Liên quan đến vụ Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động (xã Ninh Hải, H.Hoa Lư, Ninh Bình) tê liệt gần 2 tháng qua vì giữa doanh nghiệp với người chèo đò không thống nhất được việc ký hợp đồng lao động, ngày 31.8, lãnh đạo UBND H.Hoa Lư cùng đại diện Sở Tư pháp, Sở Du lịch, Sở LĐ-TB-XH, Công ty TNHH Đầu tư - thương mại - dịch vụ Tràng An (đơn vị được giao quản lý Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động) đã trực tiếp đối thoại với người chèo đò.
Tại buổi đối thoại, ông Nguyễn Quốc Hưng, Chủ tịch UBND H.Hoa Lư đã nhận trách nhiệm khi để xảy ra sự cố tạm dừng hoạt động Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động do chưa thống nhất được việc ký hợp đồng lao động.
Ông Hưng cùng với các đơn vị liên quan đã giải thích cho người dân về việc phải thực hiện ký hợp đồng lao động để đảm bảo quyền lợi, nghĩa vụ giữa doanh nghiệp với người lao động, nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, văn minh và thân thiện trong ngành du lịch.
Tuy nhiên, tại buổi đối thoại, vẫn còn nhiều ý kiến của người lái đò cho rằng chính quyền và doanh nghiệp cần xem xét kỹ và điều chỉnh các điều khoản trong hợp đồng cho hợp lý với tuổi của người lái đò. Vì đa phần người dân làm nghề lái đò ở Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động là người cao tuổi, từ 60 tuổi trẻ lên; việc công nhận số lượng đò thực tế hiện nay được thực hiện như thế nào, có giảm xuống hay không; sau thời gian hợp đồng 1 năm có được tiếp tục ký hợp đồng hay không…
Ghi nhận ý kiến của người dân, tại cuộc đối thoại, Công ty TNHH Đầu tư - thương mại - dịch vụ Tràng An đã cam kết thực hiện lâu dài, nghiêm túc và tôn trọng Hương ước của thôn Văn Lâm; cam kết việc xét, cấp, cắt, tạm dừng số đò thực hiện theo Hương ước của thôn Văn Lâm.
Ngoài ra, doanh nghiệp còn cam kết ưu tiên ký hợp đồng lao động chèo đò chở khách du lịch ở khu du lịch Tam Cốc - Bích Động đối với người dân gốc thôn Văn Lâm, từ đủ 18 tuổi trở lên.
Trong cam kết cũng nói rõ công việc và thời gian làm việc của người chèo đò. Trong đó, công việc của người chèo đò chỉ đơn thuần là chèo đò chứ không làm việc khác. Thời gian làm việc theo thời gian thực tế chở khách du lịch, không bắt buộc ngày làm việc 8 tiếng như luật Lao động.
Về tiền công chèo đò, người chèo đò được hưởng tiền công theo số chuyến chở đò thực tế là 200.000 đồng/chuyến.
Về thời gian hợp đồng, doanh nghiệp cam kết hợp đồng sau 1 năm nếu người chèo đò không có ý kiến về nội dung trong hợp đồng, không vi phạm nội quy của khu du lịch, không vi phạm pháp luật thì hợp đồng sẽ tự gia hạn đến khi người chèo đò không còn nhu cầu.
Người chèo đò (đã ký hợp đồng) được chở thay cho bất kỳ người nào có số đò trong danh sách số đò đã được cấp; được giới thiệu người thân trong gia đình có đủ điều kiện như trong hợp đồng đã ký tham gia chở đò theo chuyến bằng số đò của gia đình mình.
Người dân cũng được dùng đò của mình để đến tham dự lễ, thắp hương ở đền Nội Lâm trên tuyến du lịch.
Như vậy, doanh nghiệp đã cơ bản đáp ứng yêu cầu người dân, nhưng cho đến trưa ngày 1.9 số lượng người dân ký hợp đồng lao động không nhiều, chỉ có khoảng hơn 10 người ký với doanh nghiệp, nâng tổng số người đã ký hợp đồng với doanh nghiệp quản lý, khai thác Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động lên hơn 140 người.
Trước đó, như Thanh Niên đã thông tin, khoảng 2 tháng qua (từ ngày 9.7), Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động gần như tê liệt hoàn toàn vì giữa doanh nghiệp và hàng trăm người chèo đò chưa thống nhất được việc ký hợp đồng lao động.
Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động nằm trong quần thể di sản Tràng An. Năm 2012, UBND tỉnh Ninh Bình đã lựa chọn nhà thầu là Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường được quyền thu phí tại 2 tuyến du lịch Đình Các - Tam Cốc và Bích Động - Động Tiên - xuyên Thủy Động thuộc Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động.
Bình luận (0)