Vì sao một thập kỷ doanh thu công nghiệp game Việt Nam chỉ tăng 100 triệu USD?

06/11/2024 16:18 GMT+7

Ngành trò chơi điện tử trực tuyến (gọi chung là game) không chỉ là lĩnh vực kinh doanh tiềm năng mà còn là kênh giải trí, giáo dục có sức ảnh hưởng lớn đến giới trẻ và xã hội; nhưng đang đối mặt nhiều thách thức.

Ông Nguyễn Thanh Hòa, Trưởng phòng Thông tin - Điện tử, Sở TT-TT TP.HCM nêu nhận định trên tại hội nghị triển khai quy định pháp luật về hoạt động quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng internet tại TP.HCM ngày 6.11.

Thị trường game Việt nhiều “thăng trầm”

Ông Nguyễn Thanh Hòa cho biết với hơn 35.000 lập trình viên, dự kiến đến năm 2027, thị trường video game Việt Nam đạt doanh thu 920 triệu USD, mục tiêu đạt 1 tỉ USD năm 2030.

Các thể loại game phổ biến như mmorpg (game nhập vai trực tuyến), turn base (game dàn trận chiến thuật tấn công theo lượt), moba (game đấu trường trực tuyến)...

Ông Nguyễn Thanh Hòa thông tin doanh thu toàn ngành game Việt Nam năm 2022 khoảng 400 triệu USD, chỉ tăng 100 triệu USD so với 10 năm trước đây. Có thể nói, thị trường game Việt Nam thăng trầm.

Theo ông Nguyễn Thanh Hòa, sự thăng trầm này thể hiện ở số lượng công ty, chất lượng sản phẩm, khả năng cạnh tranh quốc tế và thu hút đầu tư nước ngoài. Nhiều doanh nghiệp nội địa phải "bán mình" cho công ty nước ngoài hoặc phá sản.

Ông Nguyễn Thanh Hòa nhận định nhiều người có cái nhìn không thiện cảm về ngành game, cho rằng thiếu lành mạnh, bạo lực, ảnh hưởng tiêu cực tới giới trẻ. Mặt khác, các nhà quản lý, nghiên cứu chính sách chưa quan tâm, đặt vị trí ưu tiên cho lĩnh vực công nghiệp văn hóa non trẻ này.

Vì sao một thập kỷ doanh thu công nghiệp game Việt Nam chỉ tăng 100 triệu USD?- Ảnh 1.

Ông Nguyễn Thanh Hòa nhận định nhiều người có cái nhìn không thiện cảm về ngành game

ẢNH: MỸ DIỆP

Cụ thể, các quy định hiện nay phần lớn liên quan đến cấp phép và quản lý trò chơi, chưa có chính sách chuyên biệt hỗ trợ; thậm chí, game online bị đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt.

Sở TT-TT TP.HCM cho biết đã tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách và hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm thúc đẩy doanh nghiệp game phát triển lành mạnh, góp phần phát triển kinh tế số; đấu tranh, ngăn chặn phát hành game vi phạm pháp luật, phối hợp Công an TP.HCM tăng cường kiểm soát, xử phạt.

Đồng thời, Sở TT-TT TP.HCM xây dựng chính sách hỗ trợ nghiên cứu, công tác đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho ngành game của thành phố; đẩy mạnh công tác truyền thông thay đổi định kiến, thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp game gắn với công nghiệp văn hóa.

Sẽ triển khai phần mềm quản lý và cẩm nang số thị trường game tại TP.HCM

Ông Nguyễn Ngọc Hồi, Phó giám đốc Sở TT-TT TP.HCM nhấn mạnh phải từng bước phát triển ngành game, hạn chế tiêu cực như lợi dụng trò chơi để cá cược, rửa tiền.

“Ngày xưa tôi cũng chơi game, vấn đề là chơi game gì để rèn luyện trí tuệ. Nhiều phụ huynh bất lực vì con cái nghiện game, đặt ra vấn đề quản lý trẻ em tham gia trò chơi điện tử”, ông Ngọc Hồi nhận định.

Do đó, ông Nguyễn Ngọc Hồi cho rằng phải có cơ chế đào tạo, phổ biến kiến thức cho học sinh để định hình thế giới game trong tư duy trẻ. Nếu người dân phát hiện game lậu, gợi dục, cá cược, cờ bạc... cần tố giác để ngăn chặn, xử lý và thay đổi nhận thức.

Ông Nguyễn Ngọc Hồi cho biết sắp tới có phần mềm quản lý, chỉ cần truy cập là theo dõi được lịch sử tất cả doanh nghiệp, các điểm trò chơi, các game. Hiện nay, các doanh nghiệp, điểm trò chơi bị xử phạt nếu không chủ động báo cáo những thay đổi. 

Đồng thời, Sở TT-TT TP.HCM tiến hành tổng hợp toàn bộ cơ chế chính sách, quy định thuộc lĩnh vực này, làm một cuốn cẩm nang số để người dân tiếp cận, tìm hiểu, tự tin thực hiện.

“Hiếm ai tự hào nói tôi đã phát hành hệ thống 10 game mà đa phần khoe có một chuỗi nhà hàng, khách sạn. Có thể thấy, game vẫn đang bị tiêu cực hóa. Nếu có chiến lược phù hợp, game có thể phục vụ giáo dục, rèn luyện kỹ năng, quảng bá, “không chỉ là để chơi”, ví dụ như làm game khám phá các địa danh TP.HCM, kể chuyện những dòng sông TP.HCM…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.