Cho vay tiêu dùng tăng trưởng âm
Ngày 17.4, chị Thanh Hiền (TP.HCM) đến Vietcombank trả khoản nợ hơn 3 tỉ đồng vay mua nhà cách đây hơn 5 năm. Mỗi tháng chị phải trả nợ gốc và lãi khoảng 50 triệu đồng. Theo chị Hiền, mặc dù ngân hàng (NH) đã giảm lãi vay xuống 9%/năm nhưng do thu nhập mỗi tháng giảm nên chị phải mượn của người thân số tiền trên trả cho NH, chờ khi nào bán được nhà sẽ trả lại.
Số liệu công bố đầu năm cho thấy tín dụng bán lẻ của Vietcombank giảm 11.000 tỉ đồng. Theo các NH khác, cho vay tiêu dùng thời điểm này cũng khá chậm. Riêng tại TP.HCM, gói 20.000 tỉ đồng với lãi suất ưu đãi của các công ty tài chính tiêu dùng trên địa bàn thành phố chỉ đạt gần 259 tỉ đồng cho 10.554 khách hàng - con số hết sức khiêm tốn. Đây là những khoản vay nhỏ lẻ, phục vụ đời sống của người dân, nhất là công nhân, người lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Hiệp hội Ngân hàng VN thông tin tính đến hết tháng 2, tốc độ tăng trưởng cho vay tiêu dùng giảm 2,5% so với cuối năm 2023. Cụ thể, 15 công ty tài chính tiêu dùng có dư nợ cho vay khoảng 138.800 tỉ đồng, chiếm khoảng 5% dư nợ tín dụng tiêu dùng toàn hệ thống. Tăng trưởng cho vay tiêu dùng chỉ đạt 1,53%, thấp nhất so với mức tăng trưởng bình quân từ năm 2018 - 2022. Thống kê đến cuối năm 2023, tỷ trọng dư nợ tín dụng tiêu dùng của toàn bộ ngành NH chiếm khoảng 21% tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế, đạt gần 2,9 triệu tỉ đồng.
Nguyên nhân tín dụng tiêu dùng giảm, theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng VN, là do thu nhập của khách hàng giảm làm tăng nhu cầu tiết kiệm, giảm việc vay mượn để chi tiêu. Một số khách hàng trả nợ trước hạn và không vay tiếp cũng làm cho dư nợ tín dụng tiêu dùng giảm xuống. Thêm vào đó, NH công ty tài chính cũng thận trọng hơn trong việc xét duyệt cho vay tiêu dùng, nhất là vay tín chấp bởi tình hình nợ xấu ở mức cao. Cụ thể, tỷ lệ nợ xấu cuối năm 2023 của tín dụng cho vay phục vụ tiêu dùng đạt 3,8% và đến nay nhích lên hơn 4%. Riêng nợ xấu tại các công ty tài chính dù giảm nhẹ từ mức 15% ở cuối năm 2023, đến nay chỉ còn khoảng 14,63% nhưng vẫn ở mức đáng báo động.
"Chưa bao giờ tình hình của các công ty tài chính lại bi đát như hiện nay. Nợ xấu gia tăng khi khách hàng rủ nhau bùng nợ, chống đối, vu khống cán bộ thu hồi nợ, ảnh hưởng xấu đến hình ảnh, uy tín của các NH, các công ty tài chính, ảnh hưởng lớn đến tâm lý của cán bộ thu hồi nợ", ông Nguyễn Quốc Hùng cho hay. Ngoài ra, một nguyên nhân khác là các loại hình cho vay qua app với điều kiện cho vay nới lỏng, thủ tục đơn giản nhanh gọn, dễ tiếp cận, cho vay dễ dàng, không cần tài sản thế chấp… đã thu hút người dân vay qua các app mà không cần đến NH.
