Vì sao nghẹt mũi lại thường tồi tệ hơn vào ban đêm?

24/06/2023 00:06 GMT+7

Với những người bị dị ứng, dù họ có chăm sóc giấc ngủ tốt nhưng vẫn có thể bị khó ngủ đầu hôm do các triệu chứng dị ứng có xu hướng tồi tệ hơn vào ban đêm. Tình trạng nghẹt mũi, khó hô hấp khi nằm xuống khiến việc chìm vào giấc ngủ trở nên khó khăn hơn.

Vào ban ngày, các triệu chứng dị ứng sẽ thuyên giảm nhờ tác dụng của thuốc kháng histamine. Nhưng vào ban đêm, triệu chứng có xu hướng nghiêm trọng hơn, gây hắt hơi, nghẹt mũi, ngứa họng và chảy nước mắt nhiều hơn, theo chuyên trang sức khỏe Healthline (Mỹ).

Vì sao nghẹt mũi lại thường tồi tệ hơn vào ban đêm ? - Ảnh 1.

Các triệu chứng dị ứng có thể nghiêm trọng hơn vào ban đêm, gây nghẹt mũi khó chìm vào giấc ngủ

SHUTTERSTOCK

Các thống kê cho thấy khoảng 90% người bị dị ứng từng gặp tình trạng khó ngủ do các triệu chứng này trở nên tồi tệ hơn vào ban đêm. Có nhiều nguyên nhân khiến triệu chứng dị ứng trở nên khó chịu hơn khi đêm xuống.

Trước tiên, khi nằm xuống, tư thế này sẽ khiến tất cả chất nhầy, bụi từ mũi đi xuống cổ họng. Hệ quả là khiến không khí đi qua khí quản ở cổ họng không còn được lưu chuyển bình thường nữa, dẫn đến cảm giác khó thở.

Ngoài ra, những người bị dị ứng với mạt bụi có thể xuất hiện các triệu chứng dữ dội hơn vào ban đêm vì phòng ngủ của họ là nơi cư trú ưa thích của mạt bụi. Bên cạnh mạt bụi thì nấm mốc cũng gây tác động tương tự. Nấm mốc có thể mọc ở đâu đó xung quanh giường, đặc biệt là nếu giường đặt gần phòng tắm và không thông thoáng.

Một nguyên nhân khác là do phấn hoa. Phấn hoa là một trong những nguyên nhân thường gặp gây dị ứng theo mùa. Chúng có thể theo gió đi vào phòng ngủ hoặc bám vào quần áo, tóc, da và các vật dụng mang theo bên mình như balo, giỏ xách. Nếu phấn hoa bằng cách nào đó rơi vào ga nệm thì người bị dị ứng sẽ ngủ chung với chúng. Các triệu chứng do đó sẽ khó tránh khỏi.

Vì sao nghẹt mũi lại thường tồi tệ hơn vào ban đêm? - Ảnh 2.

Mang nệm đi phơi nắng có thể giúp tiêu diệt nấm mốc và vi khuẩn ẩn nấp bên trong

Shutterstock

Lông chó mèo là tác nhân khác khiến dị ứng nghiêm trọng hơn vào ban đêm, đặc biệt là những người cho chó mèo đi vào phòng ngủ hay trèo lên giường ngủ. Gián cũng gây ra tác động tương tự vì nước bọt, phân và các bộ phận cơ thể của chúng có thể vương vãi ở nhiều nơi trong nhà. Trong khi đó, thống kê của Hiệp hội Dị ứng hen suyễn và miễn dịch học Mỹ cho thấy 98% căn nhà ở các thành phố là có gián.

Cuối cùng, cách thở vào ban đêm cũng sẽ góp phần làm triệu chứng dị ứng thêm nặng. Vì khi bị nghẹt mũi do dị ứng, người bệnh sẽ thường thở bằng miệng. Trong nhiều tình huống, cách thở này là bắt buộc dù có thể khiến chất dị ứng đi sâu hơn vào cổ họng và phổi.

Để tránh nghẹt mũi, chảy nước mũi hay ngứa họng vào ban đêm do dị ứng, các chuyên gia khuyến cáo cần vệ sinh phòng ngủ sạch sẽ bằng cách lau dọn thường xuyên, đặc biệt là những nơi có nhiều bụi bẩn và nấm mốc. Thảm là nơi chứa nhiều tác nhân gây dị ứng nên hạn chế dùng, nếu đã dùng thì phải giặt thường xuyên.

Ga trải giường, áo gối cũng cần được giặt sạch. Dùng máy lọc không khí, diệt gián, không cho thú cưng vào phòng ngủ và đóng cửa sổ vào ban đêm để tránh phấn hoa bay vào sẽ giúp giảm đáng kể các triệu chứng dị ứng, theo Healthline.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.