Vì sao khó xử lý chợ chim Thạnh Hóa

03/10/2018 10:50 GMT+7

Sau khi Thanh Niên phản ánh về chợ chim Thạnh Hóa buôn bán động vật hoang dã gây phản cảm ven quốc lộ 62 (H.Thạnh Hóa, Long An), chính quyền địa phương đã có nhiều biện pháp chấn chỉnh.

Xử lý dứt điểm "câu chuyện" chợ chim Thuận Hóa
“Chiều 27.9 Chủ tịch UBND tỉnh Long An Trần Văn Cần đã chủ trì cuộc họp với các ngành có liên quan của tỉnh và chỉ đạo xử lý dứt điểm tình trạng mua bán động vật hoang dã gây phản cảm tại chợ chim Thạnh Hóa. Riêng UBND H.Thạnh Hóa phải tiến hành lập chợ theo đúng quy định pháp luật”, bà Đoàn Thị Phương Khanh, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Long An, cho biết.
Cũng theo bà Phương Khanh, để chấn chỉnh việc mua bán động vật hoang dã theo đúng quy định của pháp luật, trước đó, ngày 22.6, Sở NN-PTNT Long An đã tham mưu cho UBND tỉnh Long An ra quyết định thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành các hoạt động mua bán động vật hoang dã tại chợ chim Thạnh Hóa.
Trong khi đó thì chính quyền địa phương cũng đã họp các hộ mua bán, yêu cầu ký thỏa ước cam kết không mua bán các loài động vật quý hiếm và không treo ngược động vật gây phản cảm, mất mỹ quan.
Theo bà Phương Khanh, chợ chim Thạnh Hóa là khu chợ tự phát, hoạt động từ năm 2014 đến nay với 23 hộ mua bán các loại gia cầm và động vật hoang dã.
Thời gian qua Sở NN-PTNT Long An đã chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm tiến hành đặt các pa nô, áp phích trên tuyến giao thông xung quanh khu vực chợ chim để tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân trong việc quản lý, bảo vệ động vật hoang dã.
Nhiều loài động vật hoang dã được nuôi nhốt, mua bán tại chợ chim Thạnh Hóa. Ảnh: HOÀNG PHƯƠNG
Từ năm 2014 đến nay lực lượng kiểm lâm phối hợp với công an tổ chức gần 300 đợt kiểm tra, lập biên bản và quyết định xử phạt hành chính 45 trường hợp, tịch thu 52 con động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm thuộc nhóm II B và 5.759 con động vật rừng thông thường và xử lý, thả về rừng tự nhiên. Đặc biệt lực lượng kiểm lâm còn bắt giữ 2 trường hợp với 4 cá thể cu li thuộc loài nguy cấp, quý hiếm nhóm I B.
Đến nay, UBND H.Thạnh Hóa đã chỉ đạo cho các đơn vị chức năng tiến hành kiểm tra, sắp xếp lại khu vực chợ. Bước đầu đã khắc phục được việc bày bán, treo nhốt, giết mổ động vật hoang dã gây phản cảm, đồng thời với việc lắp đặt hệ thống camera để giám sát, xử lý vi phạm.
Các loài cò được mua bán tại chợ chim Thạnh Hóa Ảnh: HOÀNG PHƯƠNG
Vì sao địa phương than khó?
Tuy nhiên, theo bà Phương Khanh, về phía địa phương cũng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc khi chấn chỉnh lại chợ chim Thạnh Hóa.
Ví dụ theo quy định tại Nghị định 160/2013/NĐ-CP ngày 12.11.2013 của Chính phủ thì các loài động vật hoang dã như: chim vạc, mỏ nhác, ốc cao, trích, các loại cò trắng, cò ma, cò ốc, le le nâu, vịt mỏ vàng, cu đất, cu ngói, rắn hổ hành… không nằm trong danh mục quản lý của Nhà nước. Đồng thời pháp luật chưa có quy định xử phạt, chế tài nên cơ quan chức năng còn rất lúng túng, khó xử lý.
Ngoài ra còn có nhiều loại như rắn hổ hành để diệt chuột nhưng lại không nằm trong danh mục quy định tại thông tư 47 ngày 25.9.2012 của Bộ NN-PTNT về quản lý khai thác từ tự nhiên và nuôi động vật rừng thông thường, trong khi rắn bông súng lại nằm trong danh mục quản lý.
Tương tự, cò ốc không có trong danh mục nhưng được bày bán rất nhiều tại chợ.
Các loài cò được mua bán tại chợ chim Thạnh Hóa Ảnh: HOÀNG PHƯƠNG
Một khó khăn khác là khi kiểm tra, lực lượng kiểm lâm chỉ bắt giữ tại hiện trường. Còn việc tẩu tán, cất giấu bên trong thì chịu vì không có chức năng kiểm tra xử lý. Đó là chưa nói việc mua bán và giao hàng qua điện thoại thì không thể kiểm soát được.
Cũng theo bà Phương Khanh, để chấn chỉnh việc mua bán động vật hoang dã theo đúng quy định của pháp luật, chính quyền địa phương cũng đã họp các hộ mua bán, yêu cầu ký thỏa ước cam kết không mua bán các loài động vật quý hiếm và không treo ngược động vật gây phản cảm, mất mỹ quan.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.