Vì sao khách quốc tế 'bỏ rơi' Trung Quốc?

03/09/2023 13:44 GMT+7

Khi tìm cách đặt chỗ cho kỳ nghỉ quốc tế đầu tiên sau đại dịch, Val nghĩ đến hai quốc gia châu Á là Việt Nam và Nhật Bản. Vì hai điểm đến này phù hợp với sở thích của cô là gần gũi, tiết kiệm và mang lại sự cân bằng phù hợp giữa thiên nhiên và văn hóa.

Giảm 70% dù tìm mọi cách phục hồi

Val, kiến trúc sư sống ở Melbourne, Úc, cho hay cô không cân nhắc đến Trung Quốc, quốc gia đã công bố nhiều giải pháp để thu hút du khách quốc tế. Val nói cô "thiếu tò mò" về Trung Quốc cũng như không thích đi du lịch theo tour - điều cần thiết khi đến Trung Quốc.

"Tôi cảm thấy hơi không an toàn (nếu đi du lịch một mình), cũng như rào cản ngôn ngữ," cô nói với báo Hồng Kông SCMP và cho biết thêm, nếu Trung Quốc miễn thị thực, có thể khuyến khích cô đến thăm trong tương lai.

Vì sao khách quốc tế 'bỏ rơi' Trung Quốc? - Ảnh 1.

Các điểm đến nổi tiếng của Trung Quốc hiện phụ thuộc vào khách nội địa

Brett Mitchell, giám đốc điều hành thị trường Úc - New Zealand tại Intrepid Travel, công ty Úc tổ chức tour trên toàn thế giới, cho biết lượng đặt vé tại điểm đến Trung Quốc của công ty trong năm nay đã giảm gần 90% so với mức trước Covid-19 vào năm 2019. Chỉ có 130 người đặt vé đến Trung Quốc trong năm nay so với hơn 1.000 của 4 năm trước.

Du lịch đến Trung Quốc đã bị tạm dừng trong ba năm kể từ tháng 3 năm 2020 do đại dịch. Tháng 1 năm nay, Trung Quốc trở thành quốc gia cuối cùng ở châu Á ngoài Triều Tiên mở cửa lại biên giới và áp dụng lại chính sách quá cảnh miễn thị thực 72/144 giờ cho du khách từ nhiều quốc gia.

Đến tháng trước, họ đã bỏ tất cả các yêu cầu xét nghiệm Covid-19 trước khi nhập cảnh đối với hành khách nhập cảnh sau một loạt biện pháp nhằm khuyến khích du khách quốc tế, bao gồm cho phép các doanh nhân xin thị thực khi nhập cảnh ở cửa khẩu và khách du lịch được miễn lấy dấu vân tay.

 Thế nhưng, sự phục hồi trong lĩnh vực du lịch của Trung Quốc vẫn diễn ra chậm chạp, với lượng khách du lịch quốc tế giảm 70% trong nửa đầu năm nay so với mức trước Covid-19 - từ gần 31 triệu người nhập cảnh và xuất cảnh khỏi đất nước trong cùng kỳ năm 2019 xuống còn khoảng 8,44 triệu người.

Các nhà phân tích cho rằng, những con số kém cỏi này là do thiệt hại lâu dài từ đại dịch cũng như hình ảnh toàn cầu tiêu cực của Trung Quốc và sự mất niềm tin của doanh nghiệp trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị.

Liu Xiangyan, nhà nghiên cứu của Viện Du lịch quốc tế tại Học viện Du lịch Trung Quốc - tổ chức nghiên cứu trực thuộc Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc, dự đoán có thể phải mất 3 năm nữa nước này số lượng du khách mới đạt đến mức trước đại dịch.

Vì sao khách quốc tế 'bỏ rơi' Trung Quốc? - Ảnh 2.

Khách nước ngoài đến Trung Quốc ít ỏi sau đại dịch

BLOOMBERG

Chi phí cao, căng thẳng gia tăng... đẩy khách ra xa

Sở dĩ lượng khách quốc tế đến Trung Quốc phục hồi chậm, theo bà Liu Xiangyan do toàn ngành hầu như không có hoạt động kinh doanh nào, không có khách du lịch nước ngoài hoặc khách du lịch nội địa trong ba năm qua, khiến chuỗi cung ứng mất kết nối và cần phải có thời gian thiết lập trở lại.

Theo dữ liệu từ Bộ Thương mại Trung Quốc, các quốc gia như Hàn Quốc, Nga, Nhật Bản, Mỹ và Úc nằm trong số những thị trường du lịch quốc tế lớn nhất đối với nước này vào năm 2019, nhưng hiện tại quốc gia này có thể kém hấp dẫn hơn khi đi du lịch so với các nước khác.

China CYTS Tours, công ty du lịch có trụ sở tại San Francisco chuyên thị trường Trung Quốc, đã chứng kiến hoạt động kinh doanh giảm 95% kể từ năm 2019. Công ty này khai thác chưa đến 10 chuyến du lịch đến Trung Quốc trong ba tháng qua, so với khoảng 200 chuyến cùng kỳ trước đại dịch.

Giám đốc điều hành của hãng, Charlie Zheng, cho rằng thị trường du lịch Trung Quốc bị thu hẹp là do thiếu các chuyến bay từ Mỹ.

Air China và China Eastern Airlines đều đã nộp đơn lên cơ quan quản lý hàng không để tăng số lượng chuyến bay từ Trung Quốc đến Mỹ, ngoài ra hầu hết các hãng hàng không Trung Quốc tăng cường nỗ lực nối lại nhiều đường bay quốc tế hơn để đáp lại lời kêu gọi của chính phủ nhằm đẩy mạnh du lịch nội địa.

Tuy nhiên, tìm kiếm trên Datxeviet cho thấy vé khứ hồi từ San Francisco đến Tokyo và Singapore vào tháng 8 có giá lần lượt khoảng 2.100 USD và 1.500 USD, trong khi chuyến bay đến Thượng Hải có giá khoảng 2.600 USD.

Scott Moskowitz, nhà phân tích cấp cao của APAC tại Morning Consult, một công ty có trụ sở tại New York, cho biết ngoài các vấn đề về chi phí và hậu cần, căng thẳng gia tăng giữa Trung Quốc và phương Tây là lý do chính khiến du khách rời xa Trung Quốc.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.