Hotpot thu hẹp, Golden Gate đóng chi nhánh
Ngày 3.3, trên một số trang mạng xuất hiện thông tin HĐQT của Công ty CP thương mại dịch vụ Cổng Vàng (Golden Gate) đã thông qua việc chấm dứt hoạt động 39 chi nhánh của công ty tại nhiều tỉnh thành trên khắp cả nước. Golden Gate ủy quyền cho Chủ tịch HĐQT công ty quyết định thời gian cụ thể triển khai việc chấm dứt hoạt động của từng chi nhánh.
Golden Gate được thành lập từ năm 2005, được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp vào năm 2008 và hiện có vốn điều lệ hơn 77 tỉ đồng. Hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh nhà hàng với nhiều thương hiệu quen thuộc như Ashima, Kichi-Kichi, Vuvuzela, Ba con cừu, 37th Street, Daruma, Gogi House, City Beer Station, Icook, Isushi, Cowboy's Jacks, Sumo BBQ... Trước đó, cuối năm 2022, doanh nghiệp này đã thông tin góp thêm vốn vào Công ty TNHH đầu tư Tây Hồ - Vĩnh Phúc với tổng giá trị vốn góp được phê duyệt là 90 tỉ đồng. Mục đích nhằm đầu tư vào nhà máy nước cốt chanh và kem.
Trên các diễn đàn, ngay lập tức có nhiều bình luận tỏ ý tiếc cho chuỗi các thương hiệu nhà hàng đã có tên tuổi trong mấy năm qua như Gogi, Kichi-Kichi...
Tuy nhiên, ngay sau đó, trên Fanpage của mình, Golden Gate đã lên tiếng đính chính về thông tin đóng cửa 39 điểm kinh doanh và khẳng định: Toàn bộ các nhà hàng của Golden Gate vẫn hoạt động bình thường và ổn định. Theo thông báo này, thì việc chấm dứt hoạt động của các chi nhánh tại 39 tỉnh thành nói trên nhằm mục đích đưa "các địa điểm kinh doanh về quản lý tập trung", trực thuộc miền Bắc hoặc miền Nam, nhằm đảm bảo hiệu quả hoạt động. Danh sách 39 điểm kinh doanh của công ty này chuẩn bị đóng cửa này chủ yếu đặt tại các tỉnh miền Tây Nam bộ, Tây nguyên, miền Trung, Bắc Trung bộ, Tây Bắc…
Mặc dù vậy, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành hàng F&B (ẩm thực nhà hàng, ăn uống) nói chung đang trong bối cảnh khó khăn do suy thoái kinh tế. Sau 2 năm đại dịch Covid-19, cuối năm 2021, Golden Gate công bố kết quả kinh doanh hợp nhất lỗ ròng lên đến 431 tỉ đồng.
Từ cuối năm 2022, sau gần 3 năm đại dịch Covid-19 bùng phát, một số tiệm cà phê, nhà hàng đặt tại các vị trí đắt địa ở khu vực trung tâm cũng lần lượt buộc "tháo biển", ngưng hoạt động. Đầu tiên là Saigon Casa Café (Nova F&B) nằm trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa thông báo ngưng hoạt động sau 2 năm ra mắt. Kế đó, tiệm cà phê nằm ở vị trí đắt địa trước nhà thờ Đức Bà là PhinDeli, Nguyễn Thị Minh Khai của Nova lặng lẽ tháo biển bên cạnh một số thương hiệu nhà hàng nổi tiếng khác của tập đoàn (Jumo Seafood, Crystal Jade Palace, The Dome Dining & Drinks, Shusi Tei…) cũng đồng loạt thu hẹp, đóng cửa vì không "gồng" nổi chi phí mặt bằng trong bối cảnh lượng khách chịu chi cho ăn ngoài ngày một giảm.
