Những chứng cứ mà ông Cương đưa ra là có thực tại một chung cư ở Hà Nội, đủ thuyết phục về bằng chứng. Khái quát hơn, mọi nghiên cứu về tham nhũng trong quản lý đất đai do các tổ chức quốc tế giúp ta thực hiện để chuẩn bị cho đối thoại giữa Chính phủ ta và nhóm các nước tài trợ cho VN năm 2010 cũng đã chỉ rõ điều này. Cấp "sổ đỏ" cho dân tại đô thị là một khu vực có nguy cơ xảy ra tình trạng tham nhũng "vặt". Mỗi vụ việc chỉ phải sử dụng dăm tới mươi triệu để bôi trơn, nhưng tần suất thì rất lớn mà mỗi hộ gia đình ở đô thị và vùng nông thôn ven đô đều phải đối mặt.
Sự thực, cấp "sổ đỏ" tại đô thị đến nay vẫn vướng mắc chủ yếu đối với các trường hợp không có giấy tờ xác minh về quyền sử dụng đất và các trường hợp trong khu chung cư. Hà Nội có báo cáo rằng đã hoàn thành tới 80% việc cấp "sổ đỏ", nhưng tôi không tin. Câu hỏi được đặt ra là 80% của cái gì? Của những trường hợp đang sử dụng mà có đủ giấy tờ hay của những trường hợp đang sử dụng đất? Hơn nữa, số liệu này đã được ai kiểm tra, xác minh hay chưa? Tất cả vẫn chỉ như sương khói mờ ảo.
Câu chuyện cấp "sổ đỏ" cho chung cư có nhiều phức tạp là do thể chế cấp đặt ra không hợp lý. Trước năm nay, Hà Nội đã có quy định cấp "sổ đỏ" cho nhà chung cư thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư nhà chung cư đó.
Chúng ta lưu ý rằng trong cấp "sổ đỏ" cho căn hộ chung cư có 3 mối quan hệ tay đôi rất độc lập, gồm quan hệ giữa cơ quan nhà nước và chủ đầu tư, giữa cơ quan nhà nước và cư dân, giữa chủ đầu tư và cư dân. Rất dễ nhìn thấy, ở đây có 2 mối quan hệ hành chính và 1 mối quan hệ dân sự. Chỉ năm ngoái thôi, Hà Nội đã gộp 3 mối quan hệ tay đôi khác biệt này thành 1 mối quan hệ tay ba phức tạp có 2 phần hành chính và 1 phần dân sự. Đó chính là môi trường cho tham nhũng sinh nở.
Vừa rồi, Hà Nội mới có thay đổi thể chế cấp "sổ đỏ" chung cư để cư dân có thể xin cấp trực tiếp với cơ quan nhà nước. Thay đổi như vậy nhưng hầu hết cư dân chung cư đều chưa biết và nhiều chủ đầu tư vẫn tiếp tục trấn giữ cửa "sổ đỏ".
Bộ trưởng Tài nguyên - Môi trường khẳng định rằng đã cử nhiều đoàn công tác xuống làm việc với Hà Nội về việc này. Sự thực, cách này không phải là giải pháp. Lúc này chúng ta đang cần thiết lập một "đường dây nóng" về cấp "sổ đỏ". Người dân ai có oan khuất gì về cấp "sổ đỏ" thì có thể kêu vào "đường dây nóng" để được giải thích (nếu sai) hoặc giải quyết (nếu đúng) ngay. Trách nhiệm của từng "chốt" trong "đường dây nóng" này phải thực sự rõ ràng.
Một kinh nghiệm thực tế cho thấy không gì chúng ta không làm được khi có nhất trí và quyết tâm của các cấp lãnh đạo. Việc thực hiện nghiêm quy định người đi xe máy phải đội mũ bảo hiểm là minh chứng rành mạch cho nhận xét này. Người dân chỉ mong rằng các cấp lãnh đạo ngành tài nguyên - môi trường đều nhất trí và quyết tâm cấp "sổ đỏ" cho dân như vậy.
GS-TSKH Đặng Hùng Võ
Bình luận (0)