Thảo Cầm Viên Sài Gòn được xây dựng vào ngày 23.3.1864 đến nay đã tròn 160 năm. Đây là nơi bảo tồn, giáo dục, nghiên cứu và phát triển nguồn gen động, thực vật góp phần làm phong phú thêm sự đa dạng sinh học ở Việt Nam. Dù vậy, người dân TP.HCM vẫn quen gọi nơi đây là "sở thú".
Hiện Thảo Cầm Viên Sài Gòn là 1 trong 8 vườn thú có tuổi thọ lâu đời nhất trên thế giới với hơn 2.000 cá thể động vật thuộc 135 loài và có trên 2.500 cây xanh thuộc 360 loài, trong đó có trên 700 cây cổ thụ. Năm 2023, Thảo Cầm Viên Sài Gòn bán được 1,83 triệu lượt vé, thu gần 95 tỉ đồng.
Ngày 6.3, Thảo Cầm Viên Sài Gòn phối hợp Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP.HCM) tổ chức hội thảo khoa học "Thảo Cầm Viên Sài Gòn: Giá trị truyền thống và Triển vọng phát triển". Hội thảo nhằm đánh giá lại tính lịch sử, giá trị một cách chân thực nhất, có tính khoa học để ghi nhận vai trò và vị trí của Thảo Cầm Viên hiện nay và tương lai.
Tại hội thảo, TS Phan Anh Tú, Trưởng khoa Văn hóa học (Trường ĐH KHXH&NV) cho biết, Thảo Cầm Viên ban đầu là vườn bách thảo kết hợp vườn bách thú. Tuy nhiên, cây cỏ lại ít được người dân Nam bộ chú ý đến mỗi khi tham quan, mà trở thành phụ liệu cho các loài thú.
Theo TS Phan Anh Tú, du khách quan tâm nhiều đến thú, vì thú có tính động, lại có nhiều chủng loại khác xa lạ so với những con vật nuôi ở Nam bộ. Tại đây, ngoài các loài thú của xứ Đông Dương, người Pháp cho du nhập thú có nguồn gốc từ các xứ thuộc địa của họ bên châu Phi như: sư tử, hươu cao cổ, hà mã, đười ươi... Chúng chính thu hút sự tò mò của người Việt Nam, là sản phẩm gây ấn tượng lớn với du khách. Từ đây, tên "sở thú" được hình thành trong dòng văn hóa Nam bộ kể từ khi vườn thú mở cửa đón khách tham quan.
GS.TS Phan Thị Thu Hiền cũng cho rằng, khác với các vườn thú khác của cả nước, Thảo Cầm Viên Sài Gòn là nơi bảo tồn cả các loài động vật lẫn thực vật. Do vậy, nơi đây đáp ứng được nhu cầu du lịch chữa lành, một hình thức du lịch mà theo các nhà nghiên cứu là phù hợp trong không gian vườn cây, công viên thực vật hơn là vườn thú.
GS.TS Phan Thị Thu Hiền nhận xét: "Thảo Cầm Viên Sài Gòn ngay từ đầu được người Pháp xây dựng làm khu nuôi chim thú và ươm cây, bảo tồn các loài động thực vật với 4 chức năng chủ yếu: nghiên cứu khoa học, bảo tồn, trưng bày, giáo dục và đến nay vẫn duy trì các giá trị đó với sự bổ sung chức năng vui chơi, giải trí. Thảo Cầm Viên Sài Gòn vì vậy có thể trở thành điểm đến cho các hình thức du lịch giải trí, du lịch học tập, du lịch MICE".
Bình luận (0)