Vì sao mùa mưa kéo dài ở Nam bộ?

24/11/2022 06:32 GMT+7

Năm nay mùa mưa kéo dài và lượng mưa trung bình cũng cao hơn nhiều năm. Đó là lý do chính vì sao đã cuối tháng 11 mà những ngày qua TP.HCM và các tỉnh Nam bộ thường xuyên mưa to.

Mưa nhiều do La Nina

Những ngày qua ở TP.HCM và nhiều tỉnh Nam bộ luôn trong tình trạng trời nhiều mây và những cơn mưa gần như có thể đổ xuống bất cứ lúc nào dù là buổi sáng, trưa hay chiều tối. Đặc biệt trong chiều tối 22 - 23.11, mưa lớn vào giờ tan tầm kết hợp triều cường gây ngập nặng nhiều vùng trũng thấp đã ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt của người dân.

Sông Mê Kông: Lũ rút, thủy điện vào mùa xả nước

Theo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, ngày 22.11, lượng mưa đo được tại nhiều địa phương ở TP.HCM đạt mức cao đến khá cao. Cụ thể, tại Thủ Đức 71,2 mm, Bình Chánh 66,2 mm, Củ Chi 60,6 mm và Hóc Môn 46 mm. Ở một số tỉnh, lượng mưa ghi nhận rất cao như: Dĩ An (Bình Dương) lên tới 117,6 mm, Cái Bè (Tiền Giang) 114,8 mm, TP.Bến Tre 81,2 mm…

Th.S Lê Thị Xuân Lan, chuyên gia khí tượng thủy văn, thông tin: Thời điểm này đang vào cuối mùa mưa. Tuy nhiên năm nay mùa mưa kết thúc có chậm hơn trung bình nhiều năm (TBNN). Nguyên nhân là do vẫn đang trong trạng thái La Nina - mưa nhiều. Trạng thái này sẽ kéo dài đến tháng 2 năm sau và bước sang tháng 3 mới về trung tính.

Người dân TP.HCM và các tỉnh Nam bộ đối mặt với tình trạng mưa to kết hợp triều cường cao trong những ngày cuối tháng 11

Diệu Mi

Cụ thể hơn, về hình thái thời tiết mưa nhiều và mưa to mấy ngày gần đây là do vùng áp thấp ở khu vực phía nam Biển Đông di chuyển về hướng tây, đi ngang khu vực Nam bộ về hướng Campuchia. Đó là lý do chính gây mưa lớn trên diện rộng ở Nam bộ gần đây. Bên cạnh đó còn có sự kết hợp của rãnh thấp xích đạo vẫn đang vắt ngang các tỉnh thành phía nam và ảnh hưởng của không khí lạnh.

“Vùng áp thấp đã đi về phía Campuchia nên lượng mưa ở các tỉnh thành Nam bộ cũng giảm dần từ ngày 24.11 và mùa mưa dần kết thúc trong tháng 11. Bước qua tháng 12 vẫn có mưa nhưng chỉ là những đợt mưa trái mùa kéo dài một vài ngày”, chuyên gia Lê Thị Xuân Lan cho biết.

Tuy nhiên, một thông tin cần lưu ý là hiện có một số cơ quan khí tượng của quốc tế dự báo trên vùng biển phía tây Thái Bình Dương có khả năng hình thành một cơn bão, vượt qua Philippines vào Biển Đông trong những ngày đầu tháng 12. Cơn bão này hình thành hay không thì vẫn phải đợi thêm vài ngày nữa mới biết chính xác.

ĐBSCL đối mặt triều cường cao, không lo hạn mặn

Đề cập đến tình hình thủy văn trong mùa khô ở Nam bộ sắp tới, Th.S Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia về sinh thái học ĐBSCL, nhận định: Hiện tượng La Nina có khả năng cao (76%) sẽ kéo dài đến tháng 2 năm sau. Điều này làm cho mưa vẫn còn xuất hiện đến tận cuối năm nay và kéo dài sang một vài tháng đầu năm 2023. Mưa nhiều và kéo dài cùng với các đập thủy điện ở thượng nguồn sông Mê Kông đang tích một lượng lớn nước từ 70 - 80% dung tích hồ chứa. Họ sẽ xả nước để phát điện trong mùa khô. Đây là hai yếu tố quan trọng để có thể dự báo rằng mùa khô hạn năm 2023 sẽ không có rủi ro cao về xâm nhập mặn vùng ven biển.

