Hãng bay cắt chuyến, vẫn mở rộng sân bay
Báo cáo mới nhất của Cục Hàng không VN cho biết, trong 11 tháng qua, toàn ngành hàng không đã khai thác tổng cộng 260.679 chuyến bay, giảm khoảng 26.000 chuyến so với sản lượng cùng kỳ năm 2022. Bức tranh hàng không ảm đạm năm 2023 trái ngược hoàn toàn với sự sôi động của giai đoạn này năm trước, khi VN giữ vị trí số 1 trong danh sách 25 nước có thị trường hàng không nội địa phục hồi nhanh nhất thế giới, theo Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA).
Mặc dù thời điểm đó, lượng khách quốc tế vẫn chưa tăng trưởng như hiện nay, nhưng không chỉ hai cảng hàng không quốc tế (CHKQT) lớn nhất là Tân Sơn Nhất (TP.HCM) và Nội Bài (Hà Nội) thường xuyên trong tình trạng ùn tắc nghiêm trọng, mà nhiều CHK tại các "hub" du lịch như Phú Quốc (Kiên Giang), Cam Ranh (Khánh Hòa), Côn Đảo (Bà Rịa-Vũng Tàu), Cát Bi (Hải Phòng), Liên Khương (Lâm Đồng)… cũng khai thác vượt công suất công bố tại các nhà ga hành khách nội địa.
Thế nhưng đến nay, hàng loạt sân bay đang lo "ế" khi các hãng hàng không liên tục cắt giảm nhiều đường bay tuyến lẻ tới các địa phương. Đơn cử, sân bay Phú Quốc chỉ còn các chuyến bay nội địa đến từ Hà Nội, TP.HCM và Hải Phòng. Các hãng đã tạm ngừng khai thác tuyến bay đến Phú Quốc từ Đà Nẵng, Cần Thơ, Cam Ranh. Lượng khách nội địa quá cảnh qua sân bay Phú Quốc bình quân khoảng 3.000 khách/ngày.
Tại Thanh Hóa, CHK Thọ Xuân không còn cảnh nhộn nhịp khách trên 9 đường bay nội địa kết nối Thanh Hóa tới TP.HCM, Cần Thơ, Nha Trang, Buôn Ma Thuột, Đà Lạt, Phú Quốc… Vietnam Airlines và VietJet Air chỉ còn khai thác một đường bay Thanh Hóa - TP.HCM với tần suất 8 - 10 chuyến/ngày; Pacific Airlines chỉ khai thác thời gian cao điểm dịp tết, Bamboo Airways mới khai thác trở lại đường bay này với tần suất 3 chuyến/tuần.
Trong năm 2023, tỉnh Thanh Hóa đã bố trí nguồn kinh phí 6 tỉ đồng để hỗ trợ các hãng hàng không mở đường bay mới tại cảng Thọ Xuân, song đến gần cuối năm, vẫn chưa có hãng nào đề nghị mở thêm đường bay mới.
Tương tự, các chặng bay Vân Đồn - Cần Thơ, Hà Nội - Cà Mau cũng chật vật chờ khách rồi phải tạm dừng bán vé chỉ sau vài tháng chính thức khai thác, khiến cả doanh nghiệp (DN) và các sân bay đều rơi vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan: Duy trì thì hãng lỗ, mà dừng thì cảng khổ.
Trong khi các hãng ồ ạt cắt giảm đường bay, chuyến bay, thu hẹp đội tàu thì theo thông tin từ Bộ GTVT, các dự án mở rộng sân bay trên khắp cả nước vẫn đang được tăng tốc đẩy nhanh tốc độ. Cụ thể, Tổng công ty Cảng hàng không VN (ACV) đang tiến hành xây dựng nhà ga hành khách T3 của CHKQT Tân Sơn Nhất với công suất 20 triệu hành khách/năm (dự kiến hoàn thành năm 2024), nâng tổng công suất của cảng lên 50 triệu hành khách/năm; mở rộng nhà ga hành khách T2 - CHKQT Nội Bài thêm 5 triệu hành khách/năm (dự kiến hoàn thành năm 2024), nâng tổng công suất của cảng từ 25 triệu lên 30 triệu hành khách/năm.
Đối với CHKQT Đà Nẵng, ACV cũng đã chuẩn bị nguồn lực trong kế hoạch đầu tư phát triển giai đoạn 2021 - 2025 để nghiên cứu, đầu tư xây dựng mở rộng nhà ga hành khách T1, xây dựng nhà ga hành khách T3 sau khi quy hoạch được phê duyệt.
Bên cạnh đó, một số CHK trong khu vực cũng đã và đang được đầu tư phát triển để giảm tải, chia sẻ công suất đối với các CHK lớn như: xây dựng CHKQT Long Thành (Đồng Nai) giai đoạn 1 với công suất 25 triệu hành khách/năm để giảm tải cho CHKQT Tân Sơn Nhất; đưa vào khai thác nhà ga hành khách T2 - CHKQT Phú Bài (Thừa Thiên-Huế) với công suất 5 triệu hành khách/năm; hoàn thành dự án mở rộng CHK Điện Biên và đưa vào khai thác từ 2.12; triển khai đầu tư dự án xây dựng nhà ga hành khách T2 - CHKQT Cát Bi với công suất 5 triệu hành khách/năm…
Hạ tầng là nút thắt phải gỡ đầu tiên
Mặc dù cũng đang "cân não" trong bài toán cân đo chi phí và lùi kế hoạch mở rộng mạng bay để vượt qua giai đoạn khó khăn, song lãnh đạo một hãng hàng không vẫn khẳng định không có nghịch lý nào giữa việc các hãng bay thu hẹp hoạt động với việc nâng cấp, mở rộng hạ tầng các sân bay. Thậm chí, nút thắt hạ tầng còn là mấu chốt phải gỡ đầu tiên để hỗ trợ các DN hàng không vượt khó.
