Đó là gói 120.000 tỉ đồng cho chủ đầu tư được vay vốn với lãi suất 8,7% và lãi suất 8,2% cho người mua nhà tại các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân và dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.
Thực tế đã có nhiều chính sách hỗ trợ, gói vay ưu đãi không thể tới tay người thụ hưởng do những bất cập về quy định, điều kiện khi triển khai thực hiện. Ngay lúc này, Ngân hàng Nhà nước cũng đang đề xuất chuyển nguồn vốn của gói vay ưu đãi lãi suất 2% với tổng giá trị 40.000 tỉ đồng sang các chính sách khác, những lĩnh vực đang thiếu vốn để tận dụng nguồn lực dôi dư. Nguyên nhân là sau 2 năm triển khai, gói này chỉ giải ngân được 330/40.000 tỉ đồng. Đáng nói là gói ưu đãi lãi suất 2% tắc ngay trong đơn kêu cứu, kiến nghị được vay của rất nhiều doanh nghiệp (DN), hiệp hội và trong bối cảnh nền kinh tế khát vốn rẻ.
Gói 120.000 tỉ đồng cũng đang đứng trước nguy cơ tắc nghẽn khi có quá nhiều yếu tố, điều kiện chưa hợp lý với cả người dân và DN. Đầu tiên là lãi suất vẫn quá cao. Lãi vay 8,2%/năm thì người nghèo đô thị nói chung rất khó "kham" nổi, nhất là trong bối cảnh thu nhập giảm do kinh tế khó khăn hiện nay. Chưa kể mức lãi vay này chỉ áp dụng trong 5 năm, sau đó thì người vay và NH sẽ tự thỏa thuận... Một "kết thúc" thả nổi quá rủi ro mà hầu hết người vay không dám liều lĩnh vì có thể dẫn tới không đủ khả năng trả nợ. Chưa kể gói 120.000 tỉ đồng là gói vay thương mại nhưng theo quy định thì vay gói này rồi lại không được vay gói ưu đãi lãi vay cho nhà ở xã hội khác nữa... Chỉ bấy nhiêu thôi, nguy cơ tắc giải ngân là rất lớn khi người vay cảm thấy bất an. Nên nhớ, gói vay 120.000 tỉ đồng còn được kỳ vọng sẽ rã băng phân khúc nhà ở xã hội vốn đang rất được quan tâm hiện nay. Từ đó góp phần rã băng thị trường bất động sản, thị trường đóng góp lớn trong GDP, và tiến tới phục hồi kinh tế. Nếu gói này tắc thì những kỳ vọng cũng xếp lại...
Nhìn lại suốt mấy năm khó khăn vừa qua, Nhà nước đã đưa ra nhiều gói hỗ trợ, ưu đãi, an sinh xã hội để chia sẻ với người dân, DN. Thế nhưng không ít trong số đó, ngay từ khi "thiết kế" đã trói chân trói tay khâu thực thi phía sau. Đơn cử như gói hỗ trợ DN khó khăn vì Covid-19 thì lại yêu cầu hoạt động kinh doanh phải có lãi. Nhưng nếu vẫn kinh doanh có lãi thì chưa thể gọi là khó khăn, chưa cần thiết phải dùng nguồn hỗ trợ của Nhà nước. Còn các DN khó khăn, thua lỗ, cần sự trợ giúp thì lại không đủ điều kiện tiếp cận. Vốn ế trong khi nhu cầu cao, không ít DN chết trên đống tài sản hay các cuộc sang tên đổi chủ trên thị trường hiện nay... bắt nguồn từ đó.
Kinh tế vẫn hết sức khó khăn, để hỗ trợ người dân, DN, Chính phủ đã và đang tiếp tục cắt giảm thuế phí, giảm lãi vay, thúc đẩy vốn, đưa ra các gói hỗ trợ... Nhưng quan trọng nhất lúc này là các chính sách phải nhanh chóng được triển khai, nhanh chóng được áp dụng, nhanh chóng đi vào cuộc sống. Nếu không "nước xa khó cứu lửa gần" vì sức khỏe của rất nhiều DN đã nguy kịch.
Trên tất cả, các gói hỗ trợ, ưu đãi về bản chất là sự chia sẻ của Nhà nước với người dân và DN trong bối cảnh khó khăn nên không thể để bị ế, bị chê hay thiếu hiệu quả. Vì vậy, ngay từ khâu "thiết kế" phải tính toán sao cho hợp lý, hợp tình. Nếu không, phải xem lại năng lực và trách nhiệm của chính đơn vị soạn thảo.
Đó cũng là để bảo đảm chất lượng và hiệu quả thực thi chính sách của Nhà nước.
Bình luận (0)