Như Thanh Niên đã thông tin, ngày 26.4, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận nhiệm kỳ 2010 - 2015 và 2015 - 2020; cảnh cáo Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Bình Thuận nhiệm kỳ 2011 - 2016 và 2016 - 2021 do vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ của Đảng và quy chế làm việc.
Bộ Chính trị, Ban Bí thư T.Ư nhận định, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Bình Thuận liên tiếp 2 nhiệm kỳ đã buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát để UBND tỉnh và nhiều tổ chức, cá nhân, trong đó có cán bộ chủ chốt của tỉnh, vi phạm quy định của Đảng, vi phạm pháp luật trong quản lý đất đai ở nhiều dự án, đến mức bị khởi tố, bắt tạm giam.
Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết của Tập đoàn Rạng Đông |
H.L. |
Bộ Chính trị, Ban Bí thư cho rằng sai phạm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận suốt 2 nhiệm kỳ và các cá nhân lãnh đạo tỉnh (bị kỷ luật) đã gây hậu quả nghiêm trọng và rất nghiêm trọng; làm thiệt hại lớn tiền và tài sản của nhà nước, gây bức xúc trong xã hội, phát sinh nhiều đơn thư tố cáo kéo dài, ảnh hưởng xấu đến uy tín của cấp ủy và chính quyền địa phương.
Hai cựu bí thư tỉnh ủy bị kỷ luật
Theo nhiều cán bộ hưu trí đang sinh sống tại Bình Thuận, đây là lần đầu tiên trong lịch sử Đảng bộ tỉnh Bình Thuận có đến 2 cựu Bí thư Tỉnh ủy liên tiếp bị Bộ Chính trị kỷ luật.
Trong đó, ông Huỳnh Văn Tí, cựu Ủy viên T.Ư Đảng, cựu Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2005 - 2010 và 2010 - 2015 (cuối nhiệm kỳ thứ 2 được điều động làm Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH) bị kỷ luật khiển trách. Các sai phạm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận nhiệm kỳ 2010 - 2015, với trách nhiệm của người đứng đầu, ông Huỳnh Văn Tí phải chịu trách nhiệm chính.
Ông Huỳnh Văn Tí là người chủ trì các cuộc họp của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thông qua chủ trương “mở đường” để xây dựng quy hoạch chi tiết chuyển đổi sân golf Phan Thiết thành Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết của Tập đoàn Rạng Đông. Chủ trương này được Ủy ban Kiểm tra T.Ư xác định vi phạm các quy định pháp luật.
Tương tự, ông Nguyễn Mạnh Hùng, cựu Ủy viên T.Ư Đảng, cựu Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Thuận nhiệm kỳ 2010 - 2015 (cuối nhiệm kỳ này làm Bí thư Tỉnh ủy, sau khi ông Huỳnh Văn Tí ra làm Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH) và Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2015 - 2020, bị kỷ luật cảnh cáo.
Theo đó, ông Nguyễn Mạnh Hùng cùng chịu trách nhiệm về các vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận nhiệm kỳ 2015 - 2020. Khác với ông Tí, ông Hùng trực tiếp ký các kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhiệm kỳ này, đã “lấn sâu” vào chi tiết như cho ý kiến về phương pháp, cách thức xác định tính giá đất tại dự án Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết (của Tập đoàn Rạng Đông)…, được xác định là vi phạm pháp luật.
Chính các kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận nhiệm kỳ 2015 - 2020 là cơ sở để UBND tỉnh Bình Thuận phê duyệt quy hoạch chi tiết và cho chuyển đổi sân golf Phan Thiết sang đất ở đô thị, không thông qua hình thức đấu giá đất mà trước đó Ủy ban Kiểm tra T.Ư xác định là vi phạm pháp luật. Hiện dự án này đang bị tố cáo gây thất thoát ngân sách nhà nước khoản tiền rất lớn và đang được Bộ Công an thụ lý, điều tra. Người trực tiếp đứng ra tố cáo các vi phạm của tỉnh tại dự án này là ông Đinh Trung, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận.
Các ông (từ trái sang) Lê Tuấn Phong, Nguyễn Mạnh Hùng và Nguyễn Ngọc Hai |
Trong công bố của Ban Bí thư ngày 26.4, ông Lê Tiến Phương, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận nhiệm kỳ 2011 - 2016, bị kỷ luật cách hết tất cả các chức vụ trong Đảng. Ông Lê Tiến Phương cũng là Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2005 - 2010 (nhiệm kỳ ông Huỳnh Văn Tí làm Bí thư Tỉnh ủy).
