"Cũng là mua bán, nhưng sao lạ lắm"
Trong khi các chợ truyền thống đang đìu hiu vắng khách thì chợ "mạng" lại hết sức sôi động. Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, trước đây, các hình thức livestream bán hàng thường thông qua các mạng xã hội quen thuộc như Facebook, YouTube, nhưng gần đây việc livestream bán hàng ngày càng sôi động hơn với sự tham gia của các sàn giao dịch điện tử như Shopee, TikTok hay Lazada. Bất kể ngày hay đêm, trên các ứng dụng này đều có những chủ shop livestream bán hàng. Lượng khán giả, khách hàng theo dõi trực tiếp cũng tùy theo thời điểm, tuy nhiên shop nào live cũng có vài chục người xem và cân nhắc để chốt đơn.
Mới đây, các nền tảng đồng loạt tổ chức sự kiện Black Friday với lượng mua sắm gần như bùng nổ. Với phiên livestream vào ngày Black Friday kéo dài hơn 5 tiếng đồng hồ tối 24.11 trên Shopee, Võ Hà Linh, một KOL chuyên bán hàng mỹ phẩm online, vừa công bố đã phá vỡ kỷ lục livestream của mình với 327.000 đơn hàng.
Đàm Thị Thương, sinh viên năm 4 Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho biết: "Em ít khi mua sắm, nhưng không khí shopping trên mạng vào những dịp như thế này cảm giác lạ lắm, kiểu như hào hứng và bị lây lan cảm xúc. Có khi mình không muốn mua nhưng bị hiệu ứng tâm lý đám đông và hùa theo mua".
Khi nông dân ‘cất cánh’ trên sàn thương mại điện tử: Livestream thu tiền tỉ!
Anh Võ Văn Hải, một chủ shop chuyên bán hàng thực phẩm online, chia sẻ: "Tôi bán hàng qua mạng được 4 năm rồi, xu hướng hiện nay người tiêu dùng lên mạng nhiều hơn, mua sắm dễ dàng hơn. Xu hướng này cũng góp phần khiến các chợ truyền thống bị cạnh tranh, nhưng đúc kết ra không phải ai cũng có khiếu để bán hàng trực tuyến. Phải có khiếu ăn nói, trò chuyện thu hút, phải có câu chuyện để dẫn dắt người nghe. Bán hàng trên YouTube khác với bán hàng trên TikTok hay Shopee. YouTuber thì gần gũi hơn, giao lưu khán giả nhiều hơn và vì thế hàng hóa có khi được người mua ủng hộ bất kể giá cả. Còn các nền tảng bán hàng khác thì cạnh tranh về giá và chất lượng".
Bắt đầu bán hàng qua mạng chỉ mới 2 năm nay nhưng thương hiệu Ánh Kua của Trương Ánh, một cô gái chưa đầy 30 tuổi, đã lan tỏa đến cả thị trường nước ngoài. Trương Ánh kể nhờ xây dựng kênh YouTube và bán hàng online, cô đã đưa các loại đặc sản Cà Mau như cua, tôm khô, khô mực câu, khô cá sặc, mắm tôm chua, bánh phồng tôm... đến với người tiêu dùng khắp cả nước và còn có kế hoạch chuẩn bị xuất khẩu.
Anh Nguyễn Minh Quang, chủ một doanh nghiệp (DN) trong ngành lương thực tại TP.HCM, kể: "Mới đây tôi đi nghiên cứu thị trường Trung Quốc và hiểu rõ hơn về công nghệ thương mại điện tử của các DN ở đất nước tỉ dân này. Họ rất thành công với nền tảng TikTok. Tôi chứng kiến có nhân viên của một công ty về cơ khí nông cụ, từng là du học sinh VN, mỗi ngày chỉ bỏ ra 3 tiếng đồng hồ tranh thủ ngoài giờ để livestream bán hàng online, thế mà doanh thu "phụ" của cô ấy mỗi tháng là 2 tỉ đồng. Đáng nói là hàng hóa toàn bán sang thị trường VN".
Doanh nghiệp, tiểu thương cũng livestream
Xu hướng livestream bán hàng ngày càng sôi động khiến các tiểu thương tại chợ truyền thống và nhiều DN cũng phải tìm cách làm mới mình. Trong sự kiện "Ngày hội mua sắm, giải trí trực tuyến TP.HCM 2023 tại chợ di sản Bến Thành" mới đây, TP.HCM đã tổ chức 77 phiên livestream tại chợ Bến Thành. Các phiên livestream tại chợ Bến Thành đã tạo ra 18.200 đơn hàng, mang về doanh thu 4,2 tỉ đồng, tiếp cận 81,6 triệu người dùng.
Từ khóa "chobenthanh" của chiến dịch đã có 122 video được đăng, tăng trưởng 100 triệu lượt view trong 3 ngày; dự kiến đạt mốc 200 triệu lượt view sau 1 tuần vận hành chiến dịch. Còn từ khóa "hochiminhcity" từ ngày 11-15.12 đã có 626 video được đăng tải đến từ 491 nhà sáng tạo nội dung hưởng ứng chương trình, tiếp cận gần 189 triệu view, 470.000 lượt like và hơn 22.000 lượt chia sẻ.
