Học sinh lớp 12 đang chuẩn bị bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT |
Đ.N.T |
Thầy Nguyễn Hùng Khương, Hiệu phó Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1, TP.HCM), cho biết: "2021 - 2022 là một năm học đặc biệt vì tình hình dịch Covid-19. Học sinh cuối cấp đã không có ngày khai giảng trọn vẹn, phải tham dự lễ khai giảng trực tuyến. Dù vậy, các em đã vượt qua mọi khó khăn và nỗ lực học tập". Giờ đây, khi học trò sắp bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT, một kỳ thi quan trọng, thầy hiệu phó đã gửi một bức thư dặn dò.
Những điều cần lưu ý trong phòng thi
Thầy Nguyễn Hùng Khương, Hiệu phó Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1, TP.HCM) |
NHK |
Trong bức thư được lan tỏa trên mạng xã hội, thầy Khương đã viết:
Từ nay đến ngày thi: Các em giữ sức khỏe, không ra ngoài nếu không cần thiết. Nếu phải ra ngoài cần đeo khẩu trang và chú ý mùa này trời hay mưa bất chợt.
Có chiến thuật ôn thi hiệu quả: Phần nào đã vững nên xem lướt qua; phần nào chưa hiểu kỹ, đừng ngại hỏi bạn bè, thầy cô và "bác" Google. Các bạn đăng ký các trường tốp đầu cần tiếp tục "luyện công" để công phá mảng phân hóa cao này.
Từ giờ đến ngày thi, các em không nên xem tivi, lên mạng xã hội quá nhiều, mất thời gian vô ích.
Bạn nào đã có bồ, tạm chia tay, để dành thời gian tập trung ôn thi và hẹn gặp lại nhau trong ngày chiến thắng. Bạn nào chưa có thì kệ, từ từ tính, không việc gì phải lo.
Đến ngày thi, thầy Khương căn dặn:
Để báo thức: Do các em hay thức khuya học nên cần đặt báo thức để dậy đi thi đúng giờ. Nhờ thêm người thân đặt báo thức và gọi dậy đi thi, chú ý môn cuối do thấm mệt nên có thể bị ngủ quên.
Nếu quên giấy báo thi, quên viết... cứ mạnh dạn đi tiếp đến điểm thi. Vì nếu quay về có thể bị kẹt xe, đến điểm thi làm một tờ giấy cam kết là xong, môn thi tiếp theo nhớ mang theo đầy đủ.
Rũ bỏ bên ngoài: điện thoại, đồng hồ thông minh cũng không được đeo nhé, tài liệu và mọi thứ không liên quan đến bài thi.
Mang theo kẹo mà mình thích ăn, sô cô la loại ngon hoặc kẹo sâm... để bổ sung năng lượng tức thời. Nếu được, tặng bạn bên cạnh dùng chung để tạo mối quan hệ xã hội. Mang thêm theo chai nước lọc (tháo hết nhãn dán để không quảng cáo miễn phí).
Khi nhận đề thi, cần kiểm tra kỹ chất lượng đề thi, nếu đề bị in nhòe, mất chữ, thiếu trang, cần báo cán bộ coi thi để được đổi đề thi ngay.
Làm bài cẩn thận, chú ý làm thật chắc những câu đơn giản, các câu mang tính chất “tặng điểm”, những câu khó thường nằm ở cuối đề, chỉ giải quyết khi đã làm xong các câu đầu.
Môn ngữ văn: Nếu có thay giấy, không nên nộp cho giám thị tờ giấy cũ, vì nếu có đổi ý thì có thể lấy lại tờ giấy cũ để nộp.
Sau khi thi, cần làm gì?
Sau khi thi, thầy Khương chia sẻ một cách hài hước, vui vẻ:
Đừng quá lo lắng, suy nghĩ nhiều về kết quả thi (suy nghĩ nhiều cũng không thể thay đổi kết quả thi) mà cũng đừng lo lắng hay suy nghĩ mình có là thủ khoa hay không?. "Que sera, sera - What will be, will be!"
Khi đã có điểm: Xem kỹ lại các phương án tuyển sinh của các trường ĐH yêu thích, lưu ý có thể là mình sẽ trúng tuyển vào trường đó với tổ hợp xét tuyển mới, khi đó cần thay đổi nguyện vọng xét tuyển.
Vấn đề căng não: Ghi nhớ hạn chót xác nhận các diện tuyển thẳng, đánh giá năng lực, học bạ... Đây là giai đoạn “căng não” khi các em đã trúng tuyển nhưng còn phân vân vì chưa đúng trường (ngành) mà mình yêu thích, trong khi điểm thi lại không đảm bảo chắc chắn. Do đó, các em cần tìm hiểu thật kỹ và nhờ các chuyên gia tư vấn".
Cuối bức thư, Hiệu phó Trường THPT Bùi Thị Xuân viết: "Chúc các em đạt kết quả cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT và trúng tuyển vào trường ĐH mà mình yêu thích.
Bình luận (0)