Tăng cường gặp gỡ
TS Nguyễn Đức Thái, chuyên gia y sinh Đại học California (Mỹ) về nước đến nay đã được 12 năm với mong muốn đóng góp cho đất nước, một trong những nỗ lực của ông là tổ chức chuỗi hội thảo quốc tế TransMed-VN để chia sẻ những nghiên cứu mới trong lĩnh vực sinh học. Nhìn lại chương trình thu hút chuyên gia của TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung,
TS Thái thẳng thắn nhận định Việt Nam chưa có chương trình quy mô như Trung Quốc hay Singapore trước đây, gồm tổ chức chương trình nghiên cứu trọng điểm, kế hoạch tài chính cần thiết và kế hoạch nhân sự, đặc biệt là thu hút chuyên gia đầu ngành.
“Chúng ta muốn đạt được thành tựu như nước ngoài nhưng lại thiếu chiến lược và tổ chức thực hiện”, TS Thái đánh giá và dẫn chứng Trung Quốc ngay ở giai đoạn đầu tiên những năm 1980, đã sẵn sàng mời chuyên gia Hoa kiều, đặc biệt là từ các viện nghiên cứu ở Mỹ về tham gia. Vị chuyên gia này cho biết bản thân đôi khi nhận được chương trình, kế hoạch do Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM gửi và thấy rằng các lãnh đạo rất tâm huyết, muốn tạo điều kiện để mời gọi chuyên gia, nhà khoa học về nước, nhưng kết quả thì chưa đạt như kỳ vọng.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên (phải) gặp gỡ kiều bào là các chuyên gia, lãnh đạo doanh nghiệp dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 |
Nguyên Vũ |
Ngoài chính sách đãi ngộ chưa tương xứng, nhiều chuyên gia còn chỉ ra nguyên nhân chủ quan đó là hoạt động kết nối dù có nhiều nỗ lực, nhưng vẫn còn là khâu yếu. Như tại TP.HCM, một vài đơn vị được giao làm cầu nối nhưng theo đánh giá của TS Hoàng Thế Bân, Giám đốc Trung tâm đào tạo và chuyển giao công nghệ Việt - Nhật, thuộc Trung tâm đào tạo Khu công nghệ cao TP.HCM, cách tổ chức chưa hiệu quả, vẫn nặng về hành chính nên không tạo được động lực và hứng khởi để chuyên gia đóng góp, hiến kế. Sắp tới, TP.HCM cần phát huy vai trò dẫn dắt, tạo ra những nền tảng hay nơi hội tụ và tổ chức các buổi giao lưu, gặp gỡ.
Phải có đơn vị đứng ra làm cầu nối
Qua trò chuyện với nhiều nhà khoa học, chuyên gia đang làm việc ở nước ngoài, TS Hoàng Thế Bân cho hay khi hết tuổi lao động, những người này có tâm lý muốn về Việt Nam để đóng góp kinh nghiệm, kiến thức khoa học công nghệ tích lũy được nhưng chưa biết bắt đầu từ đâu và như thế nào. Chế độ đãi ngộ đối với các chuyên gia này có thể không phải là vấn đề quan trọng nhất, bởi sau quá trình làm việc hàng chục năm ở nước ngoài, họ đã vững vàng về tài chính. Thay vào đó, họ rất quan tâm đến sự cởi mở, chân tình, và trọng thị của thành phố.
“Điều quan trọng là phải có đơn vị đứng ra làm cầu nối hay xúc tác để lắng nghe ý kiến đóng góp của họ và tạo điều kiện để cho họ tham gia vào những dự án, chương trình cụ thể, như thế họ mới có điều kiện cống hiến”, TS Bân chia sẻ. Sự trọng thị trong đối đãi đến từ những việc rất đơn giản như hỗ trợ chuyên gia về chỗ ở, phòng họp, cung cấp thông tin, hoặc làm đầu mối với các sở ngành.