Vị này giải thích, ngay cả trong giai đoạn 2022 khi du lịch, hàng không bùng nổ thì "sức khỏe" của các hãng hàng không vẫn không thể phục hồi tương ứng, không chỉ vì vừa trải qua cơn "bão" giá nhiên liệu mà tình trạng ùn tắc nghiêm trọng tại các đầu sân bay lớn đã cản trở rất nhiều đối với kế hoạch khai thác của các hãng. Hãng bay muốn mở rộng mạng bay, tăng đội tàu bay, tăng tần suất nhiều chuyến bay hơn để phục vụ hành khách nhưng không được vì không có slot.
Chưa kể, sân bay tắc nghẽn khiến các hãng bị đội thêm chi phí rất lớn. Nhiều thời điểm, máy bay liên tục phải bay vòng trên trời chờ hạ cánh hoặc phải đợi tới 20 - 30 phút để lăn ra đường băng cất cánh vì ùn tắc. Theo tính toán, trung bình máy bay khởi động chờ cất cánh hoặc bay vòng thêm 1 phút thì hãng tốn thêm khoảng 100 USD chi phí.
"Ngay cả trong báo cáo mới nhất của Cục Hàng không cũng chỉ ra rằng trong tổng số 260.679 chuyến bay mà các hãng đã khai thác trong 11 tháng qua, tỷ lệ số chuyến bay đúng giờ là 84,9%, giảm so với mức trung bình của cùng kỳ năm 2022 đạt 89,6%. Số chuyến bay giảm tới 26.000 chuyến nhưng tỷ lệ chuyến bay bị delay vẫn tăng. Tình trạng máy bay phải bay vòng, chờ đường lăn, thiếu sân đỗ vẫn diễn ra phổ biến, cho thấy mức độ quá tải của một số CHK cửa ngõ đã quá nghiêm trọng, đặc biệt là Nội Bài và Tân Sơn Nhất. Vì thế, việc mở rộng, nâng cấp hạ tầng các CHK là rất cần thiết và cấp bách", vị lãnh đạo hãng hàng không chia sẻ.
Đồng quan điểm, ông Bùi Doãn Nề, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DN hàng không VN, cho rằng thời gian qua, chiếc áo hạ tầng quá chật đã cản trở rất nhiều tốc độ phát triển của ngành hàng không VN. Mặc dù nhiều sân bay liên tục được nâng cấp, mở rộng nhưng hầu hết sân bay tại các TP lớn đang hoạt động quá công suất. Cả nước có 22 sân bay dân dụng, trong đó có 9 sân bay quốc tế và 13 sân bay nội địa. Tổng công suất toàn mạng sân bay đạt 90,4 triệu lượt khách/năm nhưng từ năm 2018 đã khai thác phục vụ gần 105 triệu lượt khách, tới năm 2019 phục vụ 116 triệu lượt hành khách. Cả 3 sân bay quốc tế lớn nhất của nước ta đều đang quá tải. Tình trạng kẹt đường lăn, sân đỗ tại một số sân bay trọng điểm thường xuyên diễn ra, dẫn đến việc chậm, hủy chuyến đang ngày càng trở thành nỗi ám ảnh của hành khách.
Không chỉ quá tải các CHK hiện hữu, nếu so với các nước trong khu vực, mạng lưới sân bay của VN quá mỏng, mật độ sân bay trên tổng diện tích ở mức thấp. Cụ thể, VN có 22 sân bay đang khai thác trên diện tích cả nước hơn 331.000 km², đạt mật độ khoảng 16.000 km²/CHK. Trong khi đó, Philippines diện tích 300.000 km² có 70 sân bay; Thái Lan có 38 sân bay/513.120 km²; Nhật Bản có 93 CHK/377.973 km²; Hàn Quốc có 28 CHK/100.363 km²…, tức trung bình, tại các quốc gia này chỉ khoảng 5.000 - 10.000 km² là có 1 sân bay, nhiều gấp đôi VN.
Thị trường hàng không VN đang gặp khó khăn nhưng chắc chắn cũng sẽ sớm phục hồi và tiếp đà tăng trưởng. Giải quyết nút thắt hạ tầng là yếu tố quan trọng để hàng không VN phát triển bền vững. Do đó, nhà nước nên tận dụng giai đoạn lượng khách hạ nhiệt để tranh thủ tăng tốc triển khai các dự án nâng cấp, mở rộng các CHK cửa ngõ; đồng thời có nhiều cơ chế huy động nguồn lực phát triển hệ thống hạ tầng sân bay của VN.
Ông Bùi Doãn Nề, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DN hàng không VN
Bình luận (0)