Vì sao học sinh cần trở lại trường?: Hai dấu hiệu phù hợp cho việc đi học lại

26/11/2021 07:15 GMT+7

PGS-TS Đỗ Văn Dũng (ảnh), Trưởng khoa Y tế công cộng Trường ĐH Y Dược TP.HCM , trao đổi với PV Thanh Niên xung quanh việc học sinh trở lại trường hiện nay.

Mở cửa trường là phù hợp ở thời điểm hiện nay

Hiện một số địa phương đã cho học sinh (HS) trở lại trường, TP.HCM cũng có phương án cho một số lớp đi học vào tháng 12. Dựa trên tình hình dịch bệnh hiện nay, ông đánh giá thế nào về việc mở cửa trường học?

Theo tôi, việc mở cửa trường học tại TP.HCM là phù hợp ở thời điểm hiện nay. Trước đây, khi tỷ lệ mắc Covid-19 của người dân còn cao, tỷ lệ tiêm vắc xin chưa nhiều thì việc tập trung HS - nhất là nhóm HS ở lứa tuổi 16 - 17 vốn có sự giao lưu nhiều trong trường, thì nguy cơ lây nhiễm có thể cao. Nhưng hiện nay có 2 dấu hiệu khiến cho việc đi học trở lại là phù hợp và cần thiết. Thứ nhất là tỷ lệ ca mắc Covid-19 đã thấp hơn, với khoảng 70 - 100 người/100.000 dân/tuần. Tỷ lệ này đã cải thiện hơn so với trước đây và tình hình dịch đã ổn định hơn. Thứ hai, đa số người dân, đặc biệt phụ huynh HS, đã được tiêm chủng. Do vậy, khả năng HS bị lây nhiễm cũng thấp và nếu có bị cũng không gây nguy cơ cho cộng đồng. Điều này càng phù hợp khi mà sau một thời gian dài HS không được học trực tiếp tại trường. Theo nghiên cứu của UNICEF, nhìn chung mức độ tiếp thu của nhiều HS khi học trực tuyến chỉ bằng 30 - 40% so với học trực tiếp.

Còn gần 50.000 học sinh chưa về lại TP.HCM vì dịch Covid-19

Những địa phương nào có thể cho HS đi học và việc bố trí các khối lớp ra sao cho phù hợp, thưa ông?

Tại TP.HCM, việc cho HS cuối cấp đi học trước là một bước đi thận trọng để đánh giá khả năng quản lý trước khi mở rộng triển khai cho số lượng người học lớn hơn, là hợp lý. Việc cho HS các cấp đến trường càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, có thể xảy ra tình huống chưa tự tin về việc quản lý khi có những biến cố xảy ra, ví dụ kiểm soát thân nhiệt, kiểm soát 5K, xử trí tình huống khi có ca nhiễm… Khi mở lớp với số lượng đông trong tình huống này gây bối rối trong xử lý ban đầu, thì việc áp dụng với HS cuối cấp là phù hợp. Nhưng sau đó cần nhanh chóng triển khai cho HS các lớp đến trường với những phương án cụ thể.

Việc mở trường này sẽ khác nhau tùy điều kiện từng địa phương. Chẳng hạn một số địa phương như Kiên Giang và An Giang, tỷ lệ nhiễm có khuynh hướng gia tăng, tỷ lệ tiêm chủng chưa được cao thì có thể chờ đợi thêm một thời gian nữa. Bên cạnh đó, ở địa phương dù chưa có tỷ lệ tiêm chủng cao nhưng tỷ lệ người nhiễm bệnh chưa tăng thì vẫn có thể đi học được. Nhiều quốc gia dù chưa tiêm vắc xin cho trẻ em vẫn triển khai cho đi học.

Học sinh được tiêm đủ 2 mũi vắc xin là một trong những điều kiện cần thiết để trở lại trường

ĐÀO NGỌC THẠCH

Đóng cửa trường không phải là phương án tối ưu

Một thực tế là sau khi cho HS đến trường không lâu, có những địa phương phải dừng việc học sau khi phát hiện ca nhiễm. Việc “đóng cửa trường” khi có ca nhiễm có phải là phương án giải quyết tối ưu trong thời gian tới, khi HS đồng loạt đến trường?

Việc đóng cửa trường hoặc đóng cửa bất kỳ một nơi nào vẫn cần thiết khi là điểm dịch lây lan. Nhưng trong thời gian vừa qua nhiều địa phương khi phát hiện 1 HS nhiễm Covid-19 thì những người còn lại đều vào diện cách ly, đóng luôn trường. Điều này là không phù hợp vì tỷ lệ nhiễm trong cộng đồng hiện nhiều nơi ở mức 70 - 100 người/100.000 dân/tuần. Trung bình cứ 1.000 người thì có 1 người bị nhiễm, thì trong 1.000 trẻ em có nguy cơ 1 em bị nhiễm trong tuần là chuyện bình thường.

