Vì sao học phí đắt, lương thấp nhưng ngành y vẫn ‘hút’ người học?

26/10/2024 13:06 GMT+7

Dù học phí đào tạo bác sĩ ở Việt Nam hiện ở mức cao nhất trong các khối ngành, lương ban đầu được xem khá thấp nhưng ngành y vẫn luôn thu hút người học.

Vì sao học phí đắt, lương thấp nhưng ngành y vẫn ‘hút’ người học?- Ảnh 1.

Hai ngành đào tạo bác sĩ y khoa và răng hàm mặt luôn có điểm chuẩn dẫn đầu xét tuyển tổ hợp B00 từ điểm thi tốt nghiệp THPT

ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

Điểm chuẩn 2 ngành đào tạo bác sĩ trên 9 điểm/môn

Thống kê của Bộ GD-ĐT các năm cho thấy, trong số 25 lĩnh vực đào tạo thì các ngành sức khỏe chỉ chiếm trên 6% tổng số thí sinh trúng tuyển, xếp thứ 5 lĩnh vực đào tạo có kết quả tuyển sinh cao nhất. Cụ thể, tỷ lệ này năm 2022 chiếm 6,35% và năm 2023 chiếm 6,72%. Dù không phải lĩnh vực có số lượng thí sinh trúng tuyển nhiều nhất bậc đào tạo ĐH nhưng các ngành đào tạo bác sĩ luôn nằm trong số các ngành dẫn đầu điểm chuẩn trúng tuyển hàng năm.

Nhìn vào điểm chuẩn các trường đào tạo khoa học sức khỏe lớn của các nước năm 2024, có thể thấy để trúng tuyển ngành y khoa và răng hàm mặt, thí sinh cần đạt trung bình khoảng 9 điểm/môn theo điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT. Ví dụ, Trường ĐH Y dược (ĐH Quốc gia Hà Nội), 2 ngành y khoa và răng hàm mặt đều có điểm chuẩn từ 27 trở lên.

Tương tự, Trường ĐH Y dược TP.HCM lấy điểm chuẩn từ điểm thi tốt nghiệp THPT ở mức 27,8 và răng hàm mặt 27,35. Như vậy, để trúng tuyển ngành bác sĩ của trường này, thí sinh cần đạt trung bình trên 9 điểm mỗi môn theo tổ hợp khối B00 (toán, hóa, sinh).

Tại Trường ĐH Y Hà Nội, ngành y khoa có điểm chuẩn cao nhất, với mức từ 26,55 đến 28,27 điểm tùy theo các phương thức xét tuyển. Tiếp đến là ngành răng hàm mặt có mức điểm chuẩn từ 25,29 đến 27,67. Trong đó, để trúng tuyển ngành y khoa bằng điểm thi tốt nghiệp THPT trường này, thí sinh cần đạt trung bình trên 9,4 điểm từ tổ hợp B00 và thí sinh phải đặt nguyện vọng 1 khi đăng ký xét tuyển.

Nhiều trường ĐH khác, điểm chuẩn ngành y khoa và răng hàm mặt cũng lấy từ 26 trở lên trong năm 2024, như: Trường ĐH Khoa học sức khỏe (ĐH Quốc gia TP.HCM), Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch…

Điểm chuẩn các ngành đào tạo bác sĩ đứng đầu được duy trì liên tục trong thời gian dài khi xét tuyển bằng tổ hợp toán, lý, hóa. Ở thời điểm năm 2013, ngành bác sĩ đa khoa Trường ĐH Y Hà Nội lấy 27,5 điểm; Trường ĐH Y dược TP.HCM lấy 27 điểm…

Vì sao học phí đắt, lương thấp nhưng ngành y vẫn ‘hút’ người học?- Ảnh 2.

Ngành răng hàm mặt là một trong 2 ngành đào tạo bác sĩ thu hút nhiều người học

ẢNH: PHẠM HỮU

Vì sao ngành y luôn hấp dẫn người học?

Một thực tế tréo ngoe là học phí đào tạo các ngành khoa học sức khỏe, đặc biệt ngành y khoa hiện đang ở mức rất cao, có nơi lên tới gần 200 triệu đồng/năm. Bên cạnh đó, sinh viên ngành y còn phải trải qua quá trình học tập vất vả trong thời gian dài. Thu nhập của bác sĩ trẻ trong các cơ sở y tế công lập hiện nay lại không tương thích với sự đầu tư của người học.

Dù vậy, các ngành đào tạo bác sĩ vẫn luôn có sức hút với người học trong tuyển sinh đầu vào. Trước băn khoăn này, những người trong nghề chia sẻ lý do khác nhau với sự lựa chọn này.

Trả lời câu hỏi này, một bác sĩ làm việc tại Bệnh viện Q.4 (TP.HCM), nhìn nhận chung: "Nguyên nhân quan trọng nhất xuất phát từ tâm lý 'trọng danh' của người Việt. Dường như cha mẹ nào cũng đều cảm thấy rất vui nếu con cái học ngành y, trong nhiều lý do thì một phần cảm thấy tự hào với người xung quanh phần yên tâm vì trong gia đình có người làm bác sĩ'.

Về vấn đề thu nhập, bác sĩ này đặt vấn đề: "Thu nhập của bác sĩ có thực sự thấp? Có thể lương trong cơ sở y tế công lập không cao nhưng thực sự bác sĩ có nhiều khả năng làm việc bên ngoài để cải thiện thu nhập".

"Chưa kể lương bác sĩ thì càng làm, càng cao. Chỉ sau một thời gian đầu khoảng chục năm vừa làm vừa học phát triển chuyên môn, thì từ khoảng 40 tuổi khi đã đủ độ chín bác sĩ có cơ hội tạo thu nhập tốt thông qua việc mở phòng mạch, làm thêm bên ngoài, làm việc trong bệnh viện quốc tế… Vấn đề thu nhập thấp hiện được ghi nhận với đội ngũ làm việc trong các cơ sở y tế công lập, đặc biệt ở tuyến thấp', người này nhấn mạnh.

Từ thực tế bản thân mình và bạn bè, một bác sĩ nội trú Trường ĐH Y dược TP.HCM nêu các lý do. "Ban đầu khi lựa chọn nghề nghiệp, đó đơn giản là sự yêu thích công việc khám chữa bệnh, mong muốn được trở thành bác sĩ – hình ảnh rất đẹp được nhìn thấy trong cuộc sống. Với các bạn có lực học tốt, điểm thi cao thì bác sĩ thường là một trong số những lựa chọn được liệt ra".

"Nhiều ý kiến cho rằng, bác sĩ không bao giờ nghèo vì ai cũng có cơ hội mở phòng khám riêng. Vấn đề này, theo quan điểm của mình đó là một cơ hội. Thường bác sĩ mở phòng khám riêng là những bác sĩ lớn, đã có danh tiếng và uy tín. Còn bác sĩ trẻ vẫn theo hướng làm thuê cho phòng khám ngoài giờ. Do vậy, mình tin rằng với hầu hết người lựa chọn theo ngành học này xuất phát từ mong muốn được theo đuổi một nghề có vai trò khá đặc biệt trong xã hội", bác sĩ trẻ thẳng thắn bày tỏ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.