Lãi suất cao cũng hạn chế người vay
Ngoài thu nhập giảm thì lãi suất cao cũng là một lý do khiến người dân ngại vay tiêu dùng. Thực tế, sau đợt sụt giảm tín dụng tiêu dùng những tháng đầu năm, các NH liên tục tung ra các gói tín dụng cho vay mua nhà, mua xe, trả học phí… với lãi suất thấp. Chẳng hạn Agribank vừa tung ra gói tín dụng 10.000 tỉ đồng cho cá nhân vay mua nhà ở, đất ở, xây mới, cải tạo, sửa chữa nhà để ở; mua sắm đồ dùng sinh hoạt thiết yếu (ti vi, máy giặt, tủ lạnh, điều hòa…); phương tiện đi lại (ô tô, xe máy) và các mục đích tiêu dùng khác. Lãi suất cho vay từ 4%/năm. Các NH khác cho vay tiêu dùng ở mức thấp như BVBank với lãi suất 5%/năm, LPBank từ 6,5%/năm… Thế nhưng NH chỉ cho vay với lãi suất thấp trong trường hợp khách hàng có tài sản đảm bảo, chứng minh thu nhập trả nợ.
Còn trong trường hợp vay tín chấp, các công ty tài chính cho vay với mức lãi suất cao hơn gấp từ 2 - 6 lần, từ 24 - 59%/năm. Chẳng hạn, tại Công ty tài chính TNHH MTV Mirae Asset lãi suất cho vay tiền mặt từ 5 - 100 triệu đồng từ 6 đến 36 tháng từ 18 - 58%/năm. Đối với cho vay mua hàng trả góp có mức lãi suất từ 0 - 55%/năm.
Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu nhận xét lãi suất cho vay từ 40 - 60%/năm là rất cao, khiến khách hàng ngại vay và đây cũng là hệ quả từ rủi ro cao. "Người dân hiện nay thất nghiệp nhiều, doanh nghiệp thì phá sản nên dù có nhu cầu vay thì lấy thu nhập đâu mà trả, hơn nữa cũng làm sao chứng minh nguồn tiền trả nợ. Chưa kể vay NH còn phải có tài sản thế chấp, thủ tục này nọ trong khi đó vay tín dụng đen rất nhanh, cần tiền là chỉ vài phút có ngay. Nhu cầu tiền cho đời sống lúc nào cũng có mà những người cho vay bên ngoài rất dễ, không cần điều kiện nào. Đây là cái bẫy tín dụng đen giăng ra, bởi vay 1 mà có khi trả 10, trả hoài vẫn không hết nợ", ông Hiếu nói và cho rằng các công ty tài chính cho vay tín chấp hiện nay đang bị nợ xấu tăng cao nên họ rất thận trọng trong xét duyệt cho vay.
Khi mức độ rủi ro trên thị trường tăng cao thì lãi suất cho vay cũng tăng lên nhằm bù đắp. Hai yếu tố lãi suất vay cao và tăng trưởng tín dụng tác động qua lại nhau, tạo thành vòng xoáy. Muốn đảo ngược vòng xoáy này, tăng trưởng tín dụng tiêu dùng và giảm lãi suất vay thì nền kinh tế tăng trưởng, người dân có thu nhập. Khi sức mua tăng lên thì cho vay tiêu dùng mới có thể đi lên.
Ông Nguyễn Quốc Hùng thừa nhận với tình hình hiện nay, khi thu nhập người lao động vẫn đang còn giảm thì tín dụng tiêu dùng khó có thể tăng, thậm chí có thể sẽ còn tiếp tục giảm trong thời gian tới. "Cho vay tiêu dùng đã dần đáp ứng nhu cầu đời sống, sản xuất kinh doanh của người dân và phần nào hạn chế tín dụng đen. Tuy nhiên, tín dụng đen vẫn len lỏi vào đời sống, chưa thể xóa bỏ triệt để dù các cơ quan quản lý đã vào cuộc quyết liệt, công an đã triệt phá nhiều đường dây bởi nó đáp ứng nhu cầu vốn vay mà không quan tâm mục đích vay làm gì", ông Hùng lý giải.
Để tăng trưởng cho vay tiêu dùng trong thời gian tới, theo ông Nguyễn Quốc Hùng cần giải quyết công ăn việc làm cho người dân, từ đó có thu nhập thì nhu cầu vay tiêu dùng mới tăng lên.
Việc tích hợp định danh điện tử sẽ hỗ trợ chấm điểm tín dụng đối với khách hàng cá nhân, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân. Đặc biệt, hành lang pháp lý cho thu hồi nợ cũng cần sớm hoàn thiện để hoạt động thu hồi nợ được thực hiện thuận lợi, hiệu quả hơn.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng VN
Bình luận (0)