Ban Bí thư T.Ư Đảng cho rằng ông Phương cùng phải chịu trách nhiệm các sai phạm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận; với tư cách người đứng đầu, ông Phương còn phải chịu trách nhiệm về các sai phạm của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh và UBND tỉnh trong các sai phạm đất đai.
Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, ông Phương chính là người trực tiếp ký Quyết định số 909 (ngày 6.4.2015) quy hoạch chi tiết Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết của Tập đoàn Rạng Đông được xác định có sai phạm và Bộ Công an đang điều tra.
Không chỉ các dự án liên quan Rạng Đông
Ngoài ra, Ban Bí thư cũng thông báo kỷ luật khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Nguyễn Ngọc Hai, cựu Phó bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận nhiệm kỳ 2016 - 2021. Ông Nguyễn Ngọc Hai cùng chịu trách nhiệm về các sai phạm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận và với tư cách Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận (ông Hai đã bị khởi tố, bắt tạm giam từ ngày 10.2 trong vụ án sai phạm đất đai tại dự án Tân Việt Phát 2, TP.Phan Thiết - Thanh Niên đã thông tin).
Cùng bị khai trừ Đảng còn có cựu Phó chủ tịch UBND tỉnh Lương Văn Hải; Giám đốc và Phó giám đốc Sở TN-MT Hồ Lâm, Lê Nguyễn Thanh Danh; và Phó giám đốc Sở Tài chính Ngô Hiếu Toàn do đã bị Cơ quan CSĐT Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam từ ngày 10.2.
Bên cạnh đó, Ủy ban Kiểm tra T.Ư cũng đã kỷ luật cảnh cáo đương kim Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tuấn Phong. Ông Phong khi giữ chức Giám đốc Sở KH-ĐT đã ký văn bản tham mưu cho UBND tỉnh Bình Thuận giao mặt biển cho Công ty CP đầu tư xây dựng Trường Phúc Hải làm dự án lấn biển, sắp xếp lại dân cư P.Đức Long (TP.Phan Thiết) trái với các quy định của pháp luật. Dự án này cũng đang bị Bộ Công an điều tra vì có đơn tố cáo.
Từng cảnh báo
Trả lời Thanh Niên, luật sư Nguyễn Toàn Thiện, Chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Bình Thuận, nguyên đại biểu HĐND tỉnh Bình Thuận từ 2011 - 2021, cho hay với tư cách đại biểu HĐND tỉnh 2 nhiệm kỳ, ông đã “đơn độc” nêu một số sai phạm trước diễn đàn của HĐND tỉnh, góp ý cho UBND tỉnh “nhưng không được tiếp thu”.
“Trong một kỳ họp, tôi đã phản đối việc tái bổ nhiệm Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đối với ông Lương Văn Hải, vì trước đó ông này đã vướng sai phạm trong đất đai. Nhưng rất tiếc, ý kiến của tôi chỉ là thiểu số, không được ghi nhận. Nếu như không tái bổ nhiệm ông ấy thì đâu có dính đến sai phạm giao đất ở dự án Tân Việt Phát 2, để đến nông nỗi phải bị bắt giam như bây giờ”, ông Thiện nói.
Chủ tịch tỉnh Bình Thuận trong 30 năm qua đều bị kỷ luật
Ông N.V.T, một cán bộ hưu trí tỉnh Bình Thuận, chua chát: “Như vậy, trong suốt 30 năm qua, tất cả 6 đời Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đều bị xử lý kỷ luật”. Cụ thể, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận nhiệm kỳ 1991 - 1996 (sau khi tách tỉnh Thuận Hải thành Bình Thuận và Ninh Thuận) bị kỷ luật cách chức vì để xảy ra vụ phá rừng Tánh Linh với quy mô lớn. Tiếp đến là ông Trần Khán, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận nhiệm kỳ 1996 - 2001, bị kỷ luật miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh.
Tiếp đến nữa là ông Huỳnh Tấn Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận hơn 9 năm (từ 2001 - 2010) cũng bị kỷ luật cảnh cáo trước khi nghỉ hưu. Tiếp theo là các ông Lê Tiến Phương, Nguyễn Ngọc Hai và Lê Tuấn Phong.
Bình luận (0)