Vì sao Mỹ bắn hạ máy bay chở khách của Iran?

06/07/2018 19:00 GMT+7

Ngày 3.7.1988, tuần dương hạm Vincennes của Hải quân Mỹ bắn rơi máy bay Airbus A300B2 của Iran bằng tên lửa phòng không, khiến 306 người thiệt mạng. Đây là một trong những thảm họa lớn nhất trong lịch sử hàng không thế giới.

Hai quả tên lửa định mệnh
Vào ngày hôm đó, chiếc máy bay của hãng hàng không Iran Air thực hiện chuyến bay 655 từ Tehran tới Dubai và có điểm tạm dừng tại sân bay ở thành phố Bandar Abbas, nơi cũng có máy bay quân sự của Iran. Chiếc Airbus trên được trang bị bộ phát sóng dân sự, bay trên một tuyến đường tiêu chuẩn trong hành lang hàng không quốc tế. Thông thường, thời gian bay bên trên Vịnh Ba Tư là khoảng 30 phút.
Hai tên lửa phòng không của tàu tuần dương Vincennes đã bắn trúng chiếc máy bay này ở độ cao 4.000 m khiến nó vỡ tan ngay tức khắc. Không một ai có mặt trên máy bay sống sót. Theo báo cáo của chính phủ Mỹ, thủy thủ đoàn đã nhầm lẫn, tưởng rằng chiếc Airbus dân sự này là máy bay tiêm kích F-14 Tomcat của không quân Iran đang có ý định tấn công con tàu.
Về sau, các thủy thủ giải thích rằng sở dĩ họ phải ra tay là vì chiếc máy bay này đã không phản ứng gì trước yêu cầu lặp đi lặp lại của Mỹ về việc cần phải đổi hướng bay. Nhưng thực tế thì việc họ đã cố gắng liên lạc với phi hành đoàn của một chiếc máy bay dân sự trên một tần số vô tuyến quân sự không quen thuộc là hành động vô ích.
Hành động đe dọa?

Máy bay chở khách của Iran bị Mỹ bắn hạ Chụp màn hình RIA

Trên thực tế, Iran và Mỹ vào thời điểm đó đang trên bờ vực chiến tranh. Tình hình trong khu vực rất căng thẳng, tàu chiến của hải quân Mỹ luôn đặt trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu. Trong những tháng cuối của cuộc xung đột Iran-Iraq, Mỹ đã nhiều lần tấn công các tàu quân sự và dân sự của Iran, phá hủy nhiều giàn khoan dầu của nước này.

Theo phân tích của giới quan sát quốc tế, người Mỹ lúc đó cố tình “dằn mặt” Tehran và muốn chứng minh cho Iran thấy rằng họ sẽ bắn hạ bất kỳ chiếc máy bay nào của nước này, kể cả máy bay dân sự, nếu  thấy là một mối đe dọa cho tàu bè của họ. Đó là một yếu tố gây áp lực rất lớn lên Tehran.
Sau thảm họa này, cả thế giới lo ngại sẽ có một cuộc xung đột quy mô lớn giữa Iran và Mỹ. Tuy nhiên, sự kiện này chỉ khiến cho phía Iran đưa ra quyết định… chấm dứt chiến tranh với Iraq. Tehran không thể chiến đấu cùng lúc trên hai mặt trận, vì như vậy sẽ là tự sát, theo nhận xét của giới quan sát.
Vụ bắn hạ máy bay chở khách trên Vịnh Ba Tư được coi là một trong những trang đẫm máu nhất trong cuộc xung đột Iran-Iraq. Vào thời điểm đó, cuộc đối đầu đã kéo dài 8 năm, tổn thất đã lên đến hàng trăm ngàn sinh mạng ở mỗi bên. Iran và Iraq lần lượt xâm chiếm lãnh thổ của nhau, sử dụng vũ khí hóa học, liên tục tiến hành các cuộc tấn công tên lửa.
Tuần dương hạm mang tên lửa Vincennes là thành viên của một nhóm tàu chiến Mỹ thực hiện nhiệm vụ bảo vệ các đoàn tàu thương mại và tàu chở dầu trước khả năng có thể bị Hải quân Iran tấn công. Lúc bấy giờ Mỹ hậu thuẫn Iraq và đã cử tàu chiến đến vùng Vịnh Ba Tư vào giữa năm 1988.
Tuần dương hạm Vincennes bắt đầu phục vụ trong hạm đội từ năm 1985. Tàu này mang tên lửa hành trình Tomahawk, có hỏa lực pháo và ngư lôi rất mạnh, đồng thời có cả tên lửa điều khiển chống máy bay SM-2MR. Tàu được trang bị hệ thống chiến đấu hiện đại Aegis.
Không dễ sai lầm