Theo Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam, mực nước vùng đầu nguồn sông Cửu Long đang xuống thấp. Mực nước cao nhất ngày 21.11 tại Tân Châu đạt 2,11 m, thấp hơn TBNN 38 cm. Mực nước tại Châu Đốc đạt 2,1 m, thấp hơn TBNN 23 cm. Ngược với vùng đầu nguồn, vùng giữa và vùng ven biển ở ĐBSCL từ nay đến cuối năm còn phải đối mặt với tình trạng triều cường cao vượt mức báo động (BĐ) 3. Khu vực ven Biển Đông, đỉnh triều dự báo cao nhất năm 2022 vào tháng 11, tại Trần Đề (Sóc Trăng) đạt 2,41 m vượt BĐ 3 là 11 cm. Đáng chú ý, dự báo ở trên mới chỉ xét trong điều kiện bình thường của thời tiết. Nếu trong điều kiện gió mạnh, mực nước tại trạm ven Biển Đông, đặc biệt là trạm Trần Đề có thể gia tăng thêm từ 5 - 20 cm. Trên khu vực biển Tây, đỉnh triều dự báo cao nhất năm 2022 tại Sông Đốc (Cà Mau) đạt 1,25 m vào ngày 25.12 vượt BĐ 3 là 30 m.

Đối với đợt triều cường cuối tháng 11, dự báo đỉnh triều sẽ xảy ra vào ngày 25 - 26, mực nước tại Cần Thơ đạt 2,05 - 2,1 m cao hơn BĐ 3 từ 0,5 - 10 cm. Tại trạm Mỹ Thuận đạt khoảng 2 - 2,05 m cao hơn BĐ 3 từ 20 - 25 cm. Tình trạng ngập do triều cường cao có thể xảy ra ở mức cao trên những khu vực có địa hình thấp thuộc các tỉnh thành gồm: Cần Thơ, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Hậu Giang, Bến Tre, Tiền Giang và vùng ven biển các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau. Còn khu vực ven biển Tây, triều cường được nhận định ở mức cao hơn BĐ 3 từ 12 - 22 cm, nên nguy cơ ngập do triều xảy ra trên những vùng có địa hình thấp ở 2 tỉnh Cà Mau và Kiên Giang.

Tại TP.HCM, theo dự báo của Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, triều cường trên hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai cũng đang lên nhanh. Đỉnh triều đợt này xuất hiện từ ngày 25 - 26.11, tại trạm Phú An (TP.Thủ Đức) và trạm Nhà Bè đều vượt BĐ 3 từ 0,5 - 10 cm. Triều cường sẽ gây ngập nhiều nơi trũng thấp.

Tổng lượng mưa cao, thời tiết nguy hiểm

Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết: Giai đoạn từ ngày 21.11 - 20.12, tổng lượng mưa có xu hướng cao hơn so với TBNN trên phạm vi cả nước. Tại khu vực phía Tây Bắc bộ tổng lượng mưa cao hơn từ 10 - 30 mm, riêng khu vực phía Đông Bắc bộ cao hơn từ 30 - 50 mm. Các tỉnh Bắc Trung bộ và Nam bộ có tổng lượng mưa cao hơn từ 50 - 100 mm. Các khu vực còn lại bao gồm Trung Trung bộ, Nam Trung bộ và Tây nguyên có tổng lượng mưa cao hơn từ 100 - 150 mm.

Đặc biệt trong thời kỳ dự báo nêu trên có khả năng xuất hiện khoảng 1 - 2 xoáy thuận nhiệt đới trên khu vực Biển Đông, tập trung chủ yếu trong giai đoạn cuối tháng 11, đầu tháng 12; có thể ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền khu vực phía nam nước ta. Sang tháng 12, không khí lạnh có xu hướng hoạt động mạnh hơn, gia tăng về cường độ và tần suất.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.