Người tài năng được đánh giá là không thiếu, nhưng thu hút vào khu vực công có lúc có nơi lại chưa thật sự như kỳ vọng.
2 năm trước, TP.HCM đăng tuyển mời gọi chuyên gia cho 14 vị trí thuộc các cơ quan, đơn vị gồm: Sở KH-ĐT, Ban quản lý (BQL) Khu nông nghiệp công nghệ cao, BQL Khu công nghệ cao (SHTP) và Viện Khoa học - công nghệ tính toán (thuộc Sở KH-CN). Để ứng tuyển, các chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt phải đáp ứng đầy đủ yêu cầu về trình độ chuyên môn, kinh nghiệm công tác, thành tích nghiên cứu, cấp độ và số lượng danh hiệu, giải thưởng...
Theo nhiều chuyên gia, với chính sách đãi ngộ và thủ tục hiện hành, TP.HCM khó thu hút người tài về làm việc |
HCMBIOTECH |
Khó tìm người mới tham gia
Từ 14 hồ sơ đăng ký, chỉ SHTP tuyển được 5 vị trí, 3 đơn vị còn lại không tìm được nhân sự nào. Các vị trí làm việc ở SHTP có TS Hoàng Thế Bân trúng tuyển vị trí tư vấn xây dựng, phát triển Trung tâm đào tạo và chuyển giao công nghệ; ông Ngô Huỳnh Thiện (kiều bào đang sinh sống ở Bỉ) vào vị trí phát triển công nghệ vật liệu mới. Ba chuyên gia Nhật Bản trúng tuyển gồm ông Masakazu Aono, vị trí phát triển công nghệ vật liệu mới; ông Kazuhiko Nakamura và ông Susumu Sugiyama cùng tham gia vào vị trí công nghệ vi cơ điện tử - MEMS.
Với mức đãi ngộ này tôi nghĩ khó thu hút, mà thu hút được rồi cũng khó giữ chân. Mức sống của thành phố thì cao, nếu không đảm bảo được cuộc sống thì cũng khó giữ chuyên gia gắn bó với mình.
Trong 5 vị trí trên, TS Hoàng Thế Bân là chuyên gia đã làm việc tại SHTP từ năm 2016 theo chương trình thí điểm thu hút chuyên gia, nhà khoa học và công nghệ của TP.HCM. Đến nay, 4 chuyên gia còn lại vẫn chưa được ký hợp đồng chính thức nên chưa bắt tay vào việc.
Năm ngoái, chỉ duy nhất Sở VH-TT TP.HCM đăng ký tuyển 6 người có tài năng đặc biệt, gồm 2 vị trí lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật và 4 vị trí lĩnh vực thể dục - thể thao thành tích cao, nhưng cũng chỉ có 1 hồ sơ đăng ký và chưa tuyển được ai. Sang năm nay, cũng chỉ 2 sở có nhu cầu tìm kiếm 5 người tài, là Sở KH-ĐT và Sở NN-PTNT.
Trong đó, Sở KH-ĐT tìm 1 chuyên gia tư vấn cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, phát triển kinh tế tập thể, tư nhân; và 1 chuyên gia tư vấn quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội TP đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045. Sở NN-PTNT tuyển 3 vị trí là các chuyên gia lĩnh vực công nghệ sinh học về công tác tại Trung tâm công nghệ sinh học (HCMBIOTECH, trực thuộc sở này).
Thu hút người tài là chủ trương lớn của Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM và từng được áp dụng quy chế thí điểm vào năm 2014 để giải bài toán khan hiếm người tài cho các lĩnh vực trọng điểm. Tính cho cả giai đoạn 2014 - 2019, nhờ áp dụng một số chính sách đãi ngộ rất cao, nhất là lương tối đa 150 triệu đồng/tháng mà TP.HCM đã thu hút được 19 chuyên gia làm việc tại 4 đơn vị: SHTP, BQL Khu nông nghiệp công nghệ cao, Viện Khoa học - công nghệ tính toán và HCMBIOTECH.
