Chất lượng còn gây tranh cãi
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, cho rằng việc Bộ GD-ĐT quy định không cho phép đào tạo từ xa đối với các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề và nhóm ngành đào tạo giáo viên chứng tỏ đánh giá rất cao trách nhiệm của những người làm việc trong 2 nghề này.
Học nghề y đòi hỏi thực hành nhiều và liên tục trong suốt thời gian dài nên nhiều người lo ngại đào tạo từ xa sẽ không đảm bảo được chất lượng |
đ.n.t |
“Cá nhân tôi không tin việc một bác sĩ được đào tạo từ xa mà có thể gánh vác được trách nhiệm bảo vệ sức khỏe cho người dân vì đây là một nghề đặc thù, học trực tiếp và thực tập thực hành liên tục trong suốt một quá trình còn chưa chắc đã giỏi. Đối với ngành sư phạm, từ trước đến nay vẫn có đào tạo từ xa. Nhưng có thể do Bộ GD-ĐT đánh giá thấy chất lượng giáo viên hiện nay có vấn đề nên muốn quy định này chính là một trong những điều kiện để nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên”, giáo sư Nguyễn Minh Thuyết nhìn nhận.
Theo giáo sư Thuyết, với những khóa học bồi dưỡng ngắn hạn cho giáo viên thì có thể sử dụng hình thức đào tạo trực tuyến hoặc các hình thức đào tạo từ xa, nhưng chương trình để cấp bằng ĐH thì không nên. “Trong điều kiện chưa thể đáp ứng được việc đào tạo từ xa, và cũng chưa kiểm soát được chất lượng đào tạo từ xa thì quy định như vậy là hợp lý đối với riêng 2 lĩnh vực này”, giáo sư Thuyết nói thêm.
Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Trung, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cũng cho rằng giáo viên và bác sĩ là nghề đặc thù, cần rất nhiều thời gian thực hành, thực tập và các nội dung cần học trực tiếp khác nên nếu đào tạo từ xa thì rất khó đảm bảo chất lượng.
Có ảnh hưởng đến nhu cầu người học?
Thạc sĩ - bác sĩ Phạm Minh Nhựt, giảng viên bộ môn Cấp cứu ngoại viện, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, nhìn nhận việc không cho đào tạo từ xa các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề và nhóm ngành giáo viên là một giải pháp để đảm bảo chất lượng trong đào tạo chuyên môn khối sư phạm và khối chăm sóc sức khỏe, giúp kiểm soát việc thực hiện chương trình đào tạo, quản lý tốt hơn việc đánh giá chất lượng đầu vào và năng lực đầu ra của người học theo từng trình độ, từng đối tượng.
“Tuy nhiên, việc này cần có định hướng, lộ trình và điều kiện cụ thể vì sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu người học. Ví dụ có những ngành trong khối sức khỏe và khối sư phạm, người học muốn học nhưng tại khu vực, địa phương lại không có trường, không có lớp tổ chức. Nếu không đào tạo từ xa cũng sẽ thiệt thòi cho người dân khi có nhu cầu học tập và nâng cao trình độ. Bên cạnh đó, nguồn giảng viên và đội ngũ phục vụ giảng dạy sẽ bị hạn chế và chỉ khu trú theo khu vực/địa phương. Người học sẽ ít có cơ hội tiếp xúc với những kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng nghề nghiệp mới”, thạc sĩ Nhựt nhìn nhận.
Giáo viên là nghề "trồng người" nên cũng đòi hỏi việc đào tạo phải thực sự chất lượng |
đ.n.t |
Theo thạc sĩ Nhựt, việc tổ chức đào tạo từ xa sẽ tạo cơ hội cạnh tranh chất lượng giữa các cơ sở giáo dục với nhau, mang lại nhiều lợi ích và nhiều sự lựa chọn cho người học. Tuy nhiên, đối với khối ngành sức khỏe và khối ngành sư phạm cần có sự kết hợp giữa từ xa và tập trung cũng như tăng cường quản lý, giám sát trong việc tổ chức đào tạo để đảm bảo quyền lợi cho người học cũng như chất lượng lao động cho xã hội.
Trong khi đó, bác sĩ Nguyễn Thị Hoa, Phó chủ tịch Hội Dinh dưỡng – Thực phẩm TP.HCM, nguyên Trưởng khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Nhi đồng 1, cho rằng chúng ta đang sống trong thời đại công nghệ phát triển nên cần tham khảo các nước tiên tiến, họ có đào tạo từ xa các ngành bác sĩ và giáo viên không và họ đã làm như thế nào?
“Thật ra, ngành nào cũng cần thực tế. Nhưng mình xem đào tạo trong một tổng thể phát triển nhân lực và hiệu quả của nó để quyết định. Hãy tham khảo thế giới họ làm thế nào, hiệu quả thế nào và hậu quả ra sao, mình có đủ điều kiện để làm không. Về cá nhân tôi, thấy ngành y thì lý thuyết có thể học từ xa, nhưng thực tập phải trên người”, bác sĩ Hoa nhận định.
Theo bác sĩ Hoa, sinh viên lên giảng đường nghe lý thuyết thì cũng không khác gì học lý thuyết từ xa, quan trọng khi thực hành phải đạt chuẩn và phải có quy định thời gian thực hành và chất lượng thực hành. “Chính vì thế, nếu dự thảo có quy định rõ ràng là những hoạt động thực hành, thực tập, trải nghiệm thực tế, tự học, tự nghiên cứu và giảng dạy trực tuyến có thể thực hiện ngoài cơ sở đào tạo, thì việc đào tạo từ xa ngành y vẫn có thể thực hiện với điều kiện phải đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, chương trình và chất lượng đào tạo phải được giám sát”, bác sĩ Hoa cho hay.
Theo dự thảo thông tư Ban hành quy chế đào tạo từ xa trình độ ĐH của Bộ GD-ĐT, đào tạo từ xa là hình thức đào tạo sử dụng chủ yếu phương thức mạng máy tính và viễn thông. Trong đó, các hoạt động giảng dạy được thực hiện từ xa hoặc trực tiếp tại cơ sở đào tạo hoặc cơ sở phối hợp đào tạo.
Riêng những hoạt động thực hành, thực tập, trải nghiệm thực tế, tự học, tự nghiên cứu và giảng dạy trực tuyến có thể thực hiện ngoài cơ sở đào tạo, cơ sở phối hợp đào tạo; thời gian tổ chức hoạt động giảng dạy linh hoạt trong ngày và trong tuần.
Cơ sở đào tạo thực hiện chương trình đào tạo từ xa đối với những ngành đã có quyết định cho phép mở ngành đào tạo và đã tuyển sinh tối thiểu 3 khoá liên tục theo hình thức chính quy. Không thực hiện đào tạo từ xa đối với các ngành thuộc lĩnh vực sức khoẻ có cấp chứng chỉ hành nghề và nhóm ngành đào tạo giáo viên.
Bình luận (0)