Vì sao kháng nghị không cho cựu Chủ tịch TP.Phan Thiết Đỗ Ngọc Điệp hưởng án treo?

23/09/2020 05:37 GMT+7

Ngoài kháng nghị không cho hưởng án treo đối với cựu Chủ tịch UBND TP.Phan Thiết Đỗ Ngọc Điệp, Viện KSND cấp cao tại TP.HCM còn đề nghị tăng hình phạt đối với bị cáo Trần Hoàng Khôi, cựu Phó chủ tịch UBND TP.Phan Thiết.

Như Thanh Niên đã thông tin, Viện KSND cấp cao tại TP.HCM vừa có kháng nghị gửi TAND cùng cấp về bản án hình sự số 17 ngày 21.8.2020 của TAND tỉnh Bình Thuận tuyên phạt bị cáo Đỗ Ngọc Điệp (cựu Chủ tịch UBND TP.Phan Thiết) 24 tháng tù treo và Trần Hoàng Khôi (cựu Phó chủ tịch UBND TP.Phan Thiết) 4 năm tù về tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai.

Cựu chủ tịch Phan Thiết Đỗ Ngọc Điệp và đồng phạm lãnh án

Lỗi cố ý

Kháng nghị của Viện KSND cấp cao tại TP.HCM nêu rõ bị cáo Đỗ Ngọc Điệp trong thời gian phụ trách lĩnh vực đất đai (khi chưa ủy quyền cho Phó chủ tịch Trần Hoàng Khôi) đã ký nhiều văn bản yêu cầu Phòng TN-MT TP.Phan Thiết, căn cứ vào các quy định để xem xét cho chuyển mục đích sử dụng đất.
Sau đó, bị cáo lại ký các quyết định không đúng với quy định; không dựa vào kế hoạch sử dụng đất hằng năm đã được phê duyệt mà dựa vào quy hoạch sử dụng đất cấp xã vốn đã không còn hiệu lực pháp luật để cho chuyển mục đích sử dụng đất. Cụ thể, bị cáo Điệp đã ký 32 quyết định cho phép chuyển mục đích từ đất nông nghiệp sang đất ở trái với quy định của pháp luật với diện tích 46.865 m2, tổng giá trị quyền sử dụng đất nông nghiệp là 4,7 tỉ đồng. Trong số diện tích trên có 7.676 m2 đất trồng lúa, còn lại là đất trồng cây lâu năm.
Tương tự, bị cáo Trần Hoàng Khôi (cựu Phó chủ tịch UBND TP.Phan Thiết, được giao phụ trách lĩnh vực đất đai từ tháng 9.2016) đã ban hành văn bản chỉ đạo rõ trong trường hợp có sự khác nhau giữa quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch chi tiết xây dựng thì phải trả hồ sơ cho dân, không cho chuyển mục đích sử dụng đất.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện bị cáo Khôi lại buông lỏng quản lý trong việc cho chuyển mục đích sang đất ở. Từ năm 2016 - 2018, bị cáo đã ban hành các quyết định (từ việc tham mưu của Phòng TN-MT) cho chuyển mục đích sử dụng đất nhưng không rà soát, sàng lọc những hồ sơ trùng tên ở xã Tiến Lợi, Thiện Nghiệp và Phong Nẫm.
Thậm chí, trong 1 ngày, bị cáo ban hành nhiều quyết định, cho chuyển nhiều thửa đất có diện tích từ 1.000 - 8.000 m2 mà thiếu kiểm tra, xem xét. Ngoài ra, bị cáo ký ban hành, cho chuyển mục đích sang đất ở sai pháp luật, xâm phạm đến quy định về quản lý đất đai của nhà nước. Đây là lỗi cố ý của bị cáo. Bị cáo Trần Hoàng Khôi đã ký các quyết định cho chuyển100 thửa đất, với tổng diện tích 124.122,3 m2, giá trị quyền sử dụng đất là 8,6 tỉ đồng.

Vì sao nguyên chủ tịch UBND TP.Phan Thiết Đỗ Ngọc Điệp được đề nghị hưởng án treo?

Bản án chưa tương xứng

Kháng nghị còn nhận định, bị cáo Điệp và Khôi là người có chức vụ, quyền hạn, lẽ ra với phạm vi nhiệm vụ của mình phải nâng cao trách nhiệm trong công việc được giao, phải tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật, đặc biệt là lĩnh vực đất đai. Tuy nhiên, các bị cáo đã cố ý ký ban hành nhiều quyết định cho chuyển mục đích sang đất ở trái quy định pháp luật. Điều này gây ảnh hưởng đến chủ trương, chính sách của nhà nước; gây ra hiện tượng phân lô, bán nền đất tràn lan. Hành vi này đã xâm phạm trực tiếp đến trật tự, quản lý nhà nước trên lĩnh vực đất đai, quản lý đô thị của TP.Phan Thiết. Đặc biệt, hậu quả mà các bị cáo để lại là tạo nên sự xáo trộn trong quần chúng nhân dân, gây bất bình trong dư luận...

Xét xử cựu chủ tịch UBND TP.Phan Thiết: các bị cáo ký 132 quyết định trái pháp luật

Viện KSND cấp cao tại TP.HCM cũng cho rằng các bị cáo thực hiện hành vi sai pháp luật diễn ra trong thời gian dài, cho nên cần phải có một mức án nghiêm khắc, nhằm răn đe, cải tạo, giáo dục các bị cáo. Bản án đối với bị cáo Đỗ Ngọc Điệp (24 tháng tù nhưng cho hưởng án treo) và Trần Hoàng Khôi (4 năm tù giam) về tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai là chưa tương xứng với tính chất, mức độ, hành vi và hậu quả mà các bị cáo đã gây ra.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.