Việt Nam có hơn 5 triệu người đang sống, học tập và làm việc ở nước ngoài, trong đó có hơn 500.000 người có nhiều kinh nghiệm và chuyên môn cao đang làm việc cho các đại học danh tiếng, viện nghiên cứu phát triển và tập đoàn công nghệ lớn ở nhiều nước phát triển trên thế giới. TS Bân nhìn nhận đây là nguồn chất xám và tài nguyên đặc biệt có thể đóng góp trực tiếp hoặc gián tiếp cho sự phát triển khoa học công nghệ và kinh tế xã hội đất nước trong tương lai.
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Đức Thái cho rằng Chính phủ, TP.HCM cần chủ động hơn trong việc mời gọi chuyên gia kiều bào về đóng góp bằng thiện chí, khơi gợi lý tưởng phục vụ đất nước bằng kinh nghiệm khoa học với những chương trình cụ thể đáp ứng nhu cầu y tế Việt Nam. Và quan trọng hơn, cần xác định mục tiêu hướng tới lĩnh vực mũi nhọn để nền khoa học Việt Nam vươn tầm khu vực, quốc tế. Qua đó, chuyên gia sẽ hiểu được sự trọng thị và không đặt nặng vấn đề đãi ngộ.
Tạo lập môi trường chuyên nghiệp
Để thu hút nhiều người tài về làm việc, TS Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý TP.HCM, cho rằng nhà nước phải tạo cơ chế thật thoáng để nhà khoa học dễ dàng tham gia, loại bỏ bớt các tiêu chí không phù hợp mang tính cản trở, trói buộc. Điều quan trọng nhất là phải công khai, minh bạch và mở rộng, để ai cũng có thể đóng góp và được xã hội ghi nhận. “Có thể làm talk show trên truyền hình, nhà nước mời chuyên gia, nhà khoa học nói về các lĩnh vực đang được quan tâm, doanh nghiệp và người dân sẽ đánh giá, tưởng thưởng xứng đáng”, TS Thắng nói.
Muốn phát triển các ngành khoa học mũi nhọn, TS Thắng nhìn nhận TP.HCM cần tạo ra phong trào đóng góp cho khoa học bằng cơ chế, khuyến khích xã hội hóa tài trợ cho chuyên gia giỏi đang thực hiện dự án quan trọng. Khi tìm được người tài giỏi rồi, đơn vị sử dụng cũng cần đặt họ trong môi trường làm việc năng động, xung quanh là những cộng sự cùng chung chí hướng.
Từ thực tiễn nhiều quốc gia lân cận, TS Hoàng Thế Bân cho biết, chương trình thu hút chuyên gia là chính sách dài hơi nên TP.HCM cần phải kiên trì và liên tục triển khai. Còn TS Nguyễn Đức Thái thì đề nghị Chính phủ cần chú trọng đầu tư để hỗ trợ các thành quả nghiên cứu trong nước thành sản phẩm cụ thể phục vụ cho thị trường nội địa, qua đó mở đường cho nhà khoa học trong nước tự tin hơn trong nghiên cứu khoa học.
Cần chính sách ở tầm quốc gia
Bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP.HCM, nhìn nhận mức hỗ trợ một lần 100 triệu đồng đã là cố gắng lớn của TP.HCM, nhưng các khoản khác như tiền lương, tiền thuê nhà, các thu nhập khác hằng tháng vẫn còn thấp nên chưa đủ hấp dẫn để kêu gọi chuyên gia đầu ngành về công tác. Hoặc cũng có trường hợp đã mời gọi về rồi nhưng đãi ngộ không đủ để níu chân họ ở lại tham gia trong thời gian dài.
Bà Tuyết cho rằng, đây là bài toán khó, bởi trong điều kiện cơ chế chính sách hiện nay và so sánh với mặt bằng chung của cán bộ, công chức còn thấp thì không thể đưa mức đãi ngộ quá cao, chỉ chấp nhận đối với một số lĩnh vực rất đặc biệt. “Quan trọng hơn là ở tầm quốc gia, Chính phủ cũng cần có cơ chế thu hút người tài vào bộ máy hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập làm việc”, bà Tuyết nói.
Bình luận (0)