Tôi có đọc quy định của một số quốc gia nói rất rõ, ví dụ khi trong lớp có trên 2 HS bị nhiễm thì lớp học chuyển qua trực tuyến và chỉ mình lớp này. Nếu 24 HS trong trường của các lớp khác nhau bị nhiễm thì cả trường mới chuyển qua trực tuyến.

Tóm lại, việc đóng cửa trường không phải là phương án tối ưu vì chưa hề chứng minh được trường đó là siêu lây nhiễm. Hơn nữa, người ta cũng thấy khả năng lây nhiễm ở trẻ cho trẻ khác ở mức thấp nên nguy cơ trong trường không cao. Có thể ở thời điểm này việc cho HS đến trường thì nhiều phụ huynh không thích nhưng là cần thiết khi thực hiện tốt 5K, đeo khẩu trang. Nếu HS nào bị nhiễm thì cho em này cách ly tại nhà và học trực tuyến, những HS còn lại tiếp tục theo dõi các triệu chứng. Nếu có tình trạng rất nhiều em bị lây thì mới chuyển qua học trực tuyến.

Trẻ em không đi học bị thiệt thòi rất nhiều

Theo ông, hoạt động dạy học này cần được triển khai theo những hình thức, mô hình nào để việc học trực tiếp được diễn ra mà vẫn đảm bảo an toàn phòng dịch chung?

Điều quan trọng nhất là thực hiện biện pháp 5K, đồng thời có phương án để cách ly HS giữa các khối lớp để không có sự giao lưu. Một số nước có những quy định chặt chẽ trong phòng chống dịch ở trường học, có những trường đưa ra quy định hơn 100 điều từ cách thức xếp hàng, mượn sách vở, vào lớp…

Ở cấp học thấp, trẻ mầm non là đối tượng khá đặc biệt. Ông có ý kiến nào về việc đi học trở lại của nhóm trẻ này không?

Thực tế trẻ mầm non từ 2 tuổi có nguy cơ lây nhiễm Covid-19 thấp nhất và tăng dần theo lứa tuổi. Với trẻ mầm non, nếu gia đình có nguyện vọng và không có điều kiện chăm sóc thì khi ở trong trường mầm non cũng khá an toàn ở nhiều phương diện. Tuy nhiên để thực hiện vẫn phải có đồng thời nhiều biện pháp, sự giám sát dịch tễ nghiêm ngặt theo dõi khả năng lây lan.

Covid-19 sáng 26.11: Cả nước 1.168.228 ca nhiễm | F0 còn tiếp tục cao trong những ngày tới

Việc trở lại trường ở bậc đại học không khẩn cấp như trung học

Sinh viên ĐH và CĐ vẫn nên quay trở lại trường, tuy nhiên người học bậc này có nguy cơ nhiễm cao hơn và đến từ nhiều địa phương nên không thuần nhất. Trong khi lứa tuổi này có kỹ năng học trực tuyến và ý thức tự giác tốt hơn các bậc thấp nên việc học tập trung cần thiết nhưng không khẩn cấp như HS bậc trung học. Ngoài ra, các trường có thể kết hợp giữa 2 hình thức trực tuyến và trực tiếp để đảm bảo giãn cách, tránh tình trạng giảng đường lớn sinh viên tập trung nhiều và nguy cơ lây lan nhiều hơn. Trong khi thực hiện các hình thức này thì từng bước mở dần quy mô học trực tiếp trong khi mở rộng tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 cho sinh viên.

Vẫn còn ý kiến sức khỏe người học là trên hết, thà chậm một năm còn hơn để HS đến trường khi có dịch bệnh. Ý kiến của ông ra sao về quan niệm này trong tình hình hiện nay?

Việc học là hết sức thiết yếu, những năm học đầu tiên sẽ tạo ra phong cách và nền tảng học tập, nếu mất đi sẽ khó bù lại được. Hơn nữa, nhiều nghiên cứu cho thấy thực tiễn trẻ em không đi học bị thiệt thòi rất nhiều và ảnh hưởng lâu dài đến sự phát triển của trẻ và của xã hội. Trong khi nguy cơ mắc bệnh của trẻ em cực kỳ thấp. Như Mỹ, ngay khi đại dịch xảy ra thì số tử vong do Covid-19 ở trẻ chỉ bằng 1/8 số tử vong do tai nạn giao thông của trẻ em. Nhưng không vì tỷ lệ trẻ tử vong do tai nạn giao thông mà đóng cửa trường học. Trong đại dịch, Tổ chức Y tế thế giới chỉ khuyến cáo đóng cửa trường ĐH trước, đóng cửa trường trung học sau.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.