Vì sao không cho trẻ vận động mạnh 3 ngày đầu sau tiêm vắc xin Covid-19?

15/04/2022 04:00 GMT+7

Trong 3 ngày đầu tiêm vắc xin Covid-19 , trẻ không nên vận động mạnh để tránh căng cơ và kích hoạt các phản ứng viêm tại vị trí tiêm; phụ huynh cần theo dõi kỹ các triệu chứng của trẻ sau tiêm.

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Huy Luân, Trưởng Đơn vị Tiêm chủng, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết với trẻ 5 đến dưới 12 tuổi sau khi tiêm vắc xin, phụ huynh cần chú ý không để trẻ vận động mạnh, thực hiện các hoạt động gắng sức, hay chơi thể dục thể thao.

"Bởi sau khi tiêm vắc xin, trẻ sẽ đau cơ, các hoạt động vận động mạnh sẽ khiến trẻ bị căng cơ. Vùng bắp tay tại vị trí tiêm thường sẽ bị đau nhiều, ngoài ra có thể có các hội chứng viêm tại vùng tiêm, do đó nếu vận động nhiều sẽ làm tăng chuyển hóa, phản ứng tiêm tại chỗ", bác sĩ Luân giải thích.

3 ngày đầu sau khi tiêm, trẻ cần có người hỗ trợ suốt 24/24 giờ theo dõi phản ứng sau tiêm

MINH HỌA: ĐỘC LẬP

Theo bác sĩ Luân, đối với nhóm trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, tỷ lệ gặp phản ứng phụ như viêm cơ tim là khá thấp, tuy nhiên phụ huynh vẫn phải theo dõi sát trẻ trong 3 ngày đầu, luôn cần có người lớn theo dõi để kịp thời thấy những triệu chứng bất thường.

Những phản ứng thường gặp sau tiêm vắc xin ở trẻ 5-11 tuổi

Thạc sĩ bác sĩ Nguyễn Hiền Minh, Phó trưởng đơn vị Tiêm chủng Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết, với vắc xin Pfizer, những phản ứng thường gặp sau tiêm vắc xin ở trẻ 5-11 tuổi bao gồm mệt mỏi (50%), đau đầu (30%), tấy đỏ và sưng tại vị trí tiêm (20%), đau cơ và ớn lạnh (10%), sốt (10%, tần suất cao hơn đối với liều thứ 2).

Với vắc xin Moderna, những phản ứng thường gặp sau tiêm vắc xin ở trẻ 5-11 tuổi bao gồm đau tại vị trí tiêm (98,4%), mệt mỏi (73,1%), đau đầu (62,1%), đau cơ (35,3%), ớn lạnh (34,6%), buồn nôn/nôn mửa (29,3%), sưng/đau ở nách (27.0%), sốt (25,7%), ban đỏ tại vị trí tiêm (24,0%), sưng tại vị trí tiêm (22,3%) và đau khớp (21,3%).

Những phản ứng nghiêm trọng rất hiếm gặp sau tiêm 2 vắc xin Pfizer và Moderna cho trẻ em 5 -11 tuổi bao gồm viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim, phản ứng phản vệ

minh họa: Đậu Tiến Đạt

Những phản ứng nghiêm trọng rất hiếm gặp sau tiêm 2 vắc xin Pfizer và Moderna cho trẻ em 5 -11 tuổi bao gồm viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim, phản ứng phản vệ.

Bác sĩ Hiền Minh lưu ý phụ huynh cần chú ý các dấu hiệu bất thường để cho trẻ nhập viện theo dõi ngay. Các triệu chứng bao gồm như kích thích vật vã, lừ đừ, bỏ bữa, quấy khóc dai dẳng, đau ngực, trống ngực, mệt lả, vã mồ hôi, khó thở, sốt cao khó hạ nhiệt độ, hoặc kéo dài hơn 24 giờ, phát ban tiến triển nhanh trong vòng vài giờ...

Bộ Y tế đã chính thức phê duyệt vắc xin phòng Covid-19 Comirnaty (Pfizer BioNTech Covid-19 Vaccine) - vắc xin Pfizer và Moderna cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi tại Việt Nam. Trẻ sẽ chỉ tiêm 2 mũi vắc xin cùng loại (cách nhau 4 tuần), không tiêm trộn vắc xin.

Ngày 14.4, Sở GD-ĐT TP.HCM đã họp giao ban với lãnh đạo phòng Giáo dục TP.Thủ Đức và các quận, huyện về triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi.

Ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng Sở GD-ĐT TP.HCM, thông báo sáng 16.4, thành phố khởi động chiến dịch tiêm vắc xin cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi (cụ thể là trẻ 5 tuổi và học sinh từ lớp 1 - 6).

Dự kiến trong ngày đầu tiên, chiến dịch tiêm vắc xin sẽ được thực hiện tại một số trường tiểu học, THCS tại Q.1, Q.5, Q.10, Q.Phú Nhuận.

Sau đó, từ ngày 18.4, TP.HCM sẽ tổ chức đồng loạt, theo nguyên tắc thực hiện tiêm vắc xin cho học sinh khối lớp lớn trước, khối lớp nhỏ sau và đến trẻ mầm non 5 tuổi. Tốc độ tiêm dự kiến là 50 trẻ/bàn tiêm/buổi. Nhà trường có kế hoạch đảm bảo tổ chức tiêm, sắp xếp có ý kiến với các cơ quan chuyên môn, giữ ổn định tốc độ tiêm để đảm bảo công tác giám sát và quản lý an toàn.

B.Thanh

Cách chăm sóc trẻ trước và sau tiêm vắc xin Covid-19?

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Hiền Minh, Phó trưởng đơn vị Tiêm chủng Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết phụ huynh nên cho trẻ ăn nhẹ trước khi đi tiêm, không nhịn đói, nhưng cũng không ép trẻ ăn quá no.

Không cho trẻ uống chất kích thích như nước ngọt, trà sữa, cà phê, nước tăng lực... vào ngày tiêm vắc xin. Cho trẻ uống đủ nước, nhất là trong thời tiết nắng nóng hiện nay khiến trẻ dễ đổ mồ hôi, mau mệt trong khi chờ đến lượt được tiêm vắc xin.

Có thể uống viên sủi hoặc siro chứa các loại vitamin mà trẻ đang thường sử dụng vào buổi sáng ngày đi tiêm vắc xin. Bác sĩ lưu ý phụ huynh không tự ý ngừng các loại thuốc uống điều trị bệnh mạn tính mà trẻ đang uống theo toa bác sĩ.

Dặn dò trẻ nếu có dấu hiệu khó chịu phải báo ngay

Cha mẹ, người lớn trong nhà và nhà trường cần lưu ý dặn dò trẻ nếu có dấu hiệu gì khó chịu phải báo ngay. Trẻ được theo dõi 30 phút sau tiêm tại địa điểm tiêm chủng và ít nhất 3 ngày đầu tiên sau tiêm, luôn cần có người lớn theo sát và kịp thời thấy những triệu chứng bất thường.

"Phụ huynh nên ghi nhận nhiệt độ của con mỗi 4-6 giờ, không nên cho con ngủ một mình, để ý con khi ở quá lâu trong nhà vệ sinh hay phòng riêng, nên cho con ăn uống ở nhà để đề phòng tình trạng ngộ độc thức ăn bên ngoài, không tập thể dục hay vận động thể lực nặng", bác sĩ Hiền Minh lưu ý.

Trẻ cần ngủ đủ và uống đủ nước. Trẻ không cần kiêng tắm rửa hay thức ăn gì, trừ những thức ăn mà đã làm trẻ dị ứng trước đây, hạn chế uống những chất kích thích như cà phê, nước ngọt, trà sữa, nước tăng lực...

Phụ huynh cần chú ý các dấu hiệu bất thường để cho trẻ nhập viện theo dõi ngay. Các triệu chứng bao gồm như kích thích vật vã, lừ đừ, bỏ bữa, quấy khóc dai dẳng, đau ngực, trống ngực, mệt lả, vã mồ hôi, khó thở, phát ban tiến triển nhanh trong vòng vài giờ...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.