Vì sao lúc trẻ mầm non chuẩn bị ăn, chuẩn bị ngủ, không được lơ là?

14/12/2022 15:46 GMT+7

Nhấn mạnh thông điệp thực hiện môi trường giáo dục an toàn cho trẻ, bà Lương Thị Hồng Điệp, Trưởng phòng Giáo dục mầm non, Sở GD-ĐT TP.HCM nhắn gửi các giáo viên không được lơ là trong bất cứ hoạt động nào.

Trẻ nhỏ được chăm vườn cây trong trường mầm non
yến hằng

Sáng 14.12, Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức lớp “Bồi dưỡng chuyên môn xây dựng môi trường hoạt động giáo dục cho trẻ nhà trẻ” với sự tham gia của đông đảo các cô giáo, người chăm sóc trẻ từ các cơ sở giáo dục mầm non, đại diện phòng giáo dục đào tạo các quận, huyện trong thành phố.

Đảm bảo an toàn cho trẻ từ trang phục của cô giáo

Tại lớp bồi dưỡng, bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết, chuyên viên Phòng Giáo dục mầm non Sở GD-ĐT TP.HCM, hướng dẫn các cô giáo, người chăm sóc trẻ xây dựng môi trường hoạt động giáo dục cho trẻ nhà trẻ.

Lương Thị Hồng Điệp, Trưởng Phòng Giáo dục mầm non, Sở GD-ĐT TP.HCM nhấn mạnh các cô giáo, người chăm sóc trẻ cần phải chú ý tạo dựng môi trường thật an toàn cho trẻ, không được lơ là, nhất là lúc trẻ chuẩn bị ăn trưa và chuẩn bị ngủ trưa.

Buổi tập huấn có sự tham gia của đông đảo các cô giáo từ các cơ sở giáo dục mầm non
thúy hằng

Bà Điệp cho hay trong nhiều lần đi tới các trường/cơ sở mầm non và thấy, nếu như trước đây trẻ ở các trường thay phiên nhau, nhóm này ăn, nhóm kia rửa tay thay đồ… thì bây giờ có vẻ nhiều nơi bị “quên”. Ở nhiều trường/cơ sở giáo dục mầm non, trước giờ ăn cả lớp được cho tập trung, ngồi vòng quanh, sát bên các tường để chờ đến lúc ăn, trẻ em hiếu động, cô giáo lơ là một chút là trẻ có thể làm đau bạn.

“Sau giờ ăn cũng đừng cho trẻ đi ngủ ngay. Không việc gì mà phải vội vàng đi ngủ như vậy. Trẻ có thể bị trào ngược. Các cô cũng phải hạn chế tình trạng để cho trẻ nằm bú bình để ngủ luôn. Không phải là các cô đều có thể đút sữa bằng muỗng, thìa hết cho các bé được nhưng các cô phải hỗ trợ các con thật kỹ. Như các con bú sữa xong, cô vỗ lưng cho các con được ợ sữa. Làm sao phải để cho trẻ thật được an toàn”, bà Điệp lưu ý các cô giáo.

Cần xây dựng môi trường giáo dục an toàn nhất cho trẻ em
Yến hằng

Về đồ chơi cho trẻ ở các lớp mẫu giáo, nhà trẻ, bà Điệp khuyến cáo các cô giáo, người đứng đầu các cơ sở mầm non lựa chọn đồ chơi an toàn, không có vật sắc nhọn, ảnh hưởng tới sự an toàn của trẻ.

Bà Điệp cũng lưu ý các cô giáo, người chăm sóc trẻ ở các cơ sở mầm non khi đi làm mặc trang phục gọn gàng, dễ vận động, thuận tiện cho quá trình chăm sóc, hỗ trợ bé.

Đồng thời, bà Điệp nhắc nhở các cô giáo luôn luôn phải khuyến cáo các phụ huynh không cho bé mầm non mặc đồ có nhiều hạt, mang đồ trang sức có các loại hạt, dây mảnh nhỏ, bé dễ giật đứt và nuốt, rất nguy hiểm.

