Vì sao người bệnh thận cần theo dõi đo huyết áp?

12/12/2024 20:17 GMT+7

Tăng huyết áp là bệnh phổ biến toàn cầu, liên quan tới nhiều bệnh lý khác, gây hậu quả nghiêm trọng như tiểu đường, thận, tim mạch... Do đó, vấn đề nghiên cứu, phát hiện và điều trị bệnh lý này ngày càng quan trọng.

Trình bày tại Hội nghị Khoa học công nghệ với chủ đề “Khoa học sức khỏe trong kỷ nguyên số” tổ chức ngày 12.12 tại TP.HCM, thạc sĩ - bác sĩ chuyên khoa 2 Lê Hồng Tuấn, Khoa Tim mạch, Bệnh viện Lê Văn Thịnh, TP.Thủ Đức (TP.HCM), cho biết bệnh nhân bị tăng huyết áp cần được đo và theo dõi chỉ số huyết áp không chỉ ở phòng khám, bệnh viện mà còn ở tại nhà.

“Thống kê năm 2019, ở Việt Nam có khoảng 14,3 triệu người bị tăng huyết áp, số được điều trị là 30%, nhưng chỉ có khoảng 13% là kiểm soát được bệnh lý. Con số này còn quá thấp so với kỳ vọng của ngành y. Do đó, cần tích cực phối hợp các phương pháp điều trị có dùng thuốc và không dùng thuốc, theo sát bệnh nhân để bảo đảm việc uống thuốc được diễn ra đều và đủ”, bác sĩ Hồng Tuấn nói.

Bác sĩ Tuấn cũng nhấn mạnh lưu ý mới được đề xuất bởi Hiệp hội Tim mạch châu Âu (ESC): “Với mục tiêu dự phòng biến cố tim mạch, dự phòng đột tử, ESC khuyến khích người có bệnh lý cao huyết áp nên giảm lượng muối ăn theo quy định, bên cạnh việc tăng cường các hoạt động thể lực, co cơ tối thiểu 150 phút/tuần và ăn chế độ ăn Địa Trung Hải. Việc hạn chế rượu bia và cai hẳn thuốc lá cũng là những điều bắt buộc thực hiện trong quá trình điều trị không dùng thuốc ở bệnh nhân có bệnh lý tăng huyết áp”.

Vì sao người bệnh thận cần theo dõi đo huyết áp?- Ảnh 1.

Thạc sĩ - bác sĩ Đào Quang Hoàng lưu ý người bệnh thận mạn trong việc theo dõi đo huyết áp

Ảnh: T.Chung

Lưu ý với người bệnh thận

Theo đó, việc trị huyết áp cao không dùng thuốc được các bác sĩ cho là cần được xem xét với tầm quan trọng ngang với điều trị có dùng thuốc. Lưu ý thêm đối với người có bệnh thận mạn tính, thạc sĩ - bác sĩ Đào Quang Hoàng, Khoa Nội tim mạch - lão học, Bệnh viện TP.Thủ Đức, cho biết người bệnh thận luôn phải được đo huyết áp mỗi lần tái khám, kết hợp đo tại nhà vì có nhiều tình trạng tăng huyết áp ẩn giấu xảy ra, nhất là khi về đêm. Điều này nếu không được theo dõi chặt chẽ sẽ dẫn tới diễn tiến nặng hơn của bệnh thận, tốt nhất nên được đo mỗi 24 giờ.

Cũng xoay quanh vấn đề cao huyết áp, với mục tiêu kiểm soát được sớm và hiệu quả các yếu tố nguy cơ cho bệnh nhân tiểu đường, bác sĩ chuyên khoa 2 Ngô Thế Phi, Khoa Nội tiết, Bệnh viện TP.Thủ Đức, nhấn mạnh: “Người bệnh cần được kiểm soát đường huyết, lựa chọn thuốc có lợi cho tim, thận và các yếu tố chuyển hóa khác. Muốn vậy, cần cố gắng phát hiện sớm các bệnh lý qua các xét nghiệm để có chỉ định sớm”. Việc này đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ của đa chuyên khoa, kết hợp với chủ trương cá thể hóa trong điều trị y học thời đại mới.

Các chuyên gia tại hội nghị cũng bàn về sự ứng dụng của công nghệ IVUS (siêu âm nội mạch). Theo tiến sĩ - bác sĩ Vũ Trí Thanh, Giám đốc Bệnh viện TP.Thủ Đức, IVUS trở thành tiêu chí quan trọng trong việc điều trị.

Vì sao người bệnh thận cần theo dõi đo huyết áp?- Ảnh 2.

Tiến sĩ - bác sĩ Vũ Trí Thanh phát biểu tại hội nghị

ẢNH: BVCC

“Thuốc cản quang không cho phép các bác sĩ thấy được lòng mạch máu, do đó kỹ thuật hình ảnh trong lòng mạch vành như IVUS trở thành tiêu chí quan trọng, giúp phát hiện được bản chất của các xơ vữa, các ca phức tạp. Nếu không có kỹ thuật này sẽ không làm được các can thiệp mạch vành. Sắp tới, với sự ứng dụng và phát triển hơn của IVUS, hy vọng đội ngũ của Bệnh viện TP.Thủ Đức sẽ làm được các ca phức tạp và hoàn hảo hơn”, bác sĩ Trí Thanh chia sẻ.

Được biết, tính tới thời điểm hiện tại, Bệnh viện TP.Thủ Đức đã hoàn thành 70 ca can thiệp IVUS.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.