Nhân viên Trung tâm công nghệ sinh học TP.HCM làm việc trong phòng thí nghiệm của đơn vị. Năm 2022, trung tâm này đăng ký 3 vị trí cần thu hút chuyên gia nhưng không nhận được hồ sơ ứng tuyển nào |
HCMBIOTECH |
Đãi ngộ không hấp dẫn ?
TS Nguyễn Đăng Quân, Giám đốc HCMBIOTECH, cho biết trong giai đoạn thí điểm, đơn vị thu hút được 4 chuyên gia về làm việc, nhưng đến năm 2018 khi kết thúc công việc thì các chuyên gia không tiếp tục ký hợp đồng nữa. Về hiệu quả, có thể kể đến TS Nguyễn Quốc Bình (kiều bào Canada) hỗ trợ phát triển trung tâm ở giai đoạn mới hình thành, hay 1 Việt kiều Úc (chuyên gia công nghệ nano và vật liệu sinh học) đã đóng góp ý tưởng về định hướng phát triển.
Tiêu chuẩn “người tài” của TP.HCM
Theo Quyết định số 17/2019 của UBND TP.HCM, người có tài năng đặc biệt (người tài) là những người có đủ năng lực, sức khỏe và tinh thần phù hợp với yêu cầu nghề nghiệp; có phẩm chất đạo đức và khát vọng cống hiến; có tri thức và năng lực đặc biệt xuất sắc trong một hoặc một số ngành, lĩnh vực; có khả năng lao động sáng tạo rất cao; đã đạt nhiều thành tích hoặc khả năng hoàn thành công việc, nhiệm vụ cụ thể với mức độ tốt vượt trội mà rất ít người có thể thực hiện được; có uy tín cao và được công nhận.
Năm 2022, HCMBIOTECH đăng ký tuyển dụng 3 vị trí, nhưng hết thời hạn nhận hồ sơ (từ ngày 14.4 - 13.5) vẫn không có ai đăng ký, dù trước đó trung tâm đã liên hệ với một số chuyên gia từng hợp tác. “Bản thân các chuyên gia là những người đang có công việc vững vàng, hiếm khi có người đang nhàn rỗi”, TS Quân nhận định và cho rằng để mời gọi người tài năng (chuyên gia) vào khu vực công lập cần có chính sách đãi ngộ hấp dẫn.
Tuy nhiên, chính sách hiện tại của TP.HCM tại Quyết định số 17/2019 của UBND TP.HCM, theo ý kiến của một số chuyên gia, là “rất bình thường và khác nhau một trời một vực khi đặt lên bàn cân với mức đãi ngộ của giai đoạn thí điểm”.
Cụ thể, hiện chuyên gia được hỗ trợ ban đầu 100 triệu đồng, phụ cấp khuyến khích 1% kinh phí cho mỗi công trình nghiên cứu, tiền thuê nhà tối đa 7 triệu đồng/tháng. Đáng chú ý, quyết định ghi rõ lương hằng tháng được tính theo mức lương cơ sở nhân với hệ số của bảng lương chuyên gia cao cấp; đối với giáo sư, phó giáo sư được hưởng hệ số 9,4, các trường hợp còn lại hưởng hệ số 8,8. Với mức lương cơ sở hiện là 1,49 triệu đồng/tháng, chuyên gia có học hàm giáo sư hoặc phó giáo sư chỉ nhận lương hằng tháng 14 triệu đồng, các trường hợp còn lại nhận 13,1 triệu đồng. Mức lương này bằng chưa tới 1/10 mức tối đa ở giai đoạn thí điểm, tương đương công nhân, kỹ sư lành nghề ở doanh nghiệp tư nhân.
Điều nghịch lý là ở giai đoạn thí điểm, TP.HCM đã nhìn nhận chính sách đãi ngộ chưa đủ hấp dẫn để thu hút chuyên gia đầu ngành, nhưng khi áp dụng chính thức thì mức lương lại thấp hơn rất nhiều.
