Vì sao người dân Hà Nội vẫn chầu chực cả đêm xếp hàng mua xăng?

11/11/2022 08:31 GMT+7

Đi đổ xăng ban đêm mà cây xăng vẫn đông đúc, tấp nập như ban ngày. Ở nhiều điểm, người đi xe máy phải xếp hàng dài và chờ đợi rất lâu mới mua được bình xăng để sáng ra chạy chợ, đi học, đi làm…

Xếp hàng 30 phút mới mua được bình xăng

Chỉ 1 ngày sau khi Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) thông báo toàn bộ cây xăng ở Hà Nội sẽ mở bán 24/24 giờ thì đến lượt hệ thống của Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) cũng mở bán xuyên đêm phục vụ người tiêu dùng thủ đô.

12 giờ đêm 10.11, cửa hàng xăng dầu của PV Oil trên đường Thái Thịnh (Q.Đống Đa, Hà Nội) vẫn đông nghịt người xếp hàng chờ mua xăng

Quàng Đạt

Nhưng ghi nhận vào ban đêm ở các cây xăng thuộc hệ thống Petrolimex, PV Oil, người dân vẫn xếp hàng đông nghịt để đổ được bình xăng.

'Cây xăng cục gạch' mọc như nấm ở Hà Nội: giá đắt, chất lượng kém

Cây xăng lúc 12 giờ đêm vẫn đông nghịt như ban ngày

Quàng Đạt

Tại cây xăng thuộc hệ thống PV Oil trên đường Thái Thịnh (Q.Đống Đa, Hà Nội) lúc 12 giờ đêm 10.11, người đi xe máy xếp hàng dài, có thời điểm tràn ra cả lòng đường.

Đợi mua xăng ở đây, anh Nguyễn Giang Phong (nhà ở phố Dịch Vọng, Q.Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ, anh đã cố ý đi tìm, chọn cây xăng nằm sâu trong tuyến phố nhỏ, ít người qua lại hy vọng người đi mua xăng không đông. Tuy nhiên, khi đi một vòng, qua khắp các cây xăng trên đường Láng, Lê Văn Lương, Láng Hạ... anh Phong nhận thấy "cũng chẳng khác gì nhau, vì chỗ nào cũng đông nghịt, đều phải xếp hàng”.

Nhân viên xua tay từ chối bán hàng khi Cửa hàng xăng dầu Việt Hồng (P.Biên Giang, Q.Long Biên, Hà Nội) đã hết xăng từ chiều 10.11

Quàng Đạt

“Đây là cây xăng vắng nhất rồi nên tôi ghé lại nhưng cũng xếp hàng mất hơn 20 phút mới mua được bình xăng để sáng mai đi làm cho yên tâm", anh Phong nói.

Còn tại cây xăng Petrolimex trên đường Xuân Thủy (Q.Cầu Giấy), sau 12 giờ đêm 10.11, nhân viên các cột bơm vẫn làm việc không ngơi tay. Phía sau họ, dòng xe máy ngày một dài.

Gần với nhiều trường đại học lớn và chợ đầu mối Cầu Giấy, khách đi đổ xăng dồn về đây phần lớn là sinh viên, đội quân chạy xe ôm công nghệ và tiểu thương chuyên chạy chở hàng nông sản…

Cửa hàng xăng dầu Phú Nghĩa tại P.Phú Lâm (Q.Hà Đông, Hà Nội) cũng liên tục treo biển "hết xăng" trong những ngày vừa qua

Quàng Đạt

Chia sẻ với chúng tôi, chị Tạ Thị Thắm (nhà ở đường Cầu Giấy) cho biết, ban ngày cây xăng nào còn hàng cũng rất đông, chờ mua được xăng sẽ muộn giờ làm nên có phải thức đêm cũng phải cố đổ được đầy bình cho yên tâm.

“Nhìn đồng hồ sau 11 giờ đêm, tôi mới đi xe đến đây mua xăng nhưng không ngờ đêm cũng chẳng khác gì ngày, phải xếp hàng đến 30 phút mới vào được cột bơm xăng”, chị Thắm nói.

Trải nghiệm một lần đổ xăng khốn khổ ở Hà Nội những ngày 'khát xăng'

Hết xăng, lỗ nặng, cây xăng tư nhân ngắc ngoải

Những ngày này Hà Nội có rất nhiều cửa hàng bán lẻ xăng dầu của doanh nghiệp tư nhân treo biển “hết xăng, còn dầu” hoặc ngược lại.

