Vì sao huyết áp lúc lên lúc xuống?

13/05/2024 16:04 GMT+7

Tăng huyết áp là một bệnh lý ngày càng phổ biến trong cộng đồng, có thể dẫn đến nhiều biến cố nguy hiểm.

Nhiều người không được chẩn đoán bệnh tăng huyết áp vì không có triệu chứng, có những trường hợp đã được chẩn đoán nhưng không tuân thủ điều trị. Ngược lại, có những người chưa được chẩn đoán xác định đã tự mua thuốc về uống, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với sức khỏe.

Lầm tưởng bị tăng huyết áp

Th.S-BS Nguyễn Xuân Tuấn Anh, Phòng khám Tim mạch - khoa Khám bệnh Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết huyết áp lúc lên lúc xuống thất thường không chắc chắn bị tăng huyết áp. Theo định nghĩa, bệnh tăng huyết áp là sự tăng huyết áp lâu dài, do áp lực của dòng máu tác động lên mạch máu. Rất nhiều yếu tố trong cuộc sống có thể tác động lên huyết áp. Ví dụ, ở nhà huyết áp chỉ khoảng 120 mmHg, nhưng ra ngoài trời nắng, kẹt xe… huyết áp có thể lên đến 160-170 mmHg. Do đó, bạn nên lập bảng theo dõi huyết áp và nên đo vào lúc yên tĩnh, nghỉ ngơi (không nên đo khi nhức đầu, chóng mặt…). Nếu lúc yên tĩnh, nghỉ ngơi đo huyết áp bình thường nghĩa là không phải tăng huyết áp.

Th.S-BS Nguyễn Xuân Tuấn Anh trao đổi với bệnh nhân

Th.S-BS Nguyễn Xuân Tuấn Anh trao đổi với bệnh nhân

BVCC

Khi huyết áp tăng hầu như không có triệu chứng, vì vậy đây được xem là "kẻ giết người" thầm lặng. Nhiều người xuất hiện các triệu chứng như nhức đầu, chóng mặt, tim đập nhanh, hồi hộp… lại tưởng mình bị tăng huyết áp và tự mua thuốc về uống. Đây là một hiểu lầm thường gặp và tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với sức khỏe khi tự ý dùng thuốc không theo chỉ định của bác sĩ, đặc biệt là những người có nhiều bệnh lý nền.

Đừng chủ quan với bệnh tăng huyết áp

Một vấn đề đáng lo ngại là nhiều người dù đã được chẩn đoán, điều trị nhưng huyết áp vẫn không đạt được huyết áp mục tiêu (dưới 140/90 mmHg). Nguyên nhân thường do người bệnh không tuân thủ điều trị bằng thuốc và có lối sống chưa phù hợp như thói quen ăn mặn, thiếu vận động, thừa cân, béo phì... Người bệnh thường không theo dõi huyết áp định kỳ, quên uống thuốc hoặc uống thuốc không đúng chỉ định của bác sĩ. Nếu không được phát hiện và điều trị hiệu quả, tăng huyết áp có thể gây nhồi máu cơ tim, xuất huyết não, nhồi máu não và nhiều biến chứng khác lên tim, mắt, thận, mạch máu…

Th.S-BS Nguyễn Xuân Tuấn Anh nhấn mạnh, bệnh tăng huyết áp là yếu tố nguy cơ chính dẫn đến các biến cố tim mạch chết người. Do đó, người bệnh cần chủ động trang bị kiến thức về bệnh, theo dõi huyết áp thường xuyên, uống thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ, ăn nhạt, cai thuốc lá, hạn chế các chất kích thích, tập thể dục đều đặn… để kiểm soát huyết áp hiệu quả, phòng ngừa biến chứng nguy hiểm. 

Nhằm hưởng ứng ngày thế giới phòng chống tăng huyết áp, nâng cao kiến thức cộng đồng về mức độ nguy hiểm và cách kiểm soát, điều trị tăng huyết áp hiệu quả, Trung tâm Truyền thông Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM với sự đồng hành của Công ty TNHH Servier Việt Nam thực hiện chương trình tư vấn Sống khỏe - sẻ chia với chủ đề: Huyết áp trên 140/90, đừng 'lười' hỏi bác sĩ.

Vì sao huyết áp lúc lên lúc xuống?- Ảnh 2.

Chương trình sẽ phát sóng vào lúc 20 giờ ngày 16.5 trên trang Fanpage và Youtube Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, với sự tư vấn Th.S-BS. Nguyễn Xuân Tuấn Anh, Phòng khám Tim mạch - khoa Khám bệnh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.