Ngày 23.5, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) đã thông tin về những bất cập trong công tác xử lý hành vi buôn bán, kinh doanh đối với thuốc lá điếu nhập lậu và thuốc lá thế hệ mới, với 2 sản phẩm: thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng.
Thuốc lá điếu nhập lậu là hàng cấm nhưng khó định giá
Theo Tổng cục Quản lý thị trường, từ năm 2020 đến hết quý 1 năm nay, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã phát hiện 9.069 vụ vi phạm về thuốc lá điếu nhập lậu và thuốc lá thế hệ mới.
Trong đó, thuốc lá điếu nhập lậu có 7.215 vụ, với tổng giá trị hàng hóa vi phạm là hơn 14 tỉ đồng; vi phạm về thuốc lá thế hệ mới là 707 vụ, tổng giá trị hàng hóa hơn 92 tỉ đồng. Nhưng theo Tổng cục Quản lý thị trường, công tác xử lý hiện nay đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Cụ thể với thuốc lá điếu nhập lậu, pháp luật đã có quy định xác định đây là hàng cấm. Theo đó, việc xác định giá trị hàng cấm để áp dụng khung tiền phạt, thẩm quyền xử phạt theo quy định tại điều 60 luật Xử lý vi phạm hành chính đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Cụ thể, hàng cấm không có giá niêm yết, không có tờ khai nhập khẩu, không có thông báo giá của cơ quan tài chính ở địa phương và không thể áp dụng giá thị trường để xác định giá trị. Do đó không có cơ sở cho việc định giá hàng cấm.
Để vá lỗ hổng pháp lý này, Tổng cục Quản lý thị trường đề xuất Chính phủ có quy định cụ thể căn cứ việc xác định giá trị hàng cấm là thuốc lá điếu nhập lậu để áp dụng thống nhất, làm căn cứ định giá, áp dụng khung hình phạt phù hợp.
Chỉ có thể phạt hành chính hành vi kinh doanh thuốc lá điện tử
Cũng theo Tổng cục Quản lý thị trường, liên quan đến thuốc lá thế hệ mới (thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng), hiện nay vẫn chưa có cơ chế chính sách quản lý rõ ràng pháp luật chưa có quy định cụ thể để điều chỉnh các quan hệ xã hội có liên quan đến sản phẩm này.
Đến thời điểm hiện nay, chưa có cơ sở để xác định thuốc lá điện tử là sản phẩm thuốc lá và thuộc phạm vi điều chỉnh của luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá năm 2012 và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Theo đó, pháp luật chưa có quy định cụ thể điều chỉnh hoạt động sản xuất, kinh doanh sản phẩm thuốc lá thế hệ mới.
Do đó, lực lượng chức năng chỉ có thể xử phạt vi phạm hành chính đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm thuốc lá thế hệ mới về hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hoặc kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Tổng cục Quản lý thị trường khẳng định, đây là nguyên nhân chính làm cho hiệu quả ngăn chặn, phòng ngừa hoạt động kinh doanh thuốc lá thế hệ mới chưa cao.
Trong khi chờ các quy định quản lý thuốc lá thế hệ mới, Tổng cục Quản lý thị trường đã chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường các địa phương thực hiện nghiêm Công điện số 47/CĐ-TTg ngày 13. 5 của Thủ tướng Chính phủ tăng cường quản lý thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
Trước đó, ngày 4.5, tại phiên giải trình về trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, do Ủy ban Xã hội của Quốc hội phối hợp với Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội tổ chức, Bộ Công thương kiến nghị chưa cho phép lưu hành thuốc lá điện tử.
Một trong những lý do Bộ Công thương đưa ra đề xuất này, là do hiện nay tình hình buôn lậu và sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng rất phức tạp. Trong khi đó, chế tài xử lý chưa đủ mạnh, chỉ xử lý hành chính và chưa có chế tài để xử lý hình sự tương tự như hành vi buôn bán, tàng trữ, vận chuyển sản phẩm thuốc lá nhập lậu là hàng cấm (buôn bán, tàng trữ, vận chuyển thuốc lá điếu ngoại nhập lậu với số lượng từ 1.500 bao có thể xử lý hình sự).
Bình luận (0)