Bà Nguyễn Thụy Bảo Trân, tiểu thương có sạp mứt kẹo Ngọc Châu tại chợ Bến Thành, khi livestream cùng KOC (người tiêu dùng có sức ảnh hưởng) Ba Thức Food đã bùng nổ nhiều đơn hàng, chỉ trong 5 phút bán được 94 đơn hàng. Số đơn hàng bùng nổ khiến chủ sạp Ngọc Châu ngay lập tức phải gọi cho nhân viên kiểm tra lại số lượng hàng hóa và sau đó bà Trân phải ra quyết định dừng bán vì không đủ hàng.
Tham gia chương trình livestream tại chợ Bến Thành, ông Nguyễn Ngọc Luận, CEO thương hiệu cà phê nông sản MeetMore, cho biết: "Trong 3 ngày livestream tại chợ Bến Thành, Meet More đã thực hiện 11 phiên live, tiếp cận 5,9 triệu lượt khách hàng, quảng bá giới thiệu sản phẩm tới 124.800 người vào xem. Trung bình mỗi buổi livestream Meet More bán được 500 đơn hàng".
"Kết thúc chương trình ngày hội mua sắm cùng TikTok và các KOL tại chợ Bến Thành đã để lại cho tôi nhiều suy nghĩ về cách làm kinh doanh thời công nghệ. Không phải cứ như trước đây khi bạn có sản phẩm tốt, có hệ thống phân phối là bạn có thể thành công. Bây giờ chưa chắc bạn đã thành công nếu DN không bắt kịp xu thế xây dựng kênh bán hàng online. Và thực tế rõ nhất là các nhà, các chợ, các tổ chức phải chuyển đổi và làm quen dần với xu hướng này. Khi tiếp xúc với các bạn KOL có lượng follow (người theo dõi) từ vài trăm ngàn đến vài triệu và xem những clip các bạn đang giới thiệu về sản phẩm, giới thiệu về du lịch TP.HCM, tôi mới thấy được tại sao họ lại có nhiều ảnh hưởng như vậy vì nội dung truyền tải thông điệp khá hấp dẫn", ông Luận đúc kết.
Chủ quán ở Đà Lạt thu tiền tỉ nhờ livestream: ‘Tủi hổ còn hơn đổ nợ’
Nói là làm, ngay khi chương trình kết thúc, Meet More đã đăng tải thông báo tuyển dụng nhân sự để đẩy mạnh khai thác nền tảng mạng xã hội. Trước đó, đơn vị này cũng đã đầu tư nhiều phòng studio ngay tại trụ sở công ty để triển khai bán hàng bằng hình thức livestream.
Bà Phạm Thị Huân, Chủ tịch HĐQT Công ty Ba Huân, cũng chia sẻ: "Thị trường tiêu thụ các sản phẩm thịt, trứng hiện nay cạnh tranh rất lớn, trong đó xu hướng bán hàng trực tiếp đang ngày càng lấn át. Để đón đầu xu thế này, sắp tới Ba Huân cũng sẽ hợp tác với các KOL, các kênh YouTube có lượng khán giả lớn để đẩy mạnh bán hàng qua mạng cũng như quảng bá sản phẩm của mình rộng hơn".
Cộng sinh với nền tảng giao nhận
Bên cạnh sự phát triển nhanh chóng của internet và mạng xã hội, sự bùng nổ của hình thức bán hàng trực tuyến còn có sự phối hợp rất lớn của mạng lưới giao nhận. Các ứng dụng giao hàng hiện nay rất nhanh chóng và thuận lợi, thông qua các ứng dụng trên smartphone, các chủ shop có thể đặt đơn hàng vận chuyển trong tích tắc và giao đến tay người nhận với nhiều hình thức thanh toán linh hoạt. Chị Nguyễn Hồng Uyên, đang bán thực phẩm qua mạng, nhận xét: "Tôi sống ở Bến Tre, nhưng hằng ngày vẫn đặt đơn giao hàng cho khách bình thường, không gặp trở ngại gì. Các ứng dụng giao hàng hiện nay có rất nhiều lựa chọn, mỗi ứng dụng có thế mạnh riêng, cần giao gấp thì đặt qua Grab, Ahamove hay HeyU, còn giao đi tỉnh thì có rất nhiều đơn vị khác như Giaohangtietkiem, Giaohangnhanh, hay Viettel Post".
Có phải "sớm nở tối tàn" ?
Việc bán hàng online mang lại thu nhập cao cho các chủ kênh, tuy nhiên để duy trì được khách hàng thường xuyên thì lại rất khó. Anh Nguyễn Minh Hiếu, ngụ Q.Tân Phú (TP.HCM), chuyên bán thực phẩm khô, phân tích: "Về phương thức mua bán thì livestream bán hàng khác xa với tiểu thương ở chợ truyền thống, tuy nhiên cơ bản vẫn phải là giữ uy tín và chất lượng sản phẩm. Khán giả hay người xem có thể mua hàng ủng hộ rất lớn, nhưng khi câu chuyện chia sẻ nhàm chán, không còn hấp dẫn thì việc bán hàng cũng bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, cũng có nhiều trường hợp cạnh tranh không lành mạnh, tìm cách phá hoại, làm giảm uy tín của nhau. Ví dụ như công ty của tôi kinh doanh nghiêm túc, có đăng ký doanh nghiệp, có đầy đủ giấy chứng nhận thực phẩm, nhưng cũng bị nhiều người phá, đưa thông tin gây hoang mang khiến bị ảnh hưởng xấu".
Bình luận (0)