Đây là thông tin được công bố tại hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề "Dinh dưỡng thực vật và giải pháp sức khỏe của thế kỷ 21", do Công ty Sữa đậu nành Việt Nam (Vinasoy) và Viện Dinh dưỡng Quốc gia đồng tổ chức ngày 12.7, tại TP.HCM.
Thực phẩm thực vật là xu hướng
Bà Trezelene Chan, Giám đốc phát triển bền vững tại Kantar Singapore (một công ty nghiên cứu thị trường), cho biết: Xu hướng tiêu dùng mới trên thế giới là sử dụng nhiều hơn các sản phẩm có nguồn gốc từ thực vật. Nếu trước đây, tỷ lệ người ăn thực phẩm thuần thực vật (thuần chay) chỉ chiếm 7% dân số thì hiện nay số người ăn chay linh hoạt (sử dụng nhiều thực vật cùng một ít sản phẩm động vật như trứng, sữa kèm thêm thịt cá nhưng không thường xuyên…) đang có xu hướng gia tăng mạnh. Nhiều cuộc khảo sát trên phạm vi toàn cầu cho thấy, cứ 4 người thì có 1 người theo chế độ ăn chay linh hoạt.
Chính vì vậy, thị trường thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật trên phạm vi toàn cầu sẽ tăng trưởng nhanh chóng từ 29 tỉ USD năm 2021 lên tới 162 tỉ USD vào năm 2030. Đáng chú ý, khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ chiếm khoảng 40% thị phần, tương đương 65 tỉ USD. Thực phẩm thực vật có sức hấp dẫn lớn đối với đối tượng trẻ tuổi, người dân sống ở thành thị và có thu nhập khá trở lên. Vì đây là nhóm đối tượng dành nhiều sự quan tâm đến sức khỏe, môi trường, phúc lợi động vật.
"Riêng tại Việt Nam phân khúc thị trường này ước tính sẽ đạt gần 250 triệu USD vào năm 2027. Điều thú vị là tại Việt Nam có đến 92% (cả châu Á - Thái Bình Dương là 78%) người tiêu dùng tin rằng sống theo cách thân thiện với môi trường hơn sẽ giúp cải thiện sức khỏe. Chính vì vậy, có đến 75% người tiêu dùng Việt Nam sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho các sản phẩm tốt hơn cho sức khỏe và môi trường; trong khi con số này trên phạm vi toàn cầu là 54%.
Ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Trung Quốc đang dẫn đầu thị trường, kế đến là Malaysia và Ấn Độ còn Việt Nam đang đứng ở vị trí thứ 4. Tại Trung Quốc, trong năm 2022, có doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực này đã gọi vốn thành công lên đến 100 triệu USD. "Tại Việt Nam, thương hiệu Vinasoy là tiêu biểu khi xuất khẩu thành công sang một số thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc", bà Trezelene Chan nói.
Ăn nhiều thực vật hơn, sức khỏe tốt hơn
Đến từ Đại học Harvard (Mỹ), TS Andrea Glenn dẫn các nghiên cứu thực nghiệm và kết luận: Thay thế một số đạm động vật trong khẩu phần ăn bằng nguồn đạm thực vật giúp ngăn ngừa và kiểm soát các bệnh về tim mạch. Bên cạnh đó, chế độ dinh dưỡng thực vật lành mạnh giúp ngăn ngừa béo phì, bệnh đái tháo đường tuýp 2 và nguy cơ mắc bệnh tim mạch. "Những thay đổi nhỏ, nhưng bao gồm nhiều thực phẩm có nguồn gốc thực vật lành mạnh hơn có thể tác động tích cực hơn", TS Andrea Glenn khuyến cáo.
Trong số các loại thực vật thì đậu nành được xem là loại cung cấp nhiều dưỡng chất quan trọng, đặc biệt là đạm. TS Mark Messina, Giám đốc Nghiên cứu dinh dưỡng đậu nành, Viện Dinh dưỡng đậu nành toàn cầu (Mỹ), bổ sung: Đậu nành có chứa hàm lượng đạm cao hơn các loại đậu phổ biến khác và đáp ứng đủ nhu cầu đạm của cơ thể. Đạm đậu nành phân lập có chất lượng tương đương đạm động vật. Nguồn đạm từ đậu nành có nhiều lợi ích với sức khỏe như giảm cholesterol máu, tăng sức mạnh cơ bắp, giúp phục hồi sau tập luyện, chống teo cơ.
"Bổ sung đạm chất lượng cao từ đậu nành hằng ngày giúp duy trì khối lượng cơ nạc và hoạt động thể chất ở người lớn tuổi khỏe mạnh với khối cơ nạc thấp. Đạm đậu nành có hiệu quả trong việc cải thiện các tác động tiêu cực của EIMD (tổn thương do tập luyện) trong cộng đồng vận động viên chuyên nghiệp", TS Mark Messina khẳng định.
Ông Võ Thành Đàng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi (công ty mẹ của Vinasoy), nhấn mạnh: Trong nhiều năm qua, chúng tôi luôn kiên trì theo đuổi việc cung cấp cho người tiêu dùng những sản phẩm chẳng những tốt cho sức khỏe mà còn lành mạnh và thân thiện với môi trường. Chúng tôi cũng đã tiên phong trong lĩnh vực phát triển các sản phẩm có nguồn gốc thực vật, đặc biệt là cây đậu nành với phương châm thêm đạm thực vật để khỏe thật".
Bình luận (0)