Ngày 26 tết Tân Sửu 2021, không khí mua sắm tết đã rất nô nức ở các chợ tại TP.HCM. Tay này xách con gà, tay kia bịch trái cây, nhưng dù mua món gì thì các chị, các cô đi chợ cũng không quên mua mấy ký thịt heo ba rọi, hai chục hột vịt, bịch nước dừa, trái khổ qua. Năm nay, gần tết thịt heo lên giá, bà Tám đi chợ Rạch Ông, Q.8 về xôn xao ngoài đầu ngõ “thịt ba rọi heo rút sườn loại ngon nhất lên 200.000 đồng một ký rồi”. Nhưng, đắt rẻ gì thì nhà nào miền Nam cũng tươm tất chuẩn bị nguyên liệu làm thịt kho tàu ăn ngày tết. Vì sao vậy?
Anh Thái Hải, quê ở ấp Chợ, xã An Quảng Hữu, H.Trà Cú, Trà Vinh, sống ở P.9, Q.8, TP.HCM đã hơn 30 năm nay chia sẻ, thịt kho hột vịt, canh khổ qua hầm được gọi là “linh hồn” của mâm cơm tết của người dân Nam Bộ.
|
“Mâm cơm cúng gia tiên ngày 30 tết thường có thịt kho hột vịt, canh khổ qua, bún gạo xào, bánh tét, chả giò. Nhà tôi kho chừng 3 kg thịt ba rọi, hai chục hột vịt thành một nồi lớn, mỗi lần múc một ít ra cúng, còn lại để trong nồi. Nồi thịt càng kho thì nước sắt lại, miếng thịt rệu ra ăn càng ngon.”, anh Hải nói.
Anh Hải còn cho biết, ở Trà Vinh và nhiều miền quê ở miền Tây, ngoài thịt kho, canh khổ qua thì mâm cơm ngày tết còn có các loại bánh được làm từ gạo, đậu, chuối, dừa phong phú ở quê, tôm kho tàu, hủ tiếu xào, bánh bò bánh thuẫn, heo quay vịt quay. Người gốc Hoa còn có những món đặc trưng như gà tiềm, vịt tiềm, giò heo hon…
|
Tại Bình Phước, ở nơi không quá xa TP.HCM thì văn hóa ẩm thực ngày tết đã có nhiều nét khác biệt. Chị Nguyễn Tuyết Trinh, 34 tuổi, quê P.Phú Thịnh, thị xã Bình Long, Bình Phước, đang trú ấp Bình Hưng, H.Bình Chánh, TP.HCM cho hay những ngày tết này về quê thì đi tới nhà nào cũng chuẩn bị sẵn những mâm cơm giống gần như “y chang” nhau.
“Ngoài thịt kho hột vịt, canh khổ qua thì nhà nào cũng có gà luộc để cúng ông bà vào chiều 30 tết. Nồi cháo gà, đòn bánh tét, đĩa củ kiệu tôm khô, dưa món muối chua, hành ngâm chua ngọt, thịt heo quay cuốn bánh tráng. Tới mùng 3 tết, ngày cúng tiễn ông bà cũng gần như các món đó, bà con cùng mời nhau ăn cơm, uống rượu”.
Người Bắc, Trung có ăn thịt kho ngày tết?
Vậy người miền Trung vào ngày tết có ăn thịt kho hột vịt và canh khổ qua? Những món ăn đặc trưng ngày tết của người dân nơi này là gì?
|
Anh Phạm Đình Vũ, 33 tuổi, quê ở xóm Bàu, làng Đạo Đầu, xã Triệu Trung, Huyện Triệu Phong tỉnh Quảng Trị, kể ở quê anh không ăn thịt kho hột vịt hay canh khổ qua ngày tết. Mâm cơm ngày tết của mỗi gia đình đều không thể thiếu bánh ướt thịt heo luộc với nước ruốc chan; gà luộc; gà bóp gỏi rau thơm ngò gai ớt bột; xôi đậu xanh; bánh tét nếp thơm đậu xanh. Nhiều nơi ở miền Trung thì không thể không có tré, thịt heo ngâm nước mắm.
“Từ ngày 25 tết thì người trong làng đã làm cơm tất niên, mời những nhà khác ghé ăn. Cứ ăn một vòng, hôm nay nhà này, mai nhà kia là tới hết tết. Lạ một cái là về quê, mâm cơm nhà nào cũng giống hệt nhau với những món ăn truyền thống đó. Tôi rất thích cái nước ruốc chan bánh ướt ở quê, nó thơm ngon gì đâu. Hay gạo nếp, cũng ăn rồi nhớ mãi. Mâm cơm nào cũng kèm đĩa rau xanh gồm bắp chuối xắt ra, xà lách, rau ghém để ăn kèm”, anh Vũ kể.
|
Tại lễ hội tết Việt từng diễn ra tại công viên Lê Văn Tám, TP.HCM, nghệ nhân Hồ Đắc Thiếu Anh chia sẻ về mâm cỗ tết của người miền Trung thường có các món như xôi, thịt heo quay, bò nấu thưng, củ cải kho nạc heo, thịt nạc rim, cá rô chiên. Nếu cúng tổ tiên thường có thêm khoai, sắn, lạc, chè. Có nơi như ở Quảng Nam sử dụng phổ biến bánh tổ Hội An…
Còn mâm cỗ tết của người miền Bắc thường có thịt gà luộc, bánh chưng, thịt đông, giò lụa, chả nem (chả giò), canh bóng, nộm rau củ quả (gỏi). Trong khi đó thì trong ngày tết, người dân Nam Bộ thường nấu nồi thịt kho nước dừa, khổ qua hầm, dưa món, thịt chua, tai heo, củ kiệu ngâm, bánh tráng.
|
Vì sao người miền Nam thường ăn thịt kho hột vịt, canh khổ qua ngày tết Nguyên đán? Trao đổi với phóng viên, tiến sĩ Nguyễn Mạnh Tiến, giảng viên, Trưởng bộ môn Văn hóa ứng dụng, Khoa Quan hệ quốc tế, Trường ĐH Sài Gòn, TP.HCM, chia sẻ người Việt Nam nói chung và người phương Nam nói riêng rất coi trọng mâm cỗ tết.
Trong đó, có thể kể tới mâm ngũ quả ngày tết thì phải chưng trái cây có màu đẹp tượng trưng cho ngũ hành kim, mộc, thủy, hỏa, thổ, tên của trái cây cũng phải hay, gửi gắm mong ước như mãng cầu, sung, dừa, đu đủ, xoài…
|
Món ăn ngày tết cũng vậy, trong mỗi món ăn là ý nghĩa đặc biệt. Tên gọi trái khổ qua đã là ước mong năm mới thuận buồm xuôi gió, nỗi khổ đi qua. Ngày trước chưa có tủ lạnh như bây giờ, chợ cũng không họp sớm như bây giờ, nên mỗi nhà nấu một nồi thịt lớn, mỗi lần cúng gia tiên thì lấy ra một phần, còn lại để riêng. Những phần thịt về sau càng kho lại càng ngon.
“Món thịt kho hột vịt múc ra nhìn đẹp mắt trong mâm cơm ngày tết. Miếng thịt vuông vức. Hột vịt tròn. Như biểu tượng cho âm dương cân bằng, tinh tế. Trứng tròn còn là biểu tượng của sung túc, sinh sôi, mong một năm mới an khang, con cháu đông đàn”, tiến sĩ Nguyễn Mạnh Tiến chia sẻ.
Bình luận (0)