Về dinh dưỡng, bữa ăn cho trẻ mầm non, bà Điệp một lần nữa nhắc nhở các cơ sở giáo dục mầm non phải tăng cường giám sát, thực hiện bữa ăn an toàn, đầy đủ dinh dưỡng cho trẻ, lấy nguồn thực phẩm từ những công ty uy tín, tăng cường kiểm tra giám sát, đảm bảo bữa ăn ở trường tuân thủ vệ sinh an toàn thực phẩm.

“Đồ ăn cho các con, mình cũng cần phải ăn thử xem mình có thấy ngon không, có thấy thích không. Bánh cũng không nên ngọt quá. Đồ ăn nếu mình không thấy thích, không thấy ngon thì làm sao trẻ ăn ngon được. Làm sao mà mỗi cô giáo phải như một người mẹ, tận tâm với các bé như với chính con của mình, thì trẻ mới thấy vui khi mỗi sáng chào ba mẹ để đến trường gặp cô gặp bạn. Trường học hạnh phúc là mọi người trong cộng đồng đó phải được hạnh phúc, cô hiệu trưởng hạnh phúc, giáo viên đi làm hạnh phúc và mỗi đứa trẻ cũng được lan tỏa năng lượng đó từ các cô giáo của mình. Đó mới là sự hạnh phúc đích thực chứ không phải tuyên bố sáo rỗng”, cô Điệp bộc bạch.

Các cô thân đến mấy cũng đừng xưng hô “mày-tao” trước mặt trẻ

Cũng tại lớp tập huấn sáng nay, bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết, chuyên viên phòng Giáo dục mầm non Sở GD-ĐT TP.HCM, lưu ý tới các thầy cô việc thể hiện các bài tập trong các lớp nhà trẻ không mang tính trang trí nhiều, mà cần thấy được các góc có hướng mở, từ kệ dép bên ngoài đến các góc hoạt động trong lớp. Các cô giáo có thể sử dụng gai dán, nam châm… để thuận tiện cho trẻ hoạt động. Tuy nhiên, trẻ rất cần sự giám sát chặt chẽ của giáo viên khi tham gia hoạt động, do trẻ nhỏ rất dễ tò mò cho đồ vật vào miệng, hay va chạm vào tường.

Đặc biệt, khi bố trí không gian cho trẻ ngoài trời, nhiều trường không có sân chơi nên tận dụng hành lang trước lớp cho trẻ vui chơi nhưng phải tuyệt đối tuân thủ an toàn cho trẻ, không ảnh hưởng tới lối đi, không được ở gần cửa lên thang máy rất nguy hiểm.

Trẻ một trường mầm non tại Q.3, TP.HCM
thúy hằng

Sân chơi ngoài trời cho trẻ phải sạch sẽ, an toàn, có đồ chơi phát triển vận động cho trẻ, thuận tiện cho quá trình các cô quan sát được hết các trẻ. Nếu có điều kiện thì tăng cường bồn hoa, cây cảnh, nuôi các con vật nhưng đảm bảo vệ sinh, an toàn cho trẻ…

Đồng thời, bà Ánh Tuyết nhấn mạnh tới các cô giáo, người chăm sóc trẻ cần phải công bằng trong ứng xử, giúp trẻ cảm thấy dễ chịu thoải mái và tích cực hơn, làm cho mối quan hệ giữa người lớn và trẻ nhỏ trở nên gần gũi, thân thiện. Từ đó giúp trẻ cảm nhận được bầu không khí vui vẻ, thoải mái mà ở đó mỗi trẻ đều được quan tâm, yêu thương, tôn trọng.

“Các cô cần chú ý lời ăn tiếng nói, chú ý hành vi trước mặt trẻ. Nhiều cô chơi rất thân với nhau nên ở lớp cũng gọi nhau “mày”, “tao” trước mặt trẻ, cứ tưởng trẻ không biết. Nhưng các con nghe thấy và có thể bắt chước", bà Ánh Tuyết lưu ý.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.