Vì sao Mỹ chi đậm 500 triệu USD cho Nepal?

05/01/2022 21:30 GMT+7

Chính phủ Mỹ muốn cấp 500 triệu USD cho các dự án cơ sở hạ tầng ở Nepal, nhưng những người nghi ngờ xem thỏa thuận viện trợ là nỗ lực của Washington đối phó sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc .

Vừa qua, tờ South China Morning Post (SCMP) đăng bài phân tích cho thấy Thủ tướng Nepal Sher Bahadur Deuba đang gặp khó khăn trong việc thuyết phục quốc hội phê chuẩn thỏa thuận viện trợ 500 triệu USD đã được ký với cơ quan viện trợ nước ngoài MCC của chính phủ Mỹ cách đây hơn 4 năm. Đó là thỏa thuận đầu tiên của MCC ở Nam Á, nhằm đẩy mạnh ngành năng lượng, cải thiện kết nối năng lượng khu vực và kiểm soát chi phí vận tải để khuyến khích tăng trưởng và đầu tư tư nhân, theo thông báo được đăng trên website của MCC.

“Các đảng chia rẽ sâu sắc”

Thỏa thuận viện trợ nói trên được ký vào ngày 14.9.2017, chỉ vài tháng trước khi Kathmandu tham gia sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc, nhưng cho đến nay vẫn chưa được quốc hội Nepal thông qua. Trong quốc hội Nepal có 271 nghị sĩ hiện nay, chỉ có 61 nghị sĩ thuộc đảng Quốc đại Nepal của Thủ tướng Deuba và 13 thành viên thuộc đảng Xã hội Dân chủ có thể được cho là ủng hộ thỏa thuận với MCC. Nhiều nhà lập pháp Nepal được xem là người ủng hộ đã im lặng và những người lên tiếng ủng hộ thỉnh thoảng bị cho là “phản quốc”, theo SCMP.

Lễ ký kết thỏa thuận cấp 500 triệu USD cho Nepal tại Washington D.C ngày 14.9.2017

MCC

Cuộc tranh cãi dai dẳng về việc chấp nhận thỏa thuận viện trợ đã khắc sâu tình trạng chia rẽ chính trị ở Nepal và làm dấy lên nghi ngờ về khả năng tồn tại của liên minh do Thủ tướng Deuba dẫn đầu. Ông Deuba (76 tuổi) được Tòa án Tối cao Nepal phê chuẩn làm thủ tướng hồi tháng 7.2021 trong nỗ lực kết thúc nhiều tháng bất ổn chính trị. “Toàn bộ vấn đề này (về thỏa thuận viện trợ) đã bị chính trị hóa quá mức. Các đảng chia rẽ sâu sắc”, ông Lok Raj Baral, chủ tịch Trung tâm Nepal về nghiên cứu đương đại, nhận định.

Trước tình trạng như trên, Thủ tướng Deuba đang cố gắng thuyết phục các đối tác liên minh ủng hộ thỏa thuận viện trợ với Mỹ, khẳng định với họ hồi tháng 12.2021: “Thỏa thuận này cần thiết cho sự phát triển của Nepal. Không có gì trong thỏa thuận đi ngược lại với lợi ích quốc gia”. Ông Deuba, được cho là hướng về phương Tây, cũng đã hứa với phía Mỹ là ông sẽ nỗ lực làm cho thỏa thuận viện trợ được thông qua sớm.

Thủ tướng Nepal Sher Bahadur Deuba

AFP

Tuy Mỹ không thông báo thời hạn cuối cho quốc hội Nepal phê duyệt thỏa thuận viện trợ với MCC, nhưng có dấu hiệu cho thấy thời gian không còn nhiều. Trợ lý ngoại trưởng Mỹ chuyên trách khu vực Nam và Trung Á Donald Lu hồi tháng 11.2021 nhấn mạnh: “Đây là một dự án lớn mà Nepal sẽ có thể tạo ra 143 triệu USD mỗi năm sau khi được thực hiện. Đó sẽ là một cơ hội lớn”, bà Lu nói. Mặt khác, bà Lu nhấn mạnh đó là “quyết định chủ quyền” của Nepal và “nếu Nepal không nhận viện trợ, chúng tôi sẽ dùng số tiền đó ở nước khác".

