới góc nhìn như một thắng cảnh tiêu biểu ở tỉnh Quảng Ngãi, và có tài liệu còn nâng lên thành biểu tượng: núi Thiên Bút tượng trưng cho “văn phong sĩ khí” (của người Quảng Ngãi). Rồi cũng từ góc nhìn này, có người lại lấy hình ảnh núi Thiên Bút dùng để đối lập với núi Thiên Ấn, vốn xem là biểu tượng của vương quyền. Ở một khía cạnh khác, không chỉ nhiều người ca ngợi vẻ đẹp của núi Thiên Bút, mà còn coi trọng núi Thiên Bút. Xem lại tập Hương ước làng Chánh Lộ (ban hành năm 1938, hiện còn lưu trữ tại Pháp, trên trang Gallica), những người soạn bản hương ước này đặc biệt coi trọng đến núi Thiên Bút. Hương ước dành hẳn mục thứ 3 nói về núi Thiên Bút và mộ địa người châu Âu, trong đó nói về việc đặt 2 thủ khoán để canh giữ núi, việc quản lý chôn cất mồ mả, cấm hái củi, đốn cây, cấm người trong làng và người ngoài làng đêm hôm vào trong núi…
|
Về bài thơ vịnh Núi Bút
Năm Canh Ngọ (1750), Đại Am Nguyễn Cư Trinh được cử làm Tuần vũ phủ Quảng Ngãi. Tại đây ông đã có nhiều chính sách vỗ yên vùng đất này, đặc biệt là với người Thượng vùng Đá Vách (Thạch Bích). Theo các tác giả Đại Nam nhất thống chí và một số nhà nghiên cứu, trong những ngày trấn nhậm, ngoài viết truyện thơ Sãi Vãi bằng chữ Nôm để động viên quân sĩ, đồng thời, Nguyễn Cư Trinh còn viết 10 bài thơ vịnh cảnh đẹp Quảng Ngãi theo thể thất ngôn bát cú, cũng bằng chữ Nôm. Riêng trong Đại Nam nhất thống chí, khi ghi chép về 10 thắng cảnh Quảng Ngãi, các tác giả đều xác nhận Nguyễn Cư Trinh là người từng đề vịnh các cảnh đẹp đó.
Nhưng không chỉ các tác giả Đại Nam nhất thống chí, trong Phương Đình địa dư chí, được viết vào nửa đầu thế kỷ 19, và được khắc in vào năm Canh Tý, Thành Thái thứ 2 (1900), Nguyễn Văn Siêu và Bùi Quỹ cũng nói rằng: “Ngày xưa, Tân Minh hầu Nguyễn Cư Trinh làm Tuần vũ ở đây đề vịnh 10 cảnh, như là “Cổ Lũy cô thôn”…. Trong mục "Thắng cảnh", sách Non nước xứ Quảng (in năm 1971), ông Phạm Trung Việt còn nói rõ hơn, chính Nguyễn Cư Trinh đã đề vịnh 10 cảnh đẹp Quảng Ngãi, gồm: Thiên Ấn niêm hà, Thiên Bút phê vân, Long Đầu hý thủy, La Hà thạch trận, Cổ Lũy cô thôn, Thạch Bích tà dương, Hà Nhai vãn độ, An Hải sa bàn, Liên Trì dục nguyệt, Thạch cơ điếu tẩu, và nói thêm rằng người đời sau đã bổ sung vào 2 bài nữa, là Vu Sơn lộc trường và Vân Phong túc vũ (nên thành “Cẩm thành thập nhị cảnh”).
Nhà nghiên cứu Phạm Việt Tuyền, khi viết sách Văn học miền Nam vào năm 1961 (xuất bản năm 1965), lại nói rằng, theo tài liệu do ông Bùi Văn Lăng (chưa rõ tiểu sử - NV) cung cấp, Nguyễn Cư Trinh đã viết 12 bài thơ vịnh cảnh đẹp Quảng Ngãi, liệt kê cả hai bài Vu Sơn lộc trường và Vân Phong túc vũ vào nữa. Kế tiếp Phạm Việt Tuyền, sách Thơ văn Nguyễn Cư Trinh của Phan Hứa Thụy (xuất bản 1989), cũng đã viết: Nguyễn Cư Trinh đã đề vịnh 12 bài thơ về cảnh đẹp Quảng Ngãi, gọi là “Quảng Ngãi thập nhị cảnh”.
Theo các sách của Phạm Việt Tuyền và Phan Hứa Thụy, bài Thiên Bút phê vân, được cho là của Nguyễn Cư Trinh, như sau:
Trước thành đồng trống lổng lồng lông
Núi Bút phê vân khéo lạ lùng
Cây điểm ra hoa, hoa điểm nhụy
Mây thành có sắc, sắc thành không
Giang sơn đúc lại còn danh giá
Cốt cách xinh vầy tự hóa công
Thêu dệt văn chương trên đế tọa
Hơn mười hai cảnh giữa non sông.
Vì sao lại gọi “Thiên Bút phê vân”?
