Vì sao ngành xe điện Trung Quốc bất ngờ giỏi hơn cả Đức, Nhật?

23/12/2018 15:34 GMT+7

Trung Quốc chưa từng giỏi trong ngành ô tô. Song đó là trước khi xe điện xuất hiện.

Sau khi cuộc Cách mạng Văn hóa thập niên 1960 và 1970 làm tê liệt kinh tế Trung Quốc, quốc gia Đông Á bắt đầu mở cửa thị trường ra thế giới bên ngoài. Mục đích của động thái này là đưa bí quyết công nghệ ngoại quốc vào để giới doanh nghiệp nội học và “đồng hóa”.
Đến đầu thập niên 1980, các nhà sản xuất ô tô ngoại được phép bước vào với điều kiện phải thành lập liên doanh với một đối tác Trung Quốc. Các hãng Trung Quốc cuối cùng có đủ kiến thức để hoạt động độc lập thông qua quan hệ hợp tác với công ty nước ngoài.
Trên đây là thực tế, hoặc là chuyện được kể nhiều. Những chiếc ô tô “made in China” sau đó tràn ngập thị trường. Dù vậy, chúng là những bản sao rẻ tiền, trông như hàng ngoại, nhưng máy móc bên trong không tốt. Các hãng xe ở Mỹ và châu Âu quá giỏi để Đại lục bắt kịp. Cách duy nhất để vượt qua phần còn lại của thế giới lúc này là đặt cược vào công nghệ hoàn toàn mới.
Thế là Trung Quốc đến với xe điện. Phương tiện chạy bằng điện ít phức tạp hơn về mặt cơ học, phụ thuộc nhiều hơn vào sức mạnh điện tử. Động cơ điện của Chevrolet Bolt chỉ chứa 24 đoạn chuyển động, theo phân tích được hãng tư vấn UBS thực hiện. Trong khi đó, động cơ đốt trong của Volkswagen Golf có đến 149 đoạn chuyển động. Trung Quốc có sẵn chuỗi cung ứng, sản xuất điện tử sau nhiều năm sản xuất pin, điện thoại và thiết bị cho thế giới. Đây là lợi thế.
Trung Quốc có 5 trong số 10 hãng xe điện hàng đầu thế giới, có số nhà máy sản xuất pin được lên kế hoạch xây gấp ba lần số nhà máy pin toàn cầu Ảnh: Bloomberg
Hiện chính phủ Trung Quốc chấp thuận sự thay đổi sang động cơ điện theo cách mà không nước nào có thể sánh bằng, theo tờ MIT Technology Review. Nước này biến phương tiện điện thành một trong 10 cột trụ của Made in China 2025, kế hoạch do nhà nước dẫn đầu nhằm biến quốc gia thành cường quốc đi đầu trong các ngành công nghiệp công nghệ cao.
Xe điện đang sạc Ảnh: Reuters
Made in China 2025 là chính sách ban hành nhằm khởi tạo nhu cầu. Từ năm 2013 đến nay, gần 500 công ty xe điện xuất hiện ở Trung Quốc nhằm đáp ứng nhiệm vụ từ chính phủ, kiếm tiền từ các khoản trợ cấp được vung sẵn để tạo nguồn cung.
Đối với người tiêu dùng, chính phủ hứa hẹn một trong những thứ khó nhất để lấy ở nước này: Biển số xe. Để chống ô nhiễm, số lượng biển số xe được hạn chế nghiêm mỗi năm. Bắc Kinh trao biển số xe cho dân theo cơ chế xổ số, song cơ hội nhận được biển số ở bất kỳ năm nào cũng chỉ là 0,2%. Ở Thượng Hải, người ta đấu giá chúng với giá hơn 14.000 USD, cao hơn giá nhiều mẫu xe sản xuất trong nước. Trong khi đó, biển số xe điện thì không hiếm. Chúng miễn phí.
Doanh số xe điện trên thế giới ngày càng lên cao Ảnh: Bloomberg
“Thế giới cần cách mới để cung cấp năng lượng cho nền kinh tế. Trung Quốc nhận ra rằng họ không thể phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, vì họ sẽ “nghẹt thở” trong tương lai”, CEO Bill Russo của hãng tư vấn Automobility ở Thượng Hải cho hay.
Tốc độ thay đổi nhanh ở Trung Quốc cũng đổi thay chiến lược của các nhà sản xuất ô tô truyền thống. Nhiều hãng đang dựa vào chiến lược toàn cầu hóa cho điện khí hóa trong chính sách công nghiệp Đại lục, song động lực đằng sau các công ty Trung Quốc là điều mà nhiều công ty ngoại khó lòng sánh được. Đây là rủi ro đối với lợi nhuận của những cái tên như Ford, General Motors và nhiều hãng xe châu Âu.
“Ngành này luôn do Nhật Bản, châu Âu và Mỹ dẫn đầu. Song trọng tâm đang dịch chuyển rất nhanh. Tôi không nghĩ rằng đã có doanh nghiệp tìm ra phản ứng tốt với tình hình hiện nay”, Jonas Nahm, trợ lý giáo sư về năng lượng, tài nguyên và môi trường tại Trường Johns Hopkins về Nghiên cứu Quốc tế Tiên tiến cho hay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.