Vì sao hàng chục ngôi sao 'sắp rảnh rỗi'?

13/12/2021 08:26 GMT+7

“Cửa sổ mùa đông” tức đợt chuyển nhượng giữa mùa bóng sẽ mở ra trong tháng 1.2022, nhưng chẳng ai nghĩ rằng Kylian Mbappe (PSG), Paul Pogba (M.U), Paulo Dybala ( Juventus ), Ousmane Dembele (Barcelona), Antonio Rudiger (Chelsea)… sẽ chuyển nhượng trong đợt này.

Điều đó có nghĩa, các ngôi sao vừa nêu sẽ trở thành cầu thủ tự do khi mùa bóng kết thúc. Đây là một hiện tượng chưa từng thấy. Còn có thể bổ sung Andrea Belotti (Torino), Frank Kessie (AC Milan), Marcelo Brozovic (Inter), Niklas Suele, Corentin Tolisso (Bayern Munich), Lorenzo Insigne (Napoli), Andreas Christensen (Chelsea), Jesse Lingard (M.U)… vào danh sách vừa nêu. Vì sao bóng đá đỉnh cao bỗng có hàng chục ngôi sao đồng loạt “sắp rảnh rỗi” như vậy?

Mbappe (trái) chờ ra đi tự do để được hưởng lương cao

AFP

Thông thường, các CLB sẽ cố thuyết phục ngôi sao gia hạn hợp đồng trước 6 tháng cuối cùng (bởi hễ bước vào giai đoạn này là ngôi sao trong cuộc tự do đàm phán với bất kỳ CLB nào). Còn nếu không thể gia hạn, người ta sẽ chấp nhận giá rẻ và bán ngôi sao, thay vì chịu trắng tay khi ngôi sao tự do ra đi vào cuối mùa bóng. Tình trạng có đến vài chục ngôi sao lớn nhỏ sẽ trở thành cầu thủ tự do vào cuối mùa này dĩ nhiên là do các CLB không thuyết phục được họ gia hạn hợp đồng, cũng không bán được họ.

Ngay cả siêu sao hay nhất lịch sử Lionel Messi cũng vui lòng mang danh “cầu thủ tự do” khi đầu quân về PSG trong mùa hè 2021. Hoàn toàn không phải ngoại lệ, Messi cùng Sergio Ramos, Gianluigi Donnarumma, Georginio Wijnaldum đều là những bản hợp đồng tự do của PSG trước mùa bóng này, giống như David Alaba (Real Madrid), Edin Dzeko, Hakan Calhanoglu (Inter) hoặc Memphis Depay (Barcelona). Một thời, cầu thủ tự do chuyển nhượng là những lão tướng “hết đát” không ai buồn ngó, nhưng bây giờ đó lại là “hàng độc”. Thiago Silva (Chelsea) vô địch Champions League 2021, trong mùa bóng mà Robert Lewandowski (Bayern) xô ngã kỷ lục ghi bàn của huyền thoại Gerd Mueller. Thế là uy tín của các ngôi sao chuyển nhượng tự do được dịp phất hẳn lên.

Kinh tế bóng đá suy yếu vì cơn đại dịch là nguyên nhân quan trọng khác, không thể bỏ qua. Bây giờ, làm sao bỏ ra 200 - 300 triệu bảng để mua Mbappe, trong khi anh muốn gia nhập Real Madrid một cách hiển nhiên, và Real cũng muốn có siêu sao này! Họ đành kiên nhẫn chờ cơ hội tự do chuyển nhượng. Đó cũng là cách mà PSG chờ Wijnaldum, Donnarumma, Ramos. Cả châu Âu đổ xô vào cuộc cạnh tranh chữ ký của “hiện tượng” Erling Haaland, nhưng chẳng ai chịu chi tiền. Tất cả đều chờ Haaland tự do chuyển nhượng.

Không có phí chuyển nhượng thì khoản tiền ấy đương nhiên sẽ phải được biến thành lương khủng cho ngôi sao tự do chuyển nhượng, chứ làm gì có “chuyển nhượng free thật sự” đối với cỡ Mbappe, Pogba hoặc Rudiger! Vậy nên, ngôi sao sắp hết hợp đồng bây giờ chỉ trông ngóng ngày tự do ra đi, chứ chẳng mặn mà với đề nghị gia hạn của đội bóng đang sở hữu họ nữa.

Còn nếu CLB mới sợ cấu trúc lương bị phá hỏng, sợ tình trạng cầu thủ nhìn vào mức lương của nhau mà đá, thì sẽ có khoản gọi là phí ký hợp đồng ban đầu hoặc bất cứ điều gì tương tự. Nhưng tóm lại, vẫn rẻ hơn chuyện vừa phải chi lương không thấp, vừa tốn tiền chuyển nhượng, chưa kể mất đi rất nhiều thời gian đàm phán, mà trong nhiều trường hợp thì còn liên quan, ảnh hưởng đến những kế hoạch chuyển nhượng khác. Chắc chắn một điều: Giới bóng đá không bị mất một số tiền lớn vào tay các nhà đại diện. Suốt bao năm qua, bóng đá đỉnh cao cứ “lọt ra ngoài” từ 10 - 40% núi tiền chuyển nhượng. Chuyển nhượng tự do trở thành “mốt mới”, âu cũng là điều tốt đẹp.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.