Nhà nghiên cứu văn học Phạm Việt Tuyền, viết: “Bài này vịnh núi Thiên Bút ở làng Chánh Lộ, phủ Tư Nghĩa. Hòn núi này nổi lên giữa cách đồng bằng như hình một cây bút phê lên giữa trời mây vậy”. Nhà biên khảo Phạm Trung Việt còn giải thích thêm là: “(núi Bút) buổi sáng, sương mù bốc lên chập chờn lưng chừng đồi, tỏa lần lên đỉnh núi chan hòa với mây cao. Ngọn núi nhọn bị sương che lấp, xa xa như ngọn bút viết trên mây. Đây là lúc Thiên Bút phê vân. Không phải là lúc nào cũng thấy hiện tượng này. Mà mỗi lần có bút phê vân thì dân địa phương tin có việc lớn sẽ xảy ra trong tỉnh”. Nhà nghiên cứu Phan Hứa Thụy chú giải: “Bút trời phê chữ lên mây. Ngọn Thiên Bút thuộc địa phận làng Chánh Lộ dựng đứng giữa đồng ruộng, trông giống như cây bút khổng lồ viết chữ lên mây”. Sau này, còn nhiều tài liệu cũng đã giải thích tương tự, trong đó có cả ý kiến của chúng tôi, in trong sách Địa chí Quảng Ngãi (xuất bản năm 2008).
Tóm lại, khi đọc bài thơ Thiên Bút phê vân và những kiến giải trước đây, kể cả sách của các sử gia thời nhà Nguyễn, có thể tạm hiểu: Nói "Thiên Bút phê vân", là nói về hình ảnh ngọn núi Thiên Bút có hình chóp nhọn, tựa như ngọn bút (lông) nhô cao giữa cánh đồng; khi có mây trời vây quanh đỉnh núi, thì đấy là lúc bút trời đang vẽ, viết (phê) lên trời mây vậy.
Mà thực tế có đúng như thế không, khi ngọn núi Thiên Bút chỉ thấp lè tè, cao hơn 60m?
Cuộc khai quật khảo cổ trên đỉnh núi Thiên Bút vào tháng 2.2017 đã phát lộ một nền tháp chính hơn 400m2 (khá bằng phẳng, chứ không nhọn như một số người mô tả) với khoảng hơn 100 hiện vật thuộc nền văn hóa Chăm pa, đặc biệt là bộ sinh thực khí (linga - yoni) có kích cỡ vào loại những bộ sinh thực khí được tìm thấy lớn nhất nước. Theo nhận xét của các nhà khảo cổ, như TS.Vũ Quốc Hiền – người chủ trì khai quật, PGS.TS Ngô Văn Doanh - chuyên gia nghiên cứu văn hóa Chăm, trong buổi báo cáo kết quả khai quật mà báo chí đã phản ánh, thì tại núi Thiên Bút từng tồn tại một tháp cổ Chăm pa, có nhiều điểm tương đồng với tháp chính của tháp Bà (TP.Nha Trang), tháp chính của tháp Bánh Ít (Bình Định) và tháp chính nhóm G ở thánh địa Mỹ Sơn (Mỹ Sơn G1 - Quảng Nam) và niên đại của tháp núi Thiên Bút có thể xác định là được xây dựng ở khoảng cuối thế kỷ 11; có độ cao nhô lên đỉnh núi khoảng 25m.
|
Trong những năm qua, các nhà nghiên cứu văn hóa trong tỉnh, lẫn chúng tôi, sau khi khảo sát thực địa, cũng như tham khảo công trình khảo tả di tích Chánh Lộ ở Nghĩa Điền, Tư Nghĩa của học giả người Pháp H.Parmentier, khi ông này có nhắc tới dấu vết phế tích Chăm trên núi Thiên Bút, đều có đề cập đến phế tích đền tháp Chăm này. Nhưng để đặt ra vấn đề: Thời Nguyễn Cư Trinh làm Tuần vũ Quảng Ngãi năm Canh Ngọ (1750) thì trên đỉnh núi Thiên Bút, tháp Chăm có thể còn hiện diện vẫn chưa được đặt ra, bởi những bài viết, những công trình khảo cứu này đều đã viết trước khi tháp Chăm trên núi Thiên Bút được khai quật.
Và cũng từ cách đặt vấn đề: Trên núi Bút lúc bấy giờ vẫn còn hiện hữu tháp Chăm, nên ở đây, chúng tôi suy luận rằng: Có thể khi viết bài vịnh núi Bút cách đây hơn 200 năm, tác giả đã nhìn thấy tháp Chăm vươn trên đỉnh núi như ngọn bút (của trời) vờn mây giữa đồng trống, còn lắm cỏ hoa, mà vịnh thơ rằng: “Thiên Bút (đang) phê vân” chăng?
Đọc lại 2 câu kết của bài thơ: “Thêu dệt văn chương trên đế tọa/ Hơn mười hai cảnh giữa non sông”, lại thấy có lẽ điều vừa suy luận trên có khi là đúng. Đâu phải chỉ có tháp cổ như ngọn bút phê giữa trời mây, mà ngọn bút đó còn tựa trên đế tọa (là núi Bút) như để thêu dệt cả văn chương, ít nhất là về 12 thắng cảnh của vùng đất Quảng Ngãi xưa kia.
Bởi vậy có người hỏi, việc di dời cây đa cổ thụ đưa lên núi Thiên Bút để trồng lại, là phù hợp không, thì theo những gì trình bày ở trên, cứ tự suy ra vậy.
Bình luận (0)