Đó là thương hiệu thời trang nam Catsa, do chị Nguyễn Thùy Linh Cát (34 tuổi, ngụ ở tỉnh Đắk Lắk) sáng lập. "Trình làng" vào năm 2011, sau 13 năm hoạt động, Catsa sẽ ngừng kinh doanh vào ngày 25.8 tới đây. Đáng chú ý, theo chia sẻ với PV Thanh Niên, chị Cát cho biết: "Suốt cả 13 năm, chưa bao giờ kinh doanh lỗ".
Thậm chí có thời gian, doanh thu của Catsa lên đến cả trăm tỉ đồng/năm, lãi ròng chiếm đến gần 20%. Doanh thu gần nhất của Catsa vào năm 2023 là gần 50 tỉ đồng.
Catsa cũng nhận nhiều "điểm cộng" của khách hàng và là thương hiệu thời trang nam được nhiều người ưa chuộng, có đến 22 cửa hàng trên toàn quốc. Riêng bản thân chị Cát là nhân vật truyền cảm hứng trong cộng đồng khởi nghiệp.
Chính vì thế, thông tin Catsa đóng cửa, ngừng kinh doanh khiến nhiều người quan tâm, tò mò, thắc mắc. Không ít người cảm thán khá tiếc nuối và cảm thấy buồn khi thương hiệu thời trang quen thuộc, chất lượng tốt, mẫu mã đa dạng… sẽ không còn trong thời gian ngắn nữa.
Phóng viên đặt câu hỏi: "Vì sao kinh doanh phát đạt nhưng đóng cửa Catsa?". Chị Cát chia sẻ: "Tôi luôn thích sống xanh. Thế nhưng trong suốt quá trình kinh doanh cùng thương hiệu Catsa, tôi đã không còn là chính mình. Việc kinh doanh thời trang nhanh dẫn đến nhiều hệ lụy cho môi trường. Tôi không thích như vậy nữa. Điều đó khiến tôi cảm thấy không còn vui và hạnh phúc. Thêm một lý do quan trọng, tôi muốn dành thời gian cho gia đình, cho con".
Chị Cát kể thêm để có thể đưa ra quyết định dừng lại đó là quãng thời gian rất khó khăn và phải đấu tranh tâm lý vô cùng "dữ dội". "Đang ăn nên làm ra mà lại quyết định đóng cửa thì đúng là quyết định khó hiểu. Rồi những nhân viên của mình sẽ ra sao? Khách hàng, đối tác… sẽ nói gì? Và có phải mình dừng lại là thất bại hay không?... Nhưng sau tất cả, tôi quyết định phải dừng lại", chị Cát tâm sự.
Chị Cát nói: "Đây không phải là quyết định một sớm một chiều. Chẳng phải muốn dừng là dừng ngay. Mà tôi phải mất cả một thời gian dài để nói chuyện với các đại lý, khách hàng, nhân viên, cũng như làm việc với chủ cho thuê mặt bằng. Chưa kể, tôi từng đầu tư rất nhiều tâm sức cho quy trình vận hành, đồ đạc kinh doanh… Thế nên, để đưa ra quyết định này thật sự rất khó khăn và buồn tiếc".
Tôi thắc mắc: "Liệu khi biết Catsa dừng hoạt động, có những đề nghị mua lại hay không?". Chị Cát chia sẻ: "Rất nhiều. Tuy nhiên tôi không bán lại. Bởi lẽ nếu người khác làm, thì "đứa con tinh thần" này vẫn tiếp tục theo xu hướng kinh doanh thời trang nhanh. Dù theo cách này hay cách khác thì sẽ tiếp tục xả rác thải thời trang nhanh ra môi trường, dẫn đến những mối nguy hại, tổn thất nặng nề mà cuộc sống người dân phải đối mặt. Đó là điều tôi không muốn. Dù nếu bán lại có thể nhận được một khoản tiền không nhỏ".
Nói về cả quãng thời gian 13 năm "dành cả thanh xuân" để chăm chút từng li từng tí cho Catsa, chị Cát bảo rằng "đó là sự trải nghiệm xứng đáng". "Bởi lẽ những năm nuôi nấng đứa con tinh thần này đã cho tôi nhiều bài học bổ ích, quý giá. Cho tôi cả tiền bạc. Cho tôi được nhiều thứ trong cuộc sống này, có được như ngày hôm nay. Nhưng tôi luôn thích sống xanh để góp phần giảm rác thải".
Chị Cát cũng tri ân nhiều khách hàng đã ủng hộ thương hiệu thời trang nam mà chị chính là "bà chủ", "mẹ đẻ" suốt thời gian 13 năm tồn tại.
Về định hướng trong thời gian tới, người sáng lập và điều hành Catsa cười và cho biết: "Tôi sẽ làm mẹ. Song song đó, tôi vẫn khởi nghiệp nhưng với hướng đi mới theo kiểu tối giản và sống xanh".
Bình luận (0)