Vì sao Mỹ dừng phát triển súng điện từ nhưng Trung Quốc vẫn tiếp tục?

15/02/2022 19:45 GMT+7

Trung Quốc được cho là đang đẩy mạnh các cuộc thử nghiệm súng điện từ lên mức chưa có tiền lệ, trong khi Mỹ đã dừng chương trình phát triển loại vũ khí này sau nhiều thập niên nghiên cứu.

Súng điện từ có thể bắn ra một đầu đạn với vận tốc gấp 7 lần vận tốc âm thanh, hơn 8.600 km/giờ, và bắn trúng mục tiêu ở cách xa hơn 200 km, gấp hơn 10 lần tầm bắn của những loại pháo phổ thông. Tuy nhiên, công nghệ chế tạo súng điện từ gặp thách thức lớn là tình trạng đầu đạn di chuyển nhanh và dòng điện cao thế có thể gây ra sự hao mòn không thể khắc phục được trên đường ray, dẫn tới giảm tuổi thọ và độ chính xác của loại vũ khí tương lai này, theo tờ South China Morning Post (SCMP) ngày 11.2.

Mỹ quyết định bỏ cuộc

Mỹ từng dẫn đầu trong công nghệ phát triển súng điện từ. Lầu Năm Góc bắt đầu thực hiện chương trình phát triển súng điện từ vào năm 1978 để đối phó Liên Xô, theo SCMP. Sau nhiều thập niên nghiên cứu và hơn 1.000 cuộc thử nghiệm, các nhà nghiên cứu Mỹ đã đạt được những đột phá về công nghệ và kỹ thuật giúp gia tăng tầm bắn hiệu quả của súng điện từ lên tới hơn 185 km và đầu đạn bay với vận tốc gấp 7 lần vận tốc âm thanh.

Tuy nhiên, tầm bắn này vẫn chưa đủ xa để có thể đưa các tàu chiến Mỹ ra khỏi tầm hỏa lực của đối phương, đặc biệt khi đối phó với một đối thủ có công nghệ tên lửa tiên tiến như Trung Quốc, theo Lầu Năm Góc.

Một mẫu súng điện từ trên tàu hải quân Mỹ, trong ảnh được báo Defense News đăng vào tháng 2.2018

DeFENSE NEWS

Vào tháng 7.2021, Bộ Quốc phòng Mỹ bất ngờ tuyên bố bộ này đã quyết định dừng chương trình súng điện từ để dành nguồn lực cho việc phát triển vũ khí bội siêu thanh. Ngoài hạn chế tài chính, lý do chính Lầu Năm Góc từ bỏ chương trình phát triển súng điện từ là cần phải bỏ nòng súng sau khi bắn được 20 phát do hao mòn và thiệt hại khác, theo SCMP dẫn lời một nhà phân tích quốc phòng Mỹ.

Trung Quốc tìm ra giải pháp?

Nhà nghiên cứu Vương Hiếu Hòa thuộc Trung tâm thử nghiệm quân nhu Hoa Âm ở tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc, mới đây tiết lộ các nhà nghiên cứu nước này đã học hỏi được nhiều từ nghiên cứu súng điện từ ở Mỹ và một số nước khác, theo SCMP. Trong những năm gần đây, họ đã tìm ra một số giải pháp khả dĩ để vượt qua những thách thức trong việc chế tạo súng điện từ. Chẳng hạn, họ đã dùng kim loại lỏng cho đường ray để giảm sự hao mòn.

Tuy nhiên, Trung tâm thử nghiệm quân nhu Hoa Âm, cơ sở thử nghiệm quân sự hàng đầu của Trung Quốc và cấp giấy chứng nhận cho việc phát triển vũ khí mới, đòi hỏi súng điện từ cần vượt qua nhiều cuộc thử nghiệm để chứng minh giá trị tiềm năng của loại vũ khí mới này trong chiến tranh tương lai. Theo đó, các nhà nghiên cứu Trung Quốc dự đoán mức độ và quy mô của các cuộc thử nghiệm súng điện từ ở nước này trong thời gian tới sẽ vượt xa bất kỳ cuộc thử nghiệm tương tự trước đây.

Hình ảnh được cho là súng điện từ trên tàu đổ bộ Hải Dương Sơn của Trung Quốc

TWITTER

Trung Quốc lần đầu tiên cho súng điện từ được gắn trên chiến hạm khai hỏa vào năm 2018. Trong cuộc thử nghiệm khi đó, súng điện từ bắn ra một đầu đạn nặng 25 kg với vận tốc 7,3 Mach (hơn 9.000 km/giờ) và bắn trúng mục tiêu cách xa 250 km, theo SCMP dẫn một nghiên cứu được đăng trên chuyên san Air and Space Defence hồi năm ngoái. Quân đội Trung Quốc cũng đã thử nghiệm súng điện từ được gắn trên một xe quân sự.

Cũng theo nghiên cứu trên, các cuộc thử nghiệm cho thấy Trung Quốc đã đạt được những đột phá quan trọng trong việc phát triển súng điện từ và các nhà nghiên cứu của nước này đang phát triển những loại tên lửa bội siêu thanh có thể được phóng từ súng điện từ. Hải quân Trung Quốc cho rằng súng điện từ có thể hỗ trợ bảo vệ bờ biển nhờ tầm bắn vô song của loại vũ khí này.

Ngoài Trung Quốc, một số nước khác cũng đang đầu tư vào công nghệ súng điện từ. Nhật Bản hồi tháng trước tuyên bố sẽ chi 56 triệu USD trong năm nay cho việc phát triển một loại súng điện từ có thể bắn hạ tên lửa bội siêu thanh, theo SCMP.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.