Bên cạnh nguồn cung gặp khó thì nguyên nhân chủ yếu vẫn là các cửa hàng bán lẻ chịu lỗ quá nặng trong thời gian dài, không còn mặn mà nhập hàng về bán nữa.

3 tháng, 2 cây xăng lỗ gần 1 tỉ đồng, các cây xăng của Công ty TNHH Trần Khiêm đặt tại các xã Hồng Kỳ, Trung Giã (H.Sóc Sơn, Hà Nội) liên tục phải thông báo hết hàng

Quàng Đạt

Theo bà Bùi Thị Thà, Giám đốc Công ty TNHH Trần Khiêm (H.Sóc Sơn, Hà Nội), doanh nghiệp bán lẻ là đơn vị bán hàng thuê cho doanh nghiệp đầu mối thì phải được trả công bằng chiết khấu, chứ không phải đầu mối chia sẻ hay hỗ trợ gì.

Tuy nhiên, nhiều tháng nay, chiết khấu của các cửa hàng bán lẻ xăng dầu đều ở mức 0 đồng, nghĩa là không những không được trả công lao động mình bỏ ra mà phải bỏ tiền túi ra bù lỗ (chi phí lưu thông) để đưa xăng dầu tới tay người tiêu dùng.

Rất nhiều người làm nghề chạy xe ôm công nghệ phải tranh thủ đi đổ xăng đêm để hôm sau làm việc

Quàng Đạt

“Không thể chấp nhận được việc các doanh nghiệp bán lẻ càng bán thì càng lỗ, lỗ đến mức không chịu đựng được. Cứ bán 1 ngày lại phải ngừng 1 ngày hoặc bán nửa ngày và nghỉ nửa ngày, vì càng bán càng lỗ, không thể xoay xở được nguồn tiền để kinh doanh nữa”, bà Thà nói.

Nhiều cây xăng tư nhân ở ngoại thành Hà Nội cũng hoạt động cầm chừng, ngắc ngoải khi càng bán thì càng lỗ

quàng Đạt

Cũng theo bà Thà, thực tế hiện nay, nhiều doanh nghiệp bán lẻ đang trong hoàn cảnh “bán thì lỗ vốn, không bán thì sợ bị phạt, rút giấy phép”, nếu đơn vị nào còn nhập thì số lượng rất ít, chủ yếu duy trì cửa hàng, bán giỏ giọt thôi”, bà Thà nói.

Bà Thà cũng cho biết, trong hệ thống cửa hàng bán lẻ xăng dầu ở Hà Nội hiện nay, nhiều đơn vị đang bên bờ vực phá sản. Khi có nhiều cửa hàng bán lẻ xăng dầu ngưng hoạt động, người tiêu dùng buộc phải tìm đến các hệ thống doanh nghiệp nhà nước dẫn đến tình trạng quá tải ở nhiều cây xăng Petrolimex, PV Oil... trong những ngày vừa qua.

Thông báo "hết xăng, còn dầu" ở nhiều cây xăng tư nhân tại Hà Nội trong những ngày vừa qua

Quàng Đạt

Chia sẻ với Thanh Niên, một lãnh đạo thuộc Chi hội Xăng dầu, Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, trong số 17.000 cây xăng trên toàn quốc thì mạng lưới cửa hàng bán lẻ xăng dầu từ các đơn vị tư nhân chiếm đến 80%.

Nhưng chuỗi doanh nghiệp này không được quyền quyết định về chiết khấu bán lẻ nhận từ các doanh nghiệp đầu mối. Nhiều tháng nay, chiết khấu bán lẻ xăng dầu ở mức 0 đồng khiến nhiều doanh nghiệp bán lẻ thua lỗ nặng hoặc tạm ngưng hoạt động, nhập hàng ít đi để cầm cự.

“Mạng lưới cửa hàng bán lẻ xăng dầu ở Hà Nội vươn rất sâu vào các khu vực dân cư trong nội đô cũng như các thôn, xã ngoại thành. Nhưng bây giờ hệ thống này hoạt động phập phù buộc người tiêu dùng phải dồn sang các cây xăng nhà nước nên dẫn tới tình trạng đông đúc, quá tải thôi”, vị lãnh đạo này lý giải.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.