Người nhà nạn nhân đau xót sau thảm họa hàng không AFP

Tất nhiên không thể loại trừ những sai sót trong hành động của bộ phận phòng không trên con tàu Mỹ, vì tình hình ở Vịnh Ba Tư lúc đó vô cùng căng thẳng. Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết, một nhân viên điều hành radar có kinh nghiệm sẽ dễ dàng xác định chủng loại máy bay mà radar phát hiện, ngay cả khi không có thông tin đầy đủ về nó.

Rất khó tránh khỏi sai lầm, đặc biệt là ở những nơi đang xảy ra chiến sự. Nhưng việc nhận nhầm một máy bay chở khách thành máy bay chiến đấu thì quả thật khó tin. Các chuyên gia quân sự trong lĩnh vực phòng không cho đến nay vẫn thắc mắc về một chi tiết quan trọng trong tình huống này - dựa trên những dữ liệu nào mà các quân nhân Mỹ trên tàu quyết định bắn hạ chiếc máy bay này?
Về nguyên tắc, khi radar phát hiện mục tiêu, ngay lập tức nhân viên phụ trách radar nhận được những thông tin kèm theo và một nhân viên có kinh nghiệm có thể nhanh chóng xác định chủng loại đối tượng máy bay; trong trường hợp đang xét thì căn cứ độ cao và tốc độ di chuyển của nó chắc chắn đảm bảo rằng nó không phải là máy bay chiến đấu mà chỉ là máy bay hành khách đang di chuyển trên tuyến đường lập sẵn.
Nếu thông tin được gửi đến người chỉ huy bộ phận radar dưới dạng thông tin thứ cấp là biểu mẫu thì dữ liệu phải được phản ánh trong các hình và biểu tượng. "Đây là một thiếu sót rõ ràng của các cấp chỉ huy radar Mỹ, có thể là do thiếu năng lực, thiếu sự chuẩn bị các phép tính cần thiết. Họ đã không sử dụng tất cả các khả năng hiện có trong tay để xác định chủng loại máy bay" – đại tá Khodarenok, một chuyên gia radar của Nga nhận xét.
Ông Khodarenok nói thêm trong thời bình, ở những khu vực có các hoạt động nhộn nhịp của hàng không dân sự, hệ thống tên lửa phòng không có xu hướng không bắn vào máy bay nghi là đột nhập chỉ dựa trên cơ sở dữ liệu radar. Đầu tiên, một máy bay chiến đấu sẽ cất cánh, bay đến gần đối tượng khả nghi để tiếp xúc trực quan trên không. Phi công sẽ liên lạc với chiếc máy bay lạ này ở tần số quốc tế, thiết lập một cuộc điện đàm vô tuyến và hỏi về ý định của đối tượng. Ở trường hợp chiếc máy bay hành khách của Iran, người Mỹ đã không thực hiện bước này, mặc dù họ có tất cả các phương tiện cần thiết.
Bắn nhầm vẫn được… thưởng
Cho đến nay, Chính phủ Mỹ vẫn không thừa nhận bất kỳ hành vi vi phạm nào của thủy thủ đoàn trên tàu tuần dương Vincennes. Không một thủy thủ nào phải chịu trách nhiệm về việc chiếc máy bay chở khách bị bắn hạ. Thậm chí thủy thủ đoàn của tàu này còn được thưởng “vì đã thi hành chuẩn xác nhiệm vụ chiến đấu”.
Nhà Trắng có bày tỏ lời chia buồn liên quan đến thảm họa, nhưng Tổng thống Mỹ Ronald Reagan khi đó gọi vụ bắn rơi máy bay khiến hơn 300 người vô tội thiệt mạng là "hành động phòng thủ cần thiết".
Sau đó, vào năm 1996, người Mỹ đã đồng ý chi trả cho các gia đình những hành khách tử nạn khoảng 62 triệu USD như là một phần của thỏa thuận với Iran để nước này rút đơn kiện Chính phủ Mỹ ở Tòa án Tư pháp Quốc tế.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.