Vì sao Hàn Quốc hứng chịu đợt Covid-19 tồi tệ nhất kể từ đầu dịch?

14/12/2021 18:30 GMT+7

Sự gia tăng chưa từng thấy về số ca nhập viện và tử vong vì Covid-19 ở Hàn Quốc đe dọa đảo ngược thành quả phòng chống dịch mà nước này đã đạt được.

Người dân xét nghiệm Covid-19 tại Seoul, Hàn Quốc vào ngày 14.12

afp

Hãng Yonhap đưa tin số ca nhiễm Covid-19 ở Hàn Quốc ghi nhận vào ngày 14.12 ở dưới mức 6.000 trong 2 ngày liên tiếp, với các ca nguy kịch và tử vong ở mức cao kỷ lục giữa lo ngại biến thể Omicron lây lan.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật Hàn Quốc (KDCA), nước này ghi nhận thêm 5.567 ca nhiễm, nâng tổng số lên 528.652. Trước đó, số ca nhiễm hằng ngày tăng lên mức kỷ lục vào ngày 8.12 và tiếp tục ở mức trên 7.000 trong 2 ngày sau đó.

Số bệnh nhân nguy kịch ở mức cao chưa từng thấy là 906. Bên cạnh đó, số ca tử vong ghi nhận trong ngày 14.12 là 94, nâng tổng số lên 4.387, với tỷ lệ tử vong ở mức 0,83%. Cả nước ghi nhận thêm 5 ca nhiễm biến thể Omicron, nâng tổng số lên 119.

Y tế quá tải

Theo tờ The Korea Herald, tình trạng thiếu giường bệnh đang diễn biến nghiêm trọng tại các bệnh viện trên cả nước, với hơn 80% giường chăm sóc tăng cường đều có người bệnh, tính đến chiều 11.12.

Seoul, nơi dịch bệnh nặng hơn những khu vực khác, chỉ còn lại 34 giường cho những bệnh nhân nặng nhất. Đến nửa đêm 11.12, có đến 1.739 bệnh nhân tại Seoul và khu vực lân cận đang chờ giường bệnh, trong đó có 1.222 bệnh nhân thuộc nhóm dễ bị thương tổn lâm sàng.

Theo số liệu chính thức, 29 bệnh nhân tử vong tại nhà trong vòng 5 tuần qua mà chưa hề nhập viện do các bệnh viện không còn giường trống. Từ đầu tháng 11, chính phủ đã 4 lần ra chỉ thị cho các bệnh viện dành thêm giường cho bệnh nhân Covid-19 nặng và nguy kịch.

Các nhân viên y tế tuyến đầu cũng cho hay sự gia tăng lây nhiễm Covid-19 khiến các bệnh viện vốn đang chịu áp lực trở nên vượt giới hạn.

Anh chuẩn bị ra sao trước cơn "sóng triều" Omicron?

Nên phản ứng sớm hơn?

Vào tuần cuối tháng 11, khi hơn 90% giường chăm sóc đặc biệt tại các bệnh viện ở Seoul đều có bệnh nhân, Hàn Quốc quyết định tiếp tục mở cửa.

Đến ngày 6.12, chính phủ áp dụng lại quy định giới hạn số người tập trung, với các biện pháp khác thông báo vào tuần sau đó, sau khi nước này ghi nhận những ca Omicron đầu tiên.

Bác sĩ Eom Joong-sik chuyên về bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm Y tế Đại học Gachon gần Seoul cho rằng số ca tử vong tại nhà gia tăng là do cơ quan chức năng chưa phản ứng kịp thời.

“Nếu chúng ta hành động sớm, sẽ không có nhiều bệnh nhân tử vong mà còn chưa kịp đến bệnh viện”, ông nhận định.

Theo ông, quy định giãn cách xã hội từng áp dụng khi có 1.000-2.000 ca nhiễm/ngày đã không còn phù hợp nên cần siết chặt hơn.

Bác sĩ Kim Woo-joo tại Trung tâm Y tế Đại học Hàn Quốc cho rằng chính phủ lẽ ra nên áp dụng các biện pháp ứng phó khẩn cấp như đã hứa, khi bệnh nhân chiếm hơn 75% số giường bệnh chăm sóc tăng cường.

“Thông thường, phải mất 2-3 tuần để giãn cách xã hội và các biện pháp y tế khác có hiệu quả. Chờ đợi quá lâu dẫn đến nguy cơ nhiều người tử vong một cách không cần thiết”, theo bác sĩ Kim.

Miễn dịch suy giảm

Hàn Quốc là một trong những nước có tỷ lệ tiêm vắc xin Covid-19 cao nhất thế giới với khoảng 91,8% người trưởng thành đã tiêm chủng.

Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm Covid-19 tại Seoul vào ngày 14.12

AFP

Theo Đài Al Jazeera dẫn lời bác sĩ Alice Tan tại Bệnh viện Phụ nữ MizMedi ở Seoul, cơ quan chức năng cho rằng tỷ lệ tiêm vắc xin cao sẽ giúp đẩy lùi vi rút khi bắt đầu mở cửa vào tháng 11.

“Chúng ta dỡ bỏ nhiều giới hạn, bao gồm việc cho phép thăm viếng các cơ sở chăm sóc y tế dài hạn, các bệnh viện điều dưỡng và viện dưỡng lão. Không may là chúng ta không tính đến việc suy giảm miễn dịch đã xảy ra, đặc biệt là ở những người trên 60 tuổi”, bà phân tích.

Phần lớn người cao tuổi ở Hàn Quốc tiêm mũi vắc xin Covid-19 đầu tiên vào tháng 2 và tháng 3.

“Với các biện pháp được dỡ bỏ, tình trạng lây nhiễm cộng đồng tăng như chúng ta dự báo, nhưng không may là còn có sự gia tăng đáng kể các ca nhiễm đột phá, nhất là ở người 60 tuổi trở lên. Đó là nguyên nhân khiến số ca nhập viện gia tăng”, theo bác sĩ Tan.

Lo Omicron, Thái Lan rút ngắn thời gian tiêm mũi 3 vắc xin Covid-19

Bà Tan tỏ ra lo ngại về sự lây lan của biến thể Omicron ở Hàn Quốc. “Omicron đang ở trong cộng đồng và tôi lo nhất là số ca nhiễm gia tăng sẽ luôn dẫn đến số ca nhập viện tăng. Giờ đây, các bệnh viện đã đầy, chúng ta không thể đáp ứng khi có 1 làn sóng Covid-19 thêm vào tình hình hiện tại”, bà cảnh báo.

Nhằm khống chế SARS-CoV-2 lây lan, giới chức y tế Hàn Quốc hôm 6.12 cấm tụ tập từ 7 người trở lên tại vùng đô thị Seoul. Bên cạnh đó, người trưởng thành phải xác nhận tình trạng tiêm vắc xin khi đến nhà hàng, rạp chiếu phim, viện bảo tàng và những địa điểm trong nhà khác. Hàn Quốc hiện buộc mọi khách nhập cảnh phải cách ly ít nhất 10 ngày, bất kể quốc tịch hay tình trạng tiêm vắc xin. Nước này còn cấm khách nhập cảnh ngắn hạn từ 9 nước châu Phi, do lo ngại biến thể Omicron.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.