Với mức đãi ngộ trên, TS Quân cho rằng rất khó để thuyết phục chuyên gia bỏ hẳn công việc đang làm để về TP.HCM làm việc trong khu vực công lập, chưa kể đến việc tìm được chuyên gia phù hợp nhu cầu là điều không hề dễ dàng. Bên cạnh đó, công việc của TP.HCM thu hút theo dạng dự án, chỉ ký hợp đồng làm việc một vài năm cũng khiến chuyên gia băn khoăn khi hết hợp đồng sẽ làm gì…
Là đơn vị duy nhất tuyển được người tài trong năm 2020, SHTP cho rằng cần nâng cao mức đãi ngộ xứng đáng cho đội ngũ các chuyên gia, nhà khoa học. Lý do, các chuyên gia được thu hút đều là chuyên gia hàng đầu từng làm việc tại nước ngoài, do đó mức đãi ngộ không nên quá thấp so với thu nhập hiện tại của họ. Bên cạnh đó, TP.HCM cần có chính sách hỗ trợ đối với các chuyên gia thực hiện nhiệm vụ tư vấn chiến lược, kết nối, thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ...
Thủ tục rườm rà
Không chỉ đãi ngộ kém hấp dẫn, ngay chính quy trình xét tuyển phức tạp với 7 bước cũng khiến chuyên gia… phát ngán. Cụ thể, TP.HCM đăng tải thông tin về nhu cầu trong vòng 1 tháng, sau đó chuyên gia nộp hồ sơ ứng tuyển, hội đồng từng lĩnh vực sẽ thẩm định hồ sơ, kế đến chuyên gia được mời phỏng vấn để trình bày dự án hoặc kiểm tra năng lực, tiếp đến UBND TP.HCM phê duyệt kết quả, rồi đơn vị thu hút ký kết hợp đồng.
Quy trình này kéo dài có khi đến cả năm, điển hình như SHTP thông báo tuyển dụng từ tháng 11.2020, nhưng đến giữa tháng 9.2021, UBND TP.HCM mới phê duyệt kết quả để làm cơ sở ký hợp đồng. Thời điểm này trùng với dịch Covid-19 bùng phát nên 4 chuyên gia ở nước ngoài không thể sang VN làm việc.
Theo nhận định của Sở NN-PTNT TP.HCM, quy trình thu hút thực hiện qua nhiều bước, mất thời gian nên việc thu hút bị hạn chế. Đối với chuyên gia đang ở nước ngoài tham gia nghiên cứu, hoạt động khoa học công nghệ nhiều năm, có nhiều kinh nghiệm, có uy tín thì họ sẽ không thoải mái khi phải nộp hồ sơ đăng ký, trình bày đề án, dự án khoa học… để hội đồng đánh giá.
Đồng quan điểm, PGS-TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, cho biết hiện chuyên gia, nhà khoa học không “ế” việc làm, ngược lại họ có quá nhiều sự lựa chọn. Không chỉ chính sách đãi ngộ, chuyên gia, nhà khoa học cũng đặc biệt quan tâm đến môi trường làm việc, điều kiện thuận lợi để phát huy năng lực, sở trường của mình. Quan trọng hơn, thủ tục hành chính phải đơn giản nhất đến mức có thể, vì nhà khoa học sợ nhất là thủ tục phức tạp. “Ngay cả đơn vị tiếp nhận cũng sợ các quy định, thủ tục để nhận tiền chi trả cho chuyên gia”, TS Ngân nói.
Cần tính lại chính sách đãi ngộ
Chính sách thu hút nhân tài là một trong những nội dung quan trọng của Nghị quyết 54/2017 của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, sau đó được HĐND TP.HCM cụ thể hóa bằng Nghị quyết 20/2018 về mức thu nhập chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt.
Trong buổi giám sát mới đây, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ nhận định nghị quyết ban hành chủ trương rất hay, rất đầy đủ, nhưng so với cơ chế thị trường thì mức thu nhập đưa ra rất khó để mời gọi chuyên gia.
“Với mức đãi ngộ này tôi nghĩ khó thu hút, mà thu hút được rồi cũng khó giữ chân. Mức sống của thành phố thì cao, nếu không đảm bảo được cuộc sống thì cũng khó giữ chuyên gia gắn bó với mình”, bà Lệ nói. Từ thực tiễn này, bà Lệ đề nghị UBND TP.HCM cần có cơ chế, chính sách đãi ngộ để thu hút chuyên gia, chí ít cũng đủ đảm bảo cuộc sống.
Bình luận (0)