Ngày 17.1, Sở KH-ĐT Bình Thuận cho biết tính đến thời điểm cuối tháng 12.2024 trên địa bàn có 258 dự án (DA) đầu tư chậm tiến độ (hoặc thực hiện không đúng tiến độ). Trong đó có 180 DA đã được giao đất, cho thuê đất và 78 DA chưa được giao đất, cho thuê đất.
Theo Sở KH-ĐT, nguyên nhân chính khiến các DA bị kéo dài, chậm triển khai theo Sở KH-ĐT là từ khâu đền bù, giải phóng mặt bằng. Nhiều DA không thuộc đối tượng Nhà nước thu hồi đất theo quy định của pháp luật nên nhà đầu tư phải thực hiện việc thỏa thuận đền bù với các hộ dân. Nhưng nhiều hộ dân khiếu nại việc đền bù. Ngoài ra, do chính sách thay đổi, dẫn đến việc nhà đầu tư và người dân không thỏa thuận được giá đền bù... dẫn đến các DA chậm triển khai.
Một số DA bị "vướng" quy định phải giữ nguyên hiện trạng, không được phép đầu tư, xây dựng mới công trình trong phạm vi 100m tính từ đường mực nước triều cao trung bình nhiều năm về phía đất liền hoặc về phía trong đảo do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư có biển xác định... Lại có những DA vướng quy hoạch khai thác và dự trữ khoáng sản (titan) quốc gia. Rồi công tác xác định giá đất cụ thể để làm cơ sở thu tiền sử dụng đất, giao đất cho các DA còn rất chậm, chưa kịp thời. "Đó là chưa tính đến nguyên nhân có nhà đầu tư còn thiếu năng lực tài chính, cố tình triển khai cầm chừng, cố tình kéo dài để chuyển nhượng DA cho nhà đầu tư khác", Sở KH-ĐT cho biết.
Tính đến cuối năm 2024, Sở KH-ĐT đã tham mưu cho cấp có thẩm quyền ban hành quyết định xử phạt 33 DA, với số tiền gần 3 tỉ đồng; quyết định chấm dứt hoạt động đối với 24 DA đầu tư. Ban hành quyết định ngừng hoạt động đầu tư đối với 6 DA do nhà đầu tư đã bị xử phạt vi phạm hành chính nhưng tiếp tục vi phạm tiến độ đầu tư.
Sở KH-ĐT đã gửi thông báo đến hàng loạt chủ đầu tư yêu cầu đẩy nhanh tiến độ DA. Trường hợp chủ đầu tư không đưa ra được nguyên nhân chính đáng, Sở KH-ĐT sẽ tham mưu UBND tỉnh thu hồi DA.
Nhiều bất cập được tháo gỡ từ ngày 15.1
Theo Sở KH-ĐT tỉnh Bình Thuận, kể từ ngày 15.1.2025, khi luật số 57/2024/QH15 của Quốc hội: luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Quy hoạch, luật Đầu tư; luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và luật Đấu thầu có hiệu lực thi hành, thì các bất cập trong việc áp dụng quy định của pháp luật để chấm dứt hoạt động của DA đầu tư chưa được Nhà nước giao đất, cho thuê đất sẽ được tháo gỡ; góp phần tăng cường hiệu quả, hiệu lực trong công tác giám sát hoạt động của các DA đầu tư sử dụng nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước.
Bình luận (0)