Tại phần giao lưu, tư vấn chuyên sâu trong chương trình Tư vấn mùa thi 2023 của Báo Thanh Niên ở Trường ĐH Việt Đức (tỉnh Bình Dương), các thủ khoa đang học ở những trường ĐH lớn chia sẻ với học sinh những kinh nghiệm quan trọng về việc ôn thi và sắp xếp thời gian ngủ nghỉ hợp lý...
Hiện là sinh viên ngành y khoa, Trường ĐH Y Dược TP.HCM, Tô Minh Thư (thủ khoa khối B Trường THPT Trần Văn Bảy, Sóc Trăng năm 2020, với 27,25 điểm) cho biết có một bài toán quan trọng mà học sinh cần nhớ.
Đó là "kiến thức học được = hiệu suất x thời gian". Như vậy, với cùng một khoảng thời gian, ai có hiệu suất tốt hơn sẽ tiếp thu được nhiều kiến thức hơn. Để nâng cao hiệu suất này, Thư nhìn nhận có 2 điều cần lưu ý.
Đầu tiên là thí sinh cần ngủ tối thiểu 7-8 giờ mỗi ngày, mức khuyến cáo đối với người trưởng thành theo nghiên cứu khoa học, thay vì "cắt", "xén" bớt nó để học ngày học thâu đêm.
"Khi thiếu ngủ, bạn sẽ khiến cơ thể mệt mỏi, từ đó giảm đi hiệu suất. Không những thế, điều này còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe", theo nữ thủ khoa của Trường THPT Trần Văn Bảy-từng đạt giải 3 học sinh giỏi cấp tỉnh môn hóa và huy chương đồng Olympic 30/4 mở rộng môn hóa học.
Thứ hai, để nâng cao "hiệu suất" trong bài toán trên, học sinh cần tái thiết lập đồng hồ sinh học 1 tháng trước kỳ thi.
"Một thói quen mới cần tối thiểu 21 ngày để thành lập. Con người có đồng hồ sinh học. Cứ đến giờ đó sẽ đói, sẽ buồn ngủ, hoặc thức dậy. Việc học cũng vậy. Nên nếu đến ngày thi tốt nghiệp THPT bạn thi môn vật lý, hóa học, sinh học vào giờ nào của buổi sáng, thì cứ đến giờ đó bạn hãy mang sách ra ôn tập, luyện đề", thủ khoa Thư nói.
Trong bóng đá có điểm rơi phong độ, trước giải đấu các đội bóng thường tập đúng vào thời gian thi đấu để vào giải cầu thủ sẽ có phong độ tốt nhất. Còn với thi cử, theo Thư, cơ thể cũng sẽ có một "thời điểm vàng" với từng môn để lúc vào phòng thi, não sẽ tự động nhận thức và bật hết công suất. Đó là lý do đừng "xén" bớt thời gian ngủ của mình để ôn thi, quan trọng là học có phương pháp và chiến lược.
Bình luận (0)