Sáng nay (24.6), Trường ĐH Fulbright Việt Nam tổ chức lễ tốt nghiệp cho 72 cử nhân đầu tiên. Trong đó,18 sinh viên tốt nghiệp loại danh dự, 15 sinh viên đạt loại xuất sắc và nhiều cá nhân đạt thành tích cao trong quá trình ứng tuyển công việc, học bổng bậc cao hơn.
Đáng chú ý, lễ tốt nghiệp lần đầu tiên được tổ chức của trường này có chủ đề "Fulbright's Firsts" (Những điều đầu tiên của Fulbright). Theo lý giải của ĐH này, chủ đề mang ý nghĩa kỷ niệm hành trình học tập đầy cảm hứng của thế hệ sinh viên tốt nghiệp cử nhân đầu tiên của trường, khóa 2023. Theo đó, thời gian học tập tại Fulbright đã chuẩn bị cho các sinh viên này sẵn sàng bước các chương tiếp theo của cuộc đời.
Có sinh viên được rót vốn đầu tư 4,5 triệu USD để phát triển đề án tốt nghiệp
Lứa tốt nghiệp cử nhân đầu tiên của ĐH Fulbright Việt Nam đến từ khắp mọi miền trên cả nước với 11 ngành: kinh tế học, tâm lý học, Việt Nam học, lịch sử, nghiên cứu truyền thông và nghệ thuật, văn học, khoa học tích hợp, khoa học máy tính, khoa học xã hội, toán học ứng dụng và kỹ thuật. Trong số đó, có các sinh viên tốt nghiệp ngành kép, tốt nghiệp ngành chính với một hoặc hai ngành phụ.
Trước khi tốt nghiệp, một số sinh viên khóa 2023 đã được nhận vào chương trình thạc sĩ và tiến sĩ của các đại học hàng đầu ở Mỹ và các nước khác như: ĐH William & Mary, Minnesota, ĐH John Carroll, ĐH Texas tại Austin, ĐH California California – Riverside; ĐH Bar-Ilan (Isreal); ESMT - Trường Quản lý và Công nghệ Châu Âu (Đức); ĐH KU Leuven (Bỉ); ĐH Vrije Universiteit Amsterdam (Hà Lan); ĐH Trung Âu (Hungary).
Ngoài ra, không ít cử nhân Fulbright khóa 2023 đã được mời làm việc tại các công ty, tập đoàn gồm Bain & Company, Boston Consulting Group, Procter & Gamble, Unilever, Jardine Matheson, KMS Technology, CIMB Bank, VNG, ZaloPay, Momo, Katalon, Koidra, Renesas, Aurora Advisory, Reactor School, Panl lẫn Trường ĐH Fulbright Việt Nam.
Cử nhân Fulbright cũng phát triển nhiều ý tưởng khởi nghiệp góp phần thay đổi và đóng góp tích cực cho xã hội. Chẳng hạn, Lê Ngọc Kỳ Duyên (ngành kép tâm lý học và khoa học xã hội) và nhóm sinh viên cùng trường đã sáng lập EM-IN - một tổ chức chuyên nghiên cứu và phát triển các sản phẩm trò chơi giáo dục cảm xúc, giúp nâng cao sức khỏe tinh thần cho trẻ em Việt Nam. Nguyễn Phùng Nhật Khôi (ngành khoa học máy tính) thuyết phục được nhà khởi nghiệp công nghệ nông nghiệp Koidra rót vốn đầu tư 4,5 triệu USD để phát triển đề án tốt nghiệp về công nghệ dạy máy tính trồng cây.
Chúc tân cử nhân khởi đầu thuận lợi và làm nên những điều phi thường
Trước khi bắt đầu bài phát biểu tại lễ tốt nghiệp, bà Đàm Bích Thủy, Chủ tịch sáng lập Trường ĐH Fulbright Việt Nam, đã dẫn dắt sinh viên của mình cùng thực hiện hành động đầy cảm xúc. Theo hướng dẫn của bà, tất cả sinh viên trong trang phục tốt nghiệp quay ngược lại phía sau hội trường – nơi tất cả các bậc cha mẹ đang chứng kiến sự kiện đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong sự trưởng thành của con em mình. Trước cái cúi mình thiêng liêng bày tỏ sự cảm ơn của tân cử nhân, các bậc phụ huynh hiện rõ sự xúc động.
Sau câu chuyện chia sẻ "những điều đầu tiên" trong quá trình 8 năm gắn bó với Trường ĐH Fulbright Việt Nam, bà Đàm Bích Thủy nhắn nhủ với các tân cử nhân: "Các tân cử nhân của tôi, hãy giữ cho tâm trí và trái tim của các em luôn rộng mở để làm quen với những người sẽ bước vào cuộc đời mình. Hãy đối xử công bằng với tất cả và hãy đóng góp phần mình vào việc mạo hiểm và tìm kiếm những người của riêng bạn, những người bình thường của bạn".
"Và bất kể điều gì các em sẽ làm cùng họ bên ngoài những cánh cửa này, tất cả những điều kỳ diệu các em sẽ tạo nên, tôi hy vọng các em nhớ điều này: Bạn định hình thế giới như cách nó định hình bạn. Chúc các em khởi đầu thuận lợi và làm nên những điều phi thường", Chủ tịch sáng lập Trường ĐH Fulbright Việt Nam nhắn nhủ.
Bà Đàm Bích Thủy 8 năm của tôi đầy ắp những con người bình thường làm điều phi thường!
Diễn giả chính của lễ tốt nghiệp là tiến sĩ Lê Viết Quốc, nhà khoa học đang làm việc tại Google – nơi ông được đánh giá là một trong những nhà nghiên cứu hàng đầu về trí tuệ nhân tạo tại dự án Google Brain. Tiến sĩ Lê Viết Quốc cũng là thành viên Hội đồng tín thác và thành viên Hội đồng khoa học - đào tạo lâu năm tại Trường ĐH Fulbright. Ông có bài phát biểu giàu cảm hứng đến các tân cử nhân Fulbright khóa 2023, xoay quanh chủ đề rất được quan tâm thời gian qua: "Đứng trước sự thay đổi nhanh chóng của thời đại, liệu máy móc có thể thay thế được con người?".
Trường ĐH Fulbright Việt Nam là trường ĐH độc lập, không vì lợi nhuận và hoạt động theo mô hình giáo dục khai phóng đầu tiên tại Việt Nam. Trường tuyển sinh và khai giảng khóa cử nhân đầu tiên vào năm 2018, một năm sau khi Chính phủ Việt Nam cấp giấy phép hoạt động. Trước đó, năm 2014, Quốc hội Mỹ thông qua khoản ngân sách sáng lập một ĐH Việt Nam theo mô hình giáo dục khai phóng.
Bình luận (0)