Đến nay, nhiều vị trí từng quán kem, nhà hàng Nhật… khách vào ăn tấp nhập, phải xếp hàng vào thời điểm trước dịch, đóng cửa trong đại dịch, nay cũng không thấy mở cửa trở lại. Đó là quán kem BR trên đường Lý Thường Kiệt, I Love Kem trên đường Lê Đại Hành, nhà hàng Nhật Manura trên đường Lý Tự Trọng…
Cầm cự với doanh số giảm thê thảm
Theo các chuyên gia trong ngành F&B, kinh doanh nhà hàng có những thay đổi quá nhanh trong thời gian qua. Từ năm 2022, sau Covid-19, thị trường F&B bất ngờ ghi nhận tăng trưởng nóng, gần như nhà hàng nào cũng đông khách, phải đặt bàn trước… Thế nhưng sang quý cuối năm 2022, đáng lẽ vào mùa lễ hội, chi tiêu cho ăn uống ngoài phải tăng do dịp doanh nghiệp tổng kết cuối năm, người dân đi du lịch… Thế nhưng, ghi nhận cho thấy, doanh số các nhà hàng giảm sút trầm trọng từ đó đến nay.
Bà Phan Nhật - chủ doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực F&B tại Biên Hòa (Đồng Nai) - nhận xét, doanh thu từ quý cuối năm ngoái đến nay giảm hơn ½ so với đầu năm 2022, thậm chí có ngày mở tiệm ra bán chưa được 5 ly cà phê. Đến nay, doanh thu mỗi ngày chỉ bằng 25 - 30% so với năm đầu tiên bùng phát dịch Covid.
Bà nói: "Không riêng quán nào, hầu hết doanh số của nhà hàng, tiệm cà phê, kem… đều giảm sút mạnh. Có tiệm giảm đến 70 - 80%, sau 3 tháng không cầm cự nổi chi phí thuê mặt bằng, trả lương... là đóng cửa. Khu vực chúng tôi kinh doanh đều có những thương hiệu F&B lớn được mua nhượng quyền như trà sữa T., nhà hàng nướng S., bò nướng T… Thế nhưng, đến nay, các quán này đều lần lượt đóng cửa, trả mặt bằng. Lượng khách quen đến quán ăn giảm hơn một nửa trong khi khách mới không nhiều. Lý do duy nhất là thu nhập của người dân giảm, kiếm đồng tiền khó khăn hơn, nên buộc lòng phải thắt lưng buộc bụng, giảm chi tiêu ăn ngoài tiệm".
Tuy nhiên, trong báo cáo tổng quan về thị trường F&B năm 2022 của Công ty CP iPOS.vn mới đây cho thấy, quy mô doanh thu ngành ngành này năm 2022 ước tính đạt gần 610.000 tỉ đồng, trong đó, gần một nửa đến từ thị trường ăn ngoài. Đáng lưu ý, với hơn 4.000 khách tiêu dùng được lựa chọn phỏng vấn cho biết khi lựa chọn quán ăn ngoài là vì đồ ăn, thức uống ngon và giá cả phải chăng. Bất ngờ hơn, có hơn 77% thực khách giữ nguyên chi tiêu, thậm chí tăng mức chi tiêu cho ẩm thực trong năm 2023.
Đặc biệt, ngay với nhà hàng quán ăn từng có truyền thống phục vụ khách tại chỗ nay, đầu tư bán hàng giao tận nhà nhiều hơn. Tuy vậy, có một vài số liệu khác cần lưu ý trong khảo sát này là nhiều doanh nghiệp ngành ẩm thực đang chuyển đổi, bán hàng qua online nhiều hơn là phục vụ tại chỗ để tăng doanh số. Khảo sát cho thấy, có gần 83% doanh nghiệp F&B đã bắt đầu hành trình chuyển đổi số, và ứng dụng chủ yếu trong hoạt động bán hàng và quản lý kho, nguyên vật liệu.
Những con số trên đang gieo niềm hy vọng cho giới đầu tư kinh doanh F&B trong những tháng ngày tới. Bà Nhật cho biết tình hình kinh doanh giảm sút khiến bà bỏ kế hoạch đầu tư mở rộng bếp và mở điểm kinh doanh mới vì kinh doanh ẩm thực đang có dấu hiệu chững lại do chi phí tăng, lợi nhuận bị bào mòn và khách đến quán giảm mạnh.
Bình luận (0)