Gần 1 năm sau khi thông xe cầu Thủ Thiêm 2, nay là cầu Ba Son nối liền TP. Thủ Đức và quận 1 (TP.HCM), hàng cây mới trên vỉa hè hai bên đường Tôn Đức Thắng hướng ra Lê Duẩn vẫn còn rất nhỏ, chưa thể tạo ra bóng mát. Trước đó, tuyến đường này từng có hàng cây cổ thụ tỏa bóng mát rất đẹp.
Ghi nhận tại một số khu đô thị mới tại TP. Thủ Đức (TP.HCM), nhà đầu tư trồng liền các cây xanh trưởng thành, thân khá to, kích thước tán lá lớn, phát huy được hiệu quả tạo bóng mát chỉ sau 1-2 năm trồng.
Vì sao không đưa cây lớn đến trồng ở đường Lê Lợi ngay lập tức?
Mới đây, Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM cho biết, sau khi metro số 1 trả mặt bằng, trên tuyến đường Lê Lợi (ở quận 1) không thể trồng cây xanh kịp lớn để tạo bóng mát cho vỉa hè như trước. Dưới góc độ chuyên môn, kiến trúc sư Nguyễn Mạnh Bình San, nhà quy hoạch cảnh quan, đã có lý giải vì sao khu đô thị tư nhân thì trồng được cây lớn, còn đường Lê Lợi thì không.
"Những nhà phát triển bất động sản cũng như các nhà đầu tư trồng cây lớn phải chịu rủi ro nhiều. Nhưng họ có mục đích của họ, tức là phải tạo ra mảng xanh lập tức để đẩy mạnh thương hiệu, đây cũng là một khoản đầu tư để kinh doanh.
Tuy nhiên, cây lớn đó có những rủi ro như rễ già, mất rễ cọc không bám đất. Ở các tiểu đô thị như vậy, họ quản trị được thì không sao, gió bão ngã đổ cây thì chống chéo được, kiểm soát được vì có đội ngũ bảo trì, có kinh phí bảo trì thay thế", ông San phân tích.
Theo ông San, các tuyến đường trung tâm thành phố mới được sửa sang như tuyến đường Lê Lợi (Q.1) không thể lập tức trồng cây lớn như các khu đô thị tư nhân. Ông khẳng định việc trồng các cây thiếu niên, cây nhỏ là cách trồng đúng ở các đô thị công cộng.
"Chúng ta phải trồng cây thiếu niên để còn phát triển rễ cọc ra, bám cho bền vững, để cây không muỗng rục, không hư hỏng. Những cây đó đều được đánh số, đánh chữ, nó là tài sản nhà nước. Những cây đó phải có thời gian mọc rễ trưởng thành, ít nhất phải 5-10 năm mới tạo ra bóng mát", ông San nói thêm.
Bình luận (0)