Vì sao người nông dân của cường quốc lúa gạo chưa giàu ?

18/11/2022 10:14 GMT+7

Tại Hội thảo "Phát triển ĐBSCL, giải pháp từ cây lúa" do Báo Thanh Niên phối hợp UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức sáng nay (18.11), tại Đồng Tháp, GS Võ Tòng Xuân đã nêu lên những trăn trở của người trồng lúa.

"Người trồng lúa hy sinh quá nhiều cho nhiệm vụ bảo đảm an ninh lương thực và xuất khẩu nhưng thành quả nhận lại chưa tương xứng nên họ vẫn còn nghèo" - GS Võ Tòng Xuân

Độc lập

Theo GS Võ Tòng Xuân, từ năm 1989 đến nay, suốt 32 năm, nông dân trồng lúa đã làm rạng rỡ nước nhà, đặt Việt Nam vào vị trí top 3 quốc gia xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới. Tuy nhiên, dù hy sinh lớn nhưng người trồng lúa vẫn chưa làm giàu được do chạy theo sản lượng bằng việc sử dụng quá nhiều hóa chất, giá thành cao, chất lượng thấp, vừa phí phạm nước tưới. Trong khi đó, một số ít nông dân đã làm giàu nhờ chuyển sang sản xuất những loại cây con khác không phải cây lúa. Hiện nay, cây lúa Việt Nam phải sống chung với biến đổi khí hậu (nước lũ, hạn, mặn xâm nhập) vừa giảm phát thải khí nhà kính, vừa làm nhiệm vụ chính trị để bảo đảm an ninh lương thực cho toàn xã hội, vừa làm nhiệm vụ kinh tế...

GS Võ Tòng Xuân đề xuất giải pháp cụ thể: “Cần quy hoạch lại vùng sản xuất lúa theo hướng phù hợp và bền vững. Vùng đất phù sa cổ xen lẫn đất phèn sâu, quanh năm có nước ngọt, không nước mặn xâm nhập, hệ thống thủy lợi đã được nhà nước trang bị đầy đủ có thể áp dụng kỹ thuật canh tác an toàn thực phẩm chất lượng cao, chủ yếu sử dụng giống lúa ngắn ngày năng suất cao; hạt dài, trung bình, hoặc tròn tùy theo khách hàng đầu ra. Vùng trũng, phù sa có phèn, hàng năm bị ngập lũ trong mùa mưa và thủy triều; khô hạn trong mùa nắng hiện tại đang sản xuất lúa 3 vụ/năm trong các vùng đê bao ngăn lũ có đầy đủ hệ thống thủy lợi hướng tới sẽ giảm diện tích lúa. Vùng ven biển là vùng sản xuất bền vững nhất: lúa chất lượng cao xen nuôi tôm càng xanh trong mùa mưa và nuôi thủy sản nước lợ/mặn trong mùa nắng”.

Theo GS Xuân, để tạo điều kiện cho nông dân sử dụng hữu hiệu nước mặn trong mùa nắng, Nhà nước sẽ đầu tư xây dựng các hệ thống thủy lợi lấy nước mặn vào và đưa nước thải ra khu xử lý. Đồng thời tiếp tục đầu tư khoa học và cấu trúc hạ tầng thủy lợi thiết lập những vườn cây ăn trái hiện đại từ các diện tích lúa vùng kém thích nghi giữa đồng bằng và vùng lúa tôm ven biển để nông dân tham gia sản xuất có lợi nhuận lớn hơn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.