Trong chuyến thăm Nepal hồi tháng 9.2021, Phó chủ tịch MCC Fatema Sumar khẳng định thỏa thuận viện trợ không có điều kiện kèm theo và chỉ hướng tới phát triển. Bà Sumar còn nhấn mạnh thỏa thuận sẽ tạo ra hàng ngàn việc làm vào thời điểm đại dịch Covid-19 tàn phá nền kinh tế Nepal. Tuy nhiên, chuyến thăm đó của bà Sumar không xoa dịu được phe phản đối. Họ cho rằng thỏa thuận viện trợ với MCC có thể dẫn tới tình trạng binh sĩ Mỹ đặt chân trên lãnh thổ của Nepal, trong khi khẳng định sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc chỉ hướng tới cơ sở hạ tầng.

Thông điệp từ Trung Quốc

Bộ phận phản đối mạnh nhất thỏa thuận viện trợ với MCC đến từ đảng Cộng sản Nepal (CPN Maoist), được cho là có truyền thống thân Bắc Kinh, và một số đảng khác trong chính quyền liên minh của Thủ tướng Deuba. Họ lập luận việc nhận viện trợ có thể kéo Nepal vào quỹ đạo an ninh của Mỹ chống Trung Quốc và làm suy yếu chủ quyền quốc gia. Chủ tịch quốc hội Nepal Agni Prasad Sapkota, thuộc CPN Maoist và được truyền thông nước này mô tả là gần gũi với Bắc Kinh, cũng đã tuyên bố thỏa thuận sẽ không đi xa dưới sự giám sát của ông, theo SCMP.

Chuyên gia Baral cho rằng kể từ khi Kathmandu tham gia sáng kiến Vành đai và Con đường, Bắc Kinh ngày càng tìm cách tác động đến việc đưa ra quyết sách ở Nepal. “Chắc chắn Trung Quốc không muốn MCC có tiến triển (ở Nepal). Nước này đã truyền đạt thông điệp như thế cho giới lãnh đạo chính trị cấp cao”, một quan chức chính phủ Nepal tiết lộ với báo Nepali Times.

Trẻ em Nepal mặc đồ truyền thống chào tạm biệt Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sau khi ông kết thúc chuyến thăm 2 ngày vào năm 2019

Chụp Màn Hình SCMP

Trong nhiều tuần gần đây, giới chức Trung Quốc đã có hàng loạt cuộc gặp trực tiếp và trực tuyến với giới lãnh đạo chính trị Nepal, trong đó có chủ tịch CPN Maoist Pushpa Kamal Dahal, theo SCMP dẫn lại thông tin từ báo chí Nepal. Ông Dahal nằm trong liên minh của Thủ tướng Deuba, nhưng cực lực phản đối thỏa thuận viện trợ với MCC. Truyền thông Nepal còn đưa tin giới chức Trung Quốc đã nói chuyện với cựu Thủ tướng Nepal KP Sharma Oli. Ông này từng ủng hộ thỏa thuận với MCC khi còn tại nhiệm, nhưng kể từ khi bị Thủ tướng Deuba thay thế hồi tháng 7.2021, thì không hứa hẹn gì cả.

Trung Quốc đã gửi thông điệp là sẽ không ngồi yên nếu các hoạt động phát triển ở Nepal làm tổn hại các lợi ích của họ ở đây. Trung Quốc quan ngại về MCC ngay từ đầu và có nghi ngờ về cơ quan này”, cựu Đại sứ Nepal ở Bắc Kinh Mahendra Bahadur Pandey nói với Nepali Times.

Trong khi đó, những người ủng hộ cảnh báo rằng việc từ chối thỏa thuận viện trợ với MCC có thể gây ra rủi ro cho các dòng chảy đầu tư và viện trợ khác không chỉ từ Mỹ mà còn từ các quốc gia khác và các tổ chức đa phương, theo SCMP. Họ còn lưu ý vấn đề Nepal tham gia sáng kiến Vành đai và Con đường chưa bao giờ bị soi kỹ như thỏa thuận với MCC.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.