S-400 có thể bắn sâu vô Thổ Nhĩ Kỳ hay bắn rơi bất kỳ máy bay nào của Mỹ và đồng minh ở Syria. Vì sao chỉ nhắc tới Mỹ, Thổ và đồng minh? Vì IS hay phiến quân Syria chẳng có đến nửa chiếc máy bay!
S-400 là thệ thống phòng không tối tân nhất của Nga - Ảnh: AFP |
"Vô cùng lo ngại"
Hãng tin AFP ngày 25.11 dẫn lời một quan chức giấu tên của Mỹ cho biết việc Nga triển khai S-400, hệ thống tên lửa tối tân nhất của Nga, đến căn cứ Latakia (Syria) khiến cho quân đội Mỹ "vô cùng lo ngại".
"Đó là hệ thống vũ khí đe dọa nghiêm trọng đến bất kỳ ai. Chúng tôi đặc biệt lo ngại cho chiến dịch trên không ở Syria."
Kể từ tháng 8.2015, Mỹ đã chỉ đạo các đồng minh thực hiện hơn 8.000 chuyến bay dội bom xuống các mục tiêu mà Mỹ tuyên bố là của IS ở Syria và Iraq.
Máy bay Nga cũng dội bom xuống Syria nhưng bay ở những khu vực không trùng lắp với Mỹ và đồng minh. Mục tiêu cũng rất khác theo như tố cáo của phương Tây: Nga chẳng tập trung vào IS mà chỉ chăm chăm củng cố quyền lực cho Tổng thống Bashar al-Assad, thế nên tấn công cả những thành phần "nổi dậy ôn hòa" (theo cách gọi của Mỹ) được Mỹ chống lưng.
Mặc dù Nga - Mỹ đã thỏa thuận xong về quy chế tránh va chạm trên không để phi công 2 bên biết đường mà "né" nhau, nhưng việc đưa S-400 đến Syria không thể không khiến Lầu Năm Góc sôi ruột sôi gan.
S-400 có tầm bắn 400 km, có thể từ căn cứ Latakia ở tây bắc Syria mà bắn sâu vô lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ - nước vừa bắn hạ chiếc Su-24 của Nga - cũng như bắn rơi bất kỳ máy bay nào của Mỹ hay đồng minh trên bầu trời Syria.
Nhắc tới chuyện Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi chiến đấu cơ của Nga, liệu đây có phải là lý do khiến Tổng thống Nga Vladimir Putin quyết định triển khai hệ thống phòng không ở Syria? Hãy nhớ lại một chút. Từ hồi đầu tháng này, khi Thổ Nhĩ Kỳ chưa làm gì máy bay Nga, giới chức quân sự Nga đã tiết lộ việc triển khai các tên lửa, hệ thống phòng không hiện đại ở Syria, bao gồm Pantsir và Buk.
Ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy chiến đấu cơ và trực thăng Nga tại một căn cứ quân sự của chính phủ Syria tại Latakia
- Ảnh: AFP |
Trong bối cảnh nhóm khủng bố IS hay liên minh chống Tổng thống Assad lỏng lẻo ở Syria chẳng có đến nửa cái máy bay để có thể hân hạnh lọt vào hệ thống phòng không của Nga, người ta không thể không đặt dấu chấm hỏi Nga muốn nhắm tới ai.
Nga sợ không tặc chiến đấu cơ?
Hiện trên bầu trời Syria, loại máy bay chiến đấu duy nhất không phải của Nga hay đồng minh Syria chỉ có thể là máy bay của Mỹ và đồng minh Mỹ.
Tư lệnh không quân Nga Viktor Bondarev từng giải thích với báo Nga Komsomolskaya Pravda về viễn cảnh Nga cần dùng tới hệ thống phòng không tinh vi của mình: "Hãy cứ tưởng tượng về viễn cảnh một chiến đấu cơ bị không tặc chiếm, bay đến một nước láng giềng và không kích chúng ta. Chúng ta phải sẵn sàng cho tình huống đó."
Không cần động não gì nhiều, ai cũng thấy tất cả những chi tiết trong bức tranh mà tư lệnh Bondarev vẽ ra đều rất khó trở thành hiện thực. Đầu tiên, phải có ai đó đủ năng lực lái máy bay chiến đấu công nghệ cao đánh cắp được hoặc chiếm được một chiếc. Tiếp theo, kẻ đó phải được chính phủ một nước láng giềng của Syria cho phép bay vào, dùng nước đó làm căn cứ để tấn công Nga. Và kẻ cắp tài ba đó sẽ phải lái chiến đấu cơ bay xuyên qua bầu trời Syria, vốn liên tục được không quân Nga và Syria tuần tra, rồi chọn mục tiêu Nga mà tấn công.
Cuộc chạy đua không thấy đích
Lời giải thích của ông Bondarev xem ra không thuyết phục mấy. Nhưng có một giải thích khác dễ lọt lỗ tai hơn.
Chiến đấu cơ Su-30 và Su-35 của Nga trong một cuộc trình diễn tại Moscow - Ảnh: AFP
|
Tuyên bố triển khai hệ thống phòng không đến Syria của Nga được đưa ra ngay sau khi Mỹ tiết lộ đưa hơn một chục chiến đấu cơ F-15C đến khu vực. Mà F-15C là cỗ máy được thiết kế để chiến đấu không đối không. Xin được nhắc lại lần nữa, IS - lực lượng mà Mỹ công bố là mục tiêu tấn công số 1 ở Syria - không hề có cái máy bay nào hay thứ gì tương tự mà "đối không" với F-15C của Mỹ.
Động thái triển khai F-15C của Mỹ một lần nữa lại là câu trả lời cho một tiết lộ trước đó của Nga: đưa thêm một loạt chiến đấu cơ Su-30 đến Syria. Và chắc chắn, Su-30 cũng là loại máy bay có thế mạnh không đối không!
Trong bối cảnh như thế, việc Nga triển khai Pantsir, Buk và bây giờ là S-400 chỉ là nước cờ tiếp theo giữa cuộc chạy đua vũ trang chưa thấy điểm dừng ở Trung Đông, một cuộc chạy đua chẳng dính dáng gì tới IS.
Đó là cuộc chạy đua để Mỹ và Nga bảo vệ bản thân trong cuộc đối đầu với nhau.
Bình luận (0)