Hòn đảo trên là địa điểm du lịch nổi tiếng của New Zealand, và 47 người đang có mặt tham quan hồ nước ở vị trí miệng núi lửa khi các đợt phun trào chớp nhoáng bất ngờ xảy ra hôm 9.12.
Đến sáng 10.12, Thủ tướng Jacinda Ardern xác nhận không còn phát hiện sự sống trên đảo, và phía cảnh sát đang đánh giá tình hình trước khi quay lại hòn đảo.
Trước câu hỏi tại sao không có bất kỳ cảnh báo nào được đưa ra trước thời điểm núi lửa phun trào, các nhà nghiên cứu tham gia dự án GeoNet cho hay Whakaari/White Island là một trong vài núi lửa ở New Zealand có thể hoạt động bất kỳ lúc nào, theo Tạp chí The Conversation.
Cụ thể, mắc ma của núi lửa nằm trong bể chứa cạn, và sức nóng tỏa ra từ bể chứa tương tác với nguồn nước ngầm và nước trên bề mặt của hồ chứa để tạo nên một hệ thống gồm các khe nhiệt dịch sôi sục không ngừng.
|
Sự tồn tại của hệ thống này khiến nước đang bị giữ lại bên trong các lỗ rỗng của đất đá luôn trong trạng thái bị đun nóng ở nhiệt độ cực cao.
Hậu quả là bất kỳ tác động bên ngoài nào, như động đất, hoặc thậm chí chỉ cần mực nước trong hồ chứa thay đổi, cũng có thể bẻ gẫy sự cân bằng mong manh của cả hệ thống và giải tỏa ngay lập tức áp lực luôn chực chờ ở bên dưới.
Đó là lý do tại sao đợt phun trào hôm 9.12 lại xảy ra vô cùng đột ngột, đẩy mọi người vào tình thế không kịp phản ứng. Trong tích tắc, nước dạng lỏng chuyển thành hơi nước với tốc độ còn nhanh hơn vận tốc âm thanh, và có thể bùng nổ gấp 1.700 lần so với dung tích ban đầu, tạo nên tác động thảm khốc.
Sự bùng nổ năng lượng trên đảo Whakaari/White Island mạnh đến nỗi có thể nghiền nát đá, phun trào các mảnh vụn và tro bụi ở khoảng cách cực xa so với vị trí ban đầu.
Hình ảnh do các máy quay của GeoNet trên hòn đảo ghi lại cho thấy cột tro bụi bốc lên ở độ cao 3.658 m so với miệng núi